Biết tin, người thân, bạn bè đã đến hỏi thăm và chia vui với gia đình của hai thuyền viên. Thuyền viên Hồ Vĩnh Lai (34 tuổi) ở xã An Hòa cùng với người em trai là Hồ Vĩnh Thế (sinh năm 1985) cùng tham gia đánh bắt trên tàu cá NA 90249 của anh Nguyễn Văn Trí (SN 1982, ở xã An Hòa).
Trong lúc bị sóng đánh chìm tàu, anh Lai và anh Thế đã tìm được cho mình một chiếc phao cứu hộ ở trên tàu. Nhưng vì chiếc phao quá nhỏ, không thể làm chỗ bấu víu để cả hai anh em nổi được trên biển, để bảo toàn tính mạng cho anh trai, anh Thế đã đẩy chiếc phao cùng với người anh ra xa, rồi anh Thế cầm cự trên mặt nước mà không có phao. Cứ như thế sóng biển xô dạt anh Thế mất tích lúc nào không hay.
Chị Mai Thị Phương (28 tuổi, vợ anh Thế) - nạn nhân đang mất tích sau vụ đắm thuyền cùng hai con là Hồ Thị Giang (học lớp 4), và Hồ Văn Hiếu (3 tuổi) đầu quấn băng tang trắng, khóc vật vã bên người thân. “Anh ơi, sao anh bỏ mẹ con em mà đi thế. Anh nói đi chuyến này xong có ít tiền sẽ mang về sửa nhà, mua cho con vài bộ quần áo mà…”, chị Phương khóc nức nở. Thuyền viên Hồ Vĩnh Lai bị thương ở mặt, tay - vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tai nạn đắm tàu. Trên gương mặt anh Lai còn in đậm nỗi ám ảnh về vụ việc và những giây phút sinh tử giữa biển khơi.
Sau khi hai thuyền viên may mắn sống sót trở về, gia đình các nạn nhân mất tích cũng tới hỏi han tình hình và cùng hy vọng vào một phép nhiệm màu sẽ đến với người thân họ.
Cũng trong chiều 30/11, đại diện chính quyền huyện Quỳnh Lưu và xã An Hòa đã đến thăm hỏi, động viên thăm hỏi gia đình những ngư dân gặp nạn. Ông Đặng Ngọc Bình - phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết, bước đầu UBND huyện đã hỗ trợ gia đình nạn nhân mất tích 4,5 triệu đồng và gia đình anh Lai, anh Hà mỗi người 1 triệu đồng; xã An Hòa trao 1 triệu đồng/người mất tích, 500.000đ/người trở về.
Trước đó, đến 16h30 chiều 30/11, thông tin từ đồn biên phòng 148 Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết chiếc thuyền mang số hiệu của tàu NA 90183 TS chở hai ngư dân thoát nạn sau vụ đắm tàu vẫn chưa cập cảng Lạch Quèn, đồn biên phòng 148 vẫn chưa xác định được tọa độ, vị trí chiếc tàu Nguyễn Văn Kính cũng như hai thuyền viên trên tàu. Qua bộ đàm liên lạc với tàu cá NA 90183 TS từ đất liền, sức khỏe của hai thuyền viên Lai và Hà đã khá hơn.
Chị Mai Thị Phương (28 tuổi, vợ anh Thế, nạn nhân đang mất tích) đang ngóng ra biển khơi
Người thân các nạn nhân và cơ quan chức năng có mặt ở cảng Lạch Quèn chờ thuyền viên
Từ 13h chiều 30/11, hằng trăm người dân và người thân, hàng xóm các ngư dân gặp nạn đã có mặt tại cảng Lạch Quèn với ánh mắt khắc khoải chờ đợi hướng ra phía biển. Chính quyền xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu cùng lực lượng BĐBP cũng túc trực tại cảng Lạch Quèn để đón chiếc tàu chở hai thuyền viên.
Chị Mai Thị Phương (28 tuổi, vợ anh Thế) cùng hai con ngồi bên cầu cảng chờ đợi với niềm hi vọng có một phép nhiệm mầu.
Liên quan đến việc trục vớt con tàu gặp nạn, thượng úy Phan Văn Lợi - trợ lý hải quân, Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An - cho biết đến 4h30 sáng 30/11, hai tàu của Hải đội 2 đã nhiều lần cố gắng néo dây để kéo lên nhưng do vực gặp sự cố cách xa bờ nên không thực hiện trục vớt, lai dắt được.
Các cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng 148 Quỳnh Thuận theo dõi thông tin từ tàu cá chở hai ngư dân sống sót trở về
“Hiện nay lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đang triển khai đội hình tìm kiếm xuống phía nam cách tọa độ tàu của ngư dân Quảng Bình cứu hai thuyền viên khoảng 3-5 hải lý để tìm kiếm những thuyền viên mất tích còn lại” - thượng úy Lợi nói.
Chi cục trưởng Chi cục đê điều và PCLB, trưởng Ban TKCN Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết thêm: Đến 9h sáng 30/11, UBND tỉnh Nghệ An đã điều động tàu chuyên trách công suất lớn ra hiện trường để trục vớt tàu gặp nạn; đồng thời ưu tiên việc mở rộng tìm kiếm tám ngư dân đang mất tích còn lại. Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Nghệ An cũng có công văn gửi Ban chỉ huy PCLB&TKCN các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình đề nghị hỗ trợ cứu nạn tàu và các thuyền viên bị nạn.
Đến 16h40 chiều 30/11, khu vực cảng Lạch Quèn vẫn còn sóng to, gió lớn. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật!