Ham giàu, “lừa đảo” cả người thân

Công việc làm ăn, kinh doanh thua lỗ khiến cho Phạm Thị Luận cùng chồng quay cuồng trong đống nợ.

Khi hết vốn, vợ chồng Luận đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người thân quen rồi “cao chạy xa bay”…

Đại gia “bỗng dưng… bốc hơi”

Cuối tháng 3/1997, Cơ quan CSĐT CATP Hải Phòng nhận được đơn tố cáo của 9 người dân về việc bị vợ chồng Nguyễn Ngọc Hồi, SN 1945 và Phạm Thị Luận, SN 1948 cùng trú tại khu 2, phường Quán Toan, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo đơn trình báo của các bị hại, trong khoảng thời gian từ tháng 2/1996 đến tháng 3/1997, bằng thủ đoạn “trả lãi suất cao”, vợ chồng Hồi và Luận đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Tổng số tiền lên tới 2,6 tỷ đồng và 50 nghìn USD cùng 1 chiếc xe máy trị giá 24 triệu đồng. Hầu hết những bị hại đều là người thân, họ hàng và hàng xóm của vợ chồng Hồi. Thấy vợ chồng Hồi kinh doanh lớn từ vàng bạc, nhà đất, cho đến buôn sắt thép phế liệu… hơn nữa lại là chỗ thân quen, nên khi vợ chồng Hồi mở lời đề nghị “góp vốn” với mức lãi suất cao, các bị hại đều không ngần ngại giao tiền rồi đều đặn hàng tháng đến “lĩnh” khoản lãi hậu hĩnh. Tất cả đều không ngờ mình đã “giao trứng cho ác” bởi không một ai biết từ lâu vợ chồng Hồi đã kinh doanh theo kiểu “giật gấu vá vai” nhưng vẫn che mắt thiên hạ bằng vẻ ngoài hào nhoáng. Cho đến ngày 18/3/1997, khi vợ chồng Hồi và Luận ôm toàn bộ số tiền chiếm đoạt rồi “lặn không sủi tăm”, bỏ lại cái “xác nhà” hai tầng ở khu 2, phường Quán Toan, chủ nợ mới tá hỏa vì đã bị “người thân” lừa ngoạn mục.

Ngay khi nhận được đơn tố cáo, Cơ quan CSĐT CATP Hải Phòng đã tiến hành xác minh, điều tra làm rõ. Tuy nhiên, lúc này, do vợ chồng Hồi đã bỏ trốn khỏi địa phương nên CQĐT đã phát lệnh truy nã trên toàn quốc. Cuộc truy tìm đôi vợ chồng “siêu lừa” kéo dài gần 10 năm trời, cho đến ngày 26/4/2006, vợ chồng Hồi đã “sa lưới” tại thị xã  Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang theo lệnh truy nã. Khi bị bắt, cả Hồi và Luận đều ngỡ ngàng. Một thời gian dài lẩn trốn, những tưởng vụ án đã “chìm”, hai vợ chồng Hồi đã thấy yên tâm phần nào. Nhưng cuối cùng đôi vợ chồng “siêu lừa” vẫn đã phải tra tay vào còng khi đã ở cái ngưỡng tuổi thuộc về phía bên kia cuộc đời.

“Căn nhà Thạch Sanh”

Tại CQĐT, vợ chồng Hồi và Luận nhanh chóng khai nhận toàn bộ hành vi lừa đảo gần 10 năm trước. Lời khai của vợ chồng Hồi hoàn toàn trùng khớp với đơn trình báo của các bị hại. Theo đó, vợ chồng Hồi đã vay tiền của chị Trần Thị Thanh nhiều lần, mỗi lần từ 50 đến 100 triệu đồng với lãi suất 3%/tháng, tổng số tiền lên tới 800 triệu đồng. Để lấy lòng tin, Hồi và Luận thế chấp cả căn nhà xây kiên cố tại khu 2, phường Quán Toan có giá trị khoảng 500 triệu đồng bằng phiếu thu ngân sách, biên lai thu lệ phí đất. Cũng vẫn ngôi nhà đó, vợ chồng Hồi lại tiếp tục mang ra chuyển nhượng cho chị Bùi Thị Hưng, người quen cùng khu phố để vay số tiền là 650 triệu đồng với mức lãi suất từ 2% đến 3%/tháng. Để chị Hưng tin tưởng, vợ chồng Hồi cũng giao toàn bộ phiếu thu ngân sách, lệ phí sử dụng đất, thuế nhà đất, giấy phép xây dựng nhà, giấy thỏa thuận mua bán nhà, giấy chuyển nhượng sử dụng nhà… cho chị Hưng.

Vẫn bằng “căn nhà Thạch Sanh” trên, vợ chồng Hồi tiếp tục mang ra để lừa anh Nguyễn Văn Hiệu, là một người họ hàng rất thân thiết để vay số tiền 380 triệu đồng. Để chắc chắn, vợ chồng Hồi còn kí vào giấy biên nhận thế chấp vay với nội dung: “Nếu vợ chồng Hồi, Luận trốn nợ thì UBND phường Quán Toan sẽ sang tên ngôi nhà hai tầng ở khu 2, phường Quán Toan cho anh Hiệu”. Anh Hiệu tưởng mình đã nắm đằng chuôi nhưng ngờ đâu vợ chồng Hồi lại “cao tay” hơn.

Chưa đầy túi tham, vợ chồng Hồi còn mang giấy tờ nhà đất “ảo” ra lừa chị Nguyễn Thị Dinh để vay số tiền 160 triệu đồng. Khi vay tiền, vợ chồng “siêu lừa” đã mang 1 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở xã An Hưng mang tên Nguyễn Ngọc Hồi đưa cho chị Dinh. Vì tin tưởng nên chị Dinh đã không xem, sau đó chị mới biết đó không phải giấy tờ nhà đất Hồi và Luận đang ở, mà khu đất đó vợ chồng Hồi đã bán cho người khác từ năm 1992.

Trắng trợn hơn, vợ chồng Hồi còn dùng căn nhà cấp 4 của một người họ hàng ở khu 2, phường Quán Toan ra thế chấp để vay của chị Nguyễn Thị Thu số tiền 200 triệu đồng với lãi suất 5%/tháng. Vay của chị Nguyễn Thị Huyền 150 triệu đồng. Vay của chị Hoàng Thị Hảo 50 nghìn USD và 101 triệu đồng. Ngoài ra, với chiêu thức “trả lãi suất cao và trả trước thời hạn”, vợ chồng Hồi còn lừa anh Nguyễn Hữu Hạp, là bạn thân của Hồi để vay số tiền 145 triệu đồng với lãi suất 3%/ tháng. Không chỉ vậy, ngày 6/3/1997, Hồi còn đến tận nơi làm việc của anh Hạp để mượn xe máy và giấy tờ xe, nói là đi Thái Bình giải quyết công việc, hôm sau sẽ về trả xe. Anh Hạp đã đưa chiếc xe máy Honda trị giá 24 triệu đồng cùng giấy tờ xe máy cho Hồi. Hồi đem cầm đồ lấy 16 triệu đồng để trả nợ cho người khác. Đến ngày 18/3/1997, vợ chồng Hồi đã “cao chạy xa bay” để thoát khỏi những khoản nợ gần 3 tỷ đồng.

Ngày 23/1/2007, TAND TP Hải Phòng đưa vụ án của vợ chồng Hồi ra xét xử sơ thẩm. Đến dự phiên tòa hôm đó, những người thân thiết  đồng thời cũng là bị hại của vợ chồng Hồi đều có mặt đầy đủ. Mặc dù các bị hại đều bình tĩnh và không ai tỏ thái độ trách móc, nhưng suốt phiên xử, vợ chồng Hồi chỉ cúi gằm mặt, không dám quay xuống nhìn ai. Kết thúc phiên tòa, với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, HĐXX đã tuyên phạt Nguyễn Ngọc Hồi 20 năm tù giam. Phạm Thị Luận phải trả giá bằng mức án 17 năm tù.

Ở cái tuổi lục tuần, nhẽ ra Luận đang được sum vầy bên con cháu để an hưởng tuổi già. Gặp vợ chồng Luận trong trại giam sau 6 năm thi hành án, nhìn mái tóc của cả hai đã điểm nhiều sợi bạc. Đằng sau những vết nhăn hằn sâu nơi khóe mắt của Luận dường như luôn có một nỗi buồn chất chứa. Nhắc lại chuyện đã qua, khi đôi mắt đã đỏ hoe ầng ậc nước, Luận vẫn nở một nụ cười buồn và bảo: “Cũng chỉ tại vợ chồng tôi ham giàu quá mà mất khôn, càng mất tiền lại càng quay cuồng chạy vạy để mong kéo lại vốn. Thế rồi lại lún sâu vào đống nợ. Tôi đã cảm thấy mình đã không còn tự do từ cái ngày vợ chồng tôi bỏ trốn. Tha phương cầu thực nơi đất khách quê người, không chỉ vất vả chật vật với cuộc sống mà luôn phải sống trong tâm trạng bất an và sợ hãi. Rất may, khi về trại giam cải tạo, cả hai vợ chồng tôi cùng lao động ở một phân trại nên nhiều hôm xuất trại, cả hai cũng được nhìn thấy nhau cho đỡ tủi”.

“Nhiều lần ốm đau, tôi cũng được cán bộ tạo điều kiện được gặp chồng và nghe những lời động viên của ông ấy mà ứa nước mắt. Nhưng đó cũng là may mắn và đặc ân lớn mà các cán bộ nơi đây dành cho vợ chồng tôi. Chính vì vậy mà giờ đây, tôi chỉ mong mình có sức khỏe để cải tạo tốt, chờ ngày  được trở về bên con cháu để sống nốt những ngày tháng cuối đời…” Phạm Thị Luận chia sẻ trước khi nắm tay chồng thật chặt bước về phòng giam vào ngày đầu xuân mới.