Trưa 8/8, theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hoá, hiện các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 6 gây ra.
Do mưa lớn kèm theo gió mạnh đã làm cho 753 nhà dân, nhất là ở các huyện ven biển bị tốc mái, hư hỏng, 14 nhà bị sập. Gần 8.000ha lúa, mía và rau màu bị ngã đổ. 2.500m2 hệ thống bờ bao, nuôi trồng thủy hải sản bị sạt, vỡ. Đáng kể nhất là hơn 1.000 ha nuôi ngao của người dân thuộc các xã ven biển có nguy cơ mất trắng do những trận sóng lớn đã cuốn ngao dồn lại thành từng đống, khiến ngao bị va đập với nhau, dẫn đến chết hàng loạt, trong đó tại huyện Hậu Lộc có khoảng 700ha, tập trung ở các xã Minh Lộc, Đa Lộc, Hải Lộc...
Toàn hệ thống cây xanh bị gió bão quật đổ la liệt trên các tuyến đường dọc các huyện cũng như địa bàn TP Thanh Hoá khiến cho giao thông đi lại gặp không ít khó khăn. Các địa phương đã huy động người dân cùng các lực lượng chức năng kịp tiến hành cưa, chặt các cây to bị đổ ngã ra đường, công ty vệ sinh môi trường huy động tối đa lực lượng dọn dẹp đường phố, ngõ xóm.... Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 13.000m đường dây điện bị đứt, khiến cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá bị mất điện trên diện rộng. Hiện ngành điện lực Thanh Hoá đang khẩn trương tiến hành kiểm tra, khắc phục các sự cố về đường dây để kịp thời cấp điện lại phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trong tỉnh.
Cây xanh bị gió bão quật đổ la liệt trên các tuyến đường dọc các huyện cũng như địa bàn TP Thanh Hoá khiến cho giao thông đi lại gặp không ít khó khăn.
Nhằm nhanh chóng khắc phục hậu quả và sớm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, ngay sau bão tỉnh Thanh Hoá đã tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp, các huyện có đê, hồ đập tiến hành rà soát , kiểm tra tình hình công trình đê điều, hồ đập sau các trận mưa lũ để kịp thời khắc phục các sự cố hư hỏng. Tập trung sửa chữa, vệ sinh nhà cửa, đường xá, giải phóng ách tắc giao thông, ổn định sinh hoạt cho nhân dân. Tổ chức kiểm tra và huy động mọi lực lượng, vật tư, phương tiện khắc vục các khu vực sạt lở, sự cố hư hỏng về giao thông, đê điều, hồ đập, bờ bao nuôi trồng thuỷ sản. Khẩn trương thu hoạch các diện tích ngô và hoa màu đã đến kỳ thu hoạch, đề phòng các trận bão tiếp theo.
Do ảnh hưởng của mưa bão số 6, mực nước trên các sông ở Thanh Hoá đang lên nhanh có khả năng lên báo động 1, báo động 2, riêng sông Bưởi có khả năng lên mức báo động 2, báo động 3. Các huyện miền núi vẫn cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất. Trước đó, vào tối 7/8, rạng sáng 8/8, bão số 6 đổ bộ các vào các huyện ven biển Thanh Hoá với cường độ gió giật cấp 9, cấp 10 gây ra mưa to trên địa bàn. Lượng mưa trung bình đo được trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá phổ biến ở mức 50-100 mm, có nơi lên đến 155 mm như ở Bát Mọt, Cửa Đặt, Tĩnh Gia.
Khi bão đổ bộ vào đất liền, các lực lượng chức năng đã liên tục tiến hành tuần tra trên khu vực đê biển cũng như các trọng điểm xung yếu để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra. Ngành công thương đã dự trữ 577 tấn gạo, 8.600 thùng mì tôm, lương khô, gần 3.000 thùng nước uống đóng chai, xăng, dầu hoả... cùng một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ cho nhân dân các huyện miền núi và vùng thường xảy ra thiên tai. Bão đi qua, tỉnh Thanh Hóa đang thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão lụt tại các địa bàn xung yếu, đồng thời chỉ đạo vận hành các hồ chứa, có phươngán bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du, đặc biệt là các hồ đang có sự cố.Tổ chức hướng dẫn giao thông tại các khu vực ngầm, đường bị ngập, đò ngang, đò dọc để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Các địa phương chủ động biện pháp tiêu úng, thoát lũ để bảo vệ diện tích lúa và hoa màu đề phòng xảy ra mưa lớn kéo dài sau bão.
Một số hình ảnh mà PV ghi lại được của tối qua và sáng nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.