Hành trình nghẹt thở giành lại sự sống cho cháu bé bị đâm dao vào sọ

"Chúng tôi đã có hàng chục năm điều trị, phẫu thuật, giành sự sống cho rất nhiều bệnh nhi, mỗi ca bệnh mang đến một cảm xúc khác nhau.

"Chúng tôi đã có hàng chục năm điều trị, phẫu thuật, giành sự sống cho rất nhiều bệnh nhi, mỗi ca bệnh mang đến một cảm xúc khác nhau nhưng với ca phẫu thuật này, chúng tôi sẽ khó mà quên được", các bác sĩ chia sẻ cảm xúc.

Sáng ngày 10/8, trong buổi gặp gỡ thân mật với báo chí và thông tin về ca đầu tiên điều trị cho bệnh nhi sơ sinh bị dao đâm vào hốc mắt trái thấu sọ, các y bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP. HCM đã kể lại hành trình nghẹt thở để giành sự sống cho bệnh nhi 12 ngày tuổi này.

Trước đó tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, khoảng 3g40 sáng 8/8, bé trai đã bị một phụ nữ lạ mặt dùng dao dài 28 cm (bề ngang daovị trí rộng nhất là 2,7cm) đâm xuyên sọ rồi bỏ chạy. Bệnh nhi nhập viện tại Bệnh viện Nhi đồng 1lúc 6g45 sáng8-8 trong tình trạng viêm phổi, thở co lõm, thiếu máu nhẹ, có vết thương do dao đâm thấu sọ ở vị trí giữa vùng hốc mắt trái và còn đang rỉ máu.

Hiện tại bé trai vẫn đang được điều trị tích cực tại Khoa chuyên
sâu sơ sinh, BV Nhi Đồng 1 TP. HCM.

3 giờ đồng hồ "chiến đấu" với lưỡi dao oan nghiệt

Khi tiếp nhận bé trai sơ sinh, các y bác sĩ tại BV Nhi Đồng 1 đều không khỏi xót xa trước hình ảnh cháu bé bị con dao dài đâm thấu sọ. Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm - trưởng khoa hồi sức sơ sinh cho biết lúc nhập viện, bé trai lơ mơ và khóc rên thành tiếng, vết thương còn nguyên dao đâm giữa mặt lệch về hố mắt bên trái đã được băng bó. Vết thương hốc mắt trái thấu sọ.

Bệnh nhi khi vào cấp cứu với con dao trên đầu- Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 1 cung cấp.

"Chúng tôi lập tức cho bé nằm đầu cao 30 độ, thở oxy ẩm qua cannula 0.51/phút, truyền dịch và kháng sinh chống nhiễm trùng. Diễn tiến sau đó là bé vẫn đừ, khóc rên, môi hồng vừa, chi ấm, mạch rõ vừa, thời gian hồi phục màu da 2-3 giây. Bé được chụp CT scan sọ não và tiến hành hội chẩn toàn bệnh viện với sự có mặt của nhiều chuyên khoa. Bé được chuyển vào phòng mổ lúc 10h45 cùng ngày, và được tiến hành mở hộp sọ, cầm máu, lấy bỏ dị vật, khâu lại màng cứng...", Bác sĩ Thanh Tâm kể lại quá trình điều trị cho bệnh nhi đặc biệt này.

Không giấu được cảm xúc khi nhớ về thời khắc chạy đua với thời gian để cứu sống bé trai, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, là trưởng ê kip mổ cũng như người đưa lưỡi dao ra khỏi não của bé, cho biết: "Chúng tôi hy vọng đây là ca đầu tiên cũng như là ca cuối cùng tiếp nhận bệnh nhi trong tình trạng này. 3 giờ đồng hồ phẫu thuật cho bé cũng là 3 giờ khó quên nhất trong cuộc đời chúng tôi. Khi đưa dao ra khỏi não của bé, tôi phải làm rất chậm do đường đi của lưỡi daotrong sọ não bệnh nhi rất nguy hiểm (vào vùng đồi thị) nên bé có nhiều nguy cơ bị liệt, suy hô hấp, tử vong trên bàn mổ khi rút dao ra".

Bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó Giám Đốc BV Nhi Đồng 1 là người chỉ huy
ê kíp mổ đặc biệt này, bác sĩ Hiếu cũng là người rút dao
ra khỏi sọ não của bé trai 12 ngày tuổi.

Theo bác sĩ Hiếu, bé trai được chuyển vào phòng mổ lúc 10h45 và cuộc phẫu thuật thành công lúc 14h cùng ngày. "Tất cả các trưởng khoa của BV cùng một bác sĩ chuyên khoa ngoại thần kinh BV Nhân dân 115 cùng tham gia vào cuộc phẫu thuật này. Tôi mất hơn 5 phút mới có thể rút được dao ra khỏi sọ não của bệnh nhi, máu của bệnh nhi bắt đầu chảy nhưng chúng tôi đã nhanh chóng kiểm soát và cầm máy được. Điều tôi lo lắng nhất chính là sợ bệnh nhi bị chảy máu thứ phát, vì bé còn quá nhỏ, chỉ cần mất 10-22cc máu là có thể ngưng thở. Điều tôi lo sợ thứ hai đó là lưỡi dao bẩn có thể gây nhiễm trùng cho bé", bác sĩ Hiếu kể lại.

Do một phần diện tích màng cứng sau phẫu thuật không được bao phủ nên các bác sĩ đã dùng màng cứng nhân tạo để vá lại vị trí màng cứng bị rách, tránh dò dịch não tủy.

"Không chỉ có ê kip mổ mà tất cả mọi người trong bệnh viện đều rất vui mừng vì ca phẫu thuật thành công. Chúng tôi đã có hàng chục năm điều trị, phẫu thuật, giành sự sống cho rất nhiều bệnh nhi, mỗi ca bệnh mang đến một cảm xúc khác nhau nhưng với ca phẫu thuật này, chúng tôi sẽ khó mà quên được", các bác sĩ chia sẻ cảm xúc.

"Không nói trước được những nguy cơ trong thời gian sắp tới"

Đến sáng nay, bé trai vẫn đang hôn mê, môi hồng và phải thở máy, có những lúc co giật nhẹ. Bác sĩ Thanh Tâm cho biết trước đó bé trai vẫn đang điều trị viêm phổi tại Bệnh viện tỉnh Vĩnh Long, lại bị dao đâm thấu sọ, chấn thương nghiêm trọng nên phải theo dõi rất kỹ càng. "Hiện tại, khi chụp X-quang vùng phổi thì nhận thấy tổn thương không nhiều. Nhưng thời gian sắp tới chúng tôi không thể nói trước điều gì, bệnh nhi còn quá nhỏ, nói rằng bé đã qua cơn nguy kịch thì cũng chưa đúng, chỉ biết rằng bé sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ khác", bác sĩ cho hay.

Bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm trong phòng chăm sóc đặc biệt, nơi bé
trai đang được theo dõi sau phẫu thuật.

Về thương tổn của hệ thần kinh, các bác sĩ cho biết đã mời bác sĩ nội thần kinh đánh giá nhưng vì bệnh nhi vẫn đang thở máy và dùng thuốc an thần nên đánh giá sẽ không chính xác. Còn bác sĩ trưởng khoa nhiễm khuẩn thì lo ngại khả năng nhiễm trùng của bé nên bé đã được điều trị phối hợp ba loại kháng sinh để ngừa nhiễm trùng.

Dù ca phẫu thuật rút dao ra khỏi não bé đã thành công nhưng các bác sĩ vẫn đang nỗ lực để bé trai sớm hồi phục, không để lại di chứng.

Quan sát cho thấy, ống dẫn lưu nơi vết mổ của bé vẫn còn rỉ ít dịch máu. Bé được tiếp tục điều trị tich cực, thở máy, kháng sinh, dịch truyền nuôi ăn tĩnh mạch.