Chỉ vì một mâu thuẫn hết sức vụn vặt, Đặng Hữu Tuấn liền vác súng bắn chết đồng nghiệp rồi bỏ trốn. 30 năm sau, dù đã thay tên đổi họ, lấy vợ, sinh con, hắn vẫn bị lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm bắt đưa về quy án...
Phát súng định mệnh
Đặng Hữu Tuấn, SN 1957, trú tại thôn 4, xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hắn và anh Trịnh Văn Tuấn (SN 1960, quận 3, TP. Đà Nẵng) cùng làm công nhân Công ty Quản lý đường sắt Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ). Vì chưa có gia đình nên hắn sống tại khu tập thể của ga Nông Sơn (xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn), ngay gần đó là ngôi nhà tạm của vợ chồng anh Tuấn. Cùng tên, cùng công ty nhưng mối quan hệ giữa hắn và anh Tuấn không được chan hòa cho lắm, một phần do cả hai đều tính tình nóng nảy.
Ngày 10/8/1983, nhóm công nhân đường sắt tại ga Nông Sơn tổ chức buổi tiệc nhỏ, trong đó có cả hắn và anh Trịnh Văn Tuấn tham gia. Trong lúc đang nhậu, gã buồn đi tiểu. Thay vì kiếm chỗ kín đáo thì gã cứ vô tư đứng tiểu trước mặt mọi người. Khi về đến khu tập thể, anh Tuấn nhắc nhở về hành động bất lịch sự của hắn. Hai bên lời qua tiếng lại, sẵn có hơi men, hắn và anh Tuấn lao vào nhau ẩu đả. Phải rất vất vả mọi người trong khu tập thể mới tách được hai người ra.
Từ đấy, hắn nung nấu ý định giết anh Tuấn cho hả giận. Biết Công ty có một khẩu súng AR15 để tại phòng trực ga Nông Sơn, thế là chiều ngày 15/8/1983, hắn đến phòng trực để tìm. Khi thấy hắn lấy khẩu súng, biết có sự chẳng lành, một nam công nhân của công ty tên Thịnh đã giằng lấy cây súng ném qua của sổ. Vùng thoát ra khỏi bàn tay níu giữ của đồng nghiệp, hắn nhảy qua cửa sổ nhặt lấy cây súng rồi đi sang nhà anh Tuấn.
Đặng Hữu Tuấn lúc mới bị bắt
Khi đến nơi, thấy anh Tuấn đang ngồi ngoài sân hóng mát, hắn dùng báng súng bổ mạnh vào đầu anh từ phía sau. Bất ngờ bị đánh đau, anh Tuấn quay lại thấy hắn thì biết ngay rằng mình đang gặp nguy hiểm. Ngay lập tức, anh Tuấn tìm đường tháo chạy. Thấy anh Tuấn chạy, hắn liền giương súng bóp cò. Một tiếng nổ vang lên khô khốc, anh Tuấn đổ gục xuống. Mọi người xung quanh chạy đến và đưa anh Tuấn vào bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp...
Sau khi gây án, Đặng Hữu Tuấn bỏ trốn vào Đồng Nai, trú tại ấp 6, xã Lô 25, quận Thống Nhất. Ngày 1/9/1983, Công an tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) phát lệnh truy nã toàn quốc số 180/LTN đối với Đặng Hữu Tuấn về tội giết người. Biết đang bị truy nã, Đặng Hữu Tuấn đã tạo cho mình một vỏ bọc khá an toàn. Hắn đến chính quyền địa phương nơi đây khai báo mất chứng minh nhân dân và xin đăng ký làm lại với tên Đặng Quang Tường, sinh ngày 5/11/1955.
Một thời gian sau, Đặng Hữu Tuấn được chính quyền sở tại cho nhập khẩu. Từ đó, hắn luôn có ý thức không vi phạm pháp luật, bởi một khi đã bị "sờ gáy" thì quá khứ tội lỗi sẽ bị lôi ra ánh sáng. Trong quá trình sống ở Đồng Nai, làm công nhân Nhà máy thủy điện Trị An và khi sống ở TP. Hồ Chí Minh sau này, gã luôn thể hiện là một công dân tốt, hiền lành, không mâu thuẫn, va chạm với ai. Cũng chính vì thế, không ai nghi ngờ Đặng Quang Tường đã từng cầm súng giết người và đang có lệnh truy nã.
Thời gian đầu vào Đồng Nai, hắn cũng được nhiều cô gái yêu thích. Tuy nhiên, hắn vẫn nặng lòng với cô N.T.N mà hắn đã yêu thương từ ngày sống ở quê nhà. Sau khi thay tên, đổi họ và tạo dựng được cuộc sống an toàn, hắn liên lạc với N và bảo người yêu vào sống với mình. Dù biết Tuấn mang trọng tội, dù biết sống với hắn cũng như ngồi trên đống lửa nhưng vì mối tình quá sâu nặng, N đã rời bỏ gia đình vào sống với hắn.
Đất khách quê người, vợ chồng Tuấn hai bàn tay trắng lập nghiệp nên cuộc sống vô cùng khốn khó. Một đồng vốn dắt lưng không có, cả hai đều phải đi làm thuê làm mướn. Lấy nhau được vài năm, vợ hắn sinh liền hai đứa con. Khó khăn càng thêm chồng chất. "Đói cơm rét áo" đã đành, Tuấn còn bị quá khứ tội lỗi ám ảnh, dày vò nên gần như không có đêm nào hắn được yên giấc. Chỉ cần tiếng gió đập ngoài phên cửa, hay tiếng động cơ xe máy nổ gần cũng khiến hắn giật mình. Nhiều lúc hắn muốn đầu thú để khỏi phải sống chui, sống nhủi, khỏi phải lo sợ. Nhưng rồi hắn lại không có đủ can đảm. Nghĩ đến nhà lao, hắn lại tiếp tục chọn cuộc sống của Đặng Quang Tường chứ không phải là Đặng Hữu Tuấn.
Hành trình chạy trốn của Tuấn đã khép lại sau song sắt
Sau vài năm, nhờ sự cần cù chịu khó lao động, gia đình nhỏ bé của Tuấn dần có cuộc sống ổn định hơn, không còn phải "ăn bữa nay, lo bữa mai" như trước kia. Nhiều người khen số hắn may mắn và chẳng có gì phải ước ao thêm nữa. Nhưng trong lòng Tuấn vẫn thầm ước, giá không có tiếng súng năm xưa. Phải, nếu không vì nóng nảy, bồng bột và cạn nghĩ thì hắn không gây nên cái chết cho đồng nghiệp. Cũng bởi tội ác chính mình gây ra mà hắn phải sống cuộc đời không phải của mình.
Trong suốt ngần ấy năm, mỗi hàng xóm láng giềng hỏi thăm quê quán, Tuấn đều giấu bặt hoặc trả lời cho qua chuyện. Thậm chí, nhiều khi các con hỏi về ông bà nội, ngoại, hắn cũng cố tìm cách lờ đi. Bù lại, hắn luôn cố tỏ ra là người lương thiện, sống gần gũi, hòa đồng để lấy lòng mọi người. Mỗi khi nhà ai có công việc gì cần đến, gã đều giúp nhiệt tình. Ngoài ra, gã còn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương để gây thiện cảm với chính quyền.
Sống ở Đồng Nai một thời gian vợ chồng Đặng Hữu Tuấn bàn tính chuyển về TP. Hồ Chí Minh bởi theo Tuấn, những người có "tì vết" như hắn không nên ở cố định một nơi quá lâu, dễ bị lộ. Hơn nữa, thành phố này vừa dễ làm ăn, vừa an toàn hơn do đất chật, người đông, dân tứ phương định cư nhiều, việc che giấu thân phận của hắn sẽ dễ dàng hơn. Năm 1992, vợ chồng gã chuyển lên sinh sống tại đường Đất Thánh, phường 6, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Với một số vốn liếng nhỏ, vợ chồng gã mở quán bán cà phê. Ngày tháng trôi qua, hai con của gã cũng lần lượt vào đại học. Nhưng, lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát!
Phạm tội khi đầu xanh, trả giá khi đầu bạc
Dù có tạo được vỏ bọc kín kẽ đến đâu thì những kẻ như Tuấn cũng có lúc phải “lòi” ra cái đuôi của mình. Và, hắn cũng không thể ngờ rằng, đã ba thập kỷ trôi qua mà người ta vẫn còn nhớ đến tội ác của hắn gây ra thời trai trẻ. Chính vì ý nghĩ là cơ quan Công an đã quên mình, hắn điềm nhiên sống như bao người dân hiền lành, lam lũ khác. Nhưng hắn đâu biết, từ cái tính cách “khác người” là không bao giờ chia sẻ thông tin với hàng xóm láng giềng về quê hương, gia đình, bố mẹ của mình, hắn đã vô tình tạo nghi vấn cho cơ quan chức năng. Nhận định, rất có thể đây là đối tượng phạm tội đang lẩn trốn, lực lượng Công an đã đưa hắn vào “tầm ngắm”. Từ đó, “nhất cử nhất động” của Đặng Hữu Tuấn được các trinh sát lặng lẽ bám theo.
Đầu năm 2012, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Quảng Nam tiếp nhận thông tin về Tuấn. Các trinh sát lập tức lên đường. Việc lần tìm ra Đặng Hữu Tuấn là cả một quá trình hết sức khó khăn, vì đã 30 năm trôi qua, hình dáng con người sẽ thay đổi. Hơn nữa, những kẻ bị truy nã thường thay tên, đổi họ và lánh nạn ở những nơi không có người thân thích để tránh sự truy tìm của cơ quan Công an. Đồng thời, Đặng Quang Tường - kẻ bị tình nghi, không hề giống tấm ảnh của Đặng Hữu Tuấn mà các anh mang theo, lại là người có hộ khẩu hợp pháp ở Đồng Nai.
Tuy nhiên, với bề dày kinh nghiệm, các trinh sát đã xác định được rằng, Đặng Quang Tường chính là Đặng Hữu Tuấn đã gây án 30 năm trước tại xã Điện Thọ. 16 giờ ngày 16/1/2013, khi các trinh sát cùng Công an địa phương vào nhà hỏi đúng tên mình bằng giọng Quảng, Đặng Hữu Tuấn toát cả mồ hôi. Biết không thể chối cãi, Đặng Hữu Tuấn đã thành khẩn nhận tội. Ngày 19/1/2013, Đặng Hữu Tuấn được di lý về Quảng Nam và giao cho Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật.
Một trinh sát tham gia chuyên án đã kể lại rằng, lúc đó, gương mặt Tuấn thất thần, nhợt nhạt. Hắn không hề phản kháng hay có bất cứ hành động chống đối nào, mắt ngơ ngác, tay run rẩy tra vào còng. Có lẽ, hắn những tưởng thời gian sẽ làm tội lỗi của mình rơi vào quên lãng, quá khứ của mình sẽ được chôn vùi. Vả lại, trong suốt ba thập kỷ chạy trốn, mọi “đường đi nước bước”, mọi hành động của bản thân đều được hắn tính toán, che đậy kỹ lưỡng nhằm đối phó sự truy tìm. Thế nhưng, lưới trời lồng lộng…
Ít lâu sau, TAND tỉnh Quảng Nam đã đưa Đặng Hữu Tuấn ra xét xử. Phải đến khi đứng trước vành móng ngựa, Tuấn mới ngộ ra rằng, thời gian không thể xóa nhòa tội ác. Trước Tòa, khi lý giải về hành động trốn chạy của mình, Tuấn bảo, lúc đó hắn quá sợ cái chuyện phải “nhập kho” và đối mặt với ngày dài tháng rộng “ăn cơm tù, mặc áo số”. Đồng thời, hắn nghĩ mình đã tạo được một cái vỏ bọc an toàn, vụ án lại xảy ra đã lâu, chắc gì cơ quan Công an đã nhớ mà truy tìm, săn đuổi? Nhưng Tuấn đã nhầm. Bởi, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực truy bắt tội phạm, cộng với lòng quyết tâm không để cho cái ác nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, các trinh sát vẫn quyết tâm lùng bắt bằng được hắn về quy án.
Khi phạm tội, Tuấn mới tròn 26 tuổi, độ tuổi sung sức, tươi đẹp nhất đời người. Giờ hắn vịn vành móng ngựa ở tuổi ngoại ngũ tuần. 30 năm trốn chạy đã bòn rút của hắn mọi thứ từ bố mẹ, người thân đến cả cái dáng vóc vâm vam thời trai trẻ. Hắn bảo: “Nếu biết pháp luật chưa quên đi tội ác của mình thì bị cáo đã chẳng trốn chạy làm gì cho khổ. Suốt quãng thời gian ấy, bị cáo phải sống chui lủi, vật vờ như cái bóng. Bố mẹ ốm đau rồi mất mà không dám về thắp hương, bị cáo ân hận lắm rồi…”. Sau khi xem xét, HĐXX đã tuyên phạt Tuấn 10 năm tù. Bản án đó đã chính thức khép lại hành trình trốn chạy của Đặng Hữu Tuấn.