1. Thiếu các căn cứ và cảng thân thiện ở nước ngoài
Khi Trung Quốc đề nghị gửi tàu hải quân Qiandaohu sang cảng Albany của Australia để tham gia vào cuộc tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích MH370, các nhà hoạch định chiến lược ở Bắc Kinh mới thấy mối lo ngại “nhức đầu” khi thiếu các căn cứ ở nước ngoài và các cảng thân thiện sẵn sàng tiếp đón tàu của nước này. Hơn thế nữa, với việc huy động nhiều tàu tham gia tìm kiếm MH370 ở Ấn Độ Dương, Bắc Kinh tiếp tục phải đối mặt với vấn đề liên quan đến cung đường cung cấp và hậu cần cho lực lượng hải quân.
Ian Storey, một chuyên gia về an ninh khu vực tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore cho biết: "Cũng như Mỹ, khi Trung Quốc ngày càng muốn tăng cường hiện diện quân sự, nó sẽ cần các căn cứ Hải quân ở nước ngoài". "Tôi có chút ngạc nhiên khi Bắc Kinh chưa thể hiện dấu hiệu nào cho thấy đã bắt đầu các cuộc đàm phàn về việc tiếp cận dài hạn (các khu căn cứ ở nước ngoài). Đó là một lỗ hổng rõ ràng”.
Tàu Hải Tuần 1 tham gia trong cuộc tìm kiếm MH370 trên Ấn Độ Dương. Ảnh: Reuters
Một nhà phân tích quân sự nhận định: việc tiếp cận các cảng nước ngoài là tương đối dễ dàng trong những vấn đề nhân đạo, ví dụ hiện thời là cuộc tìm kiếm MH370 hay tuần tra chống hải tặc ở Mũi Nhọn Phi Châu (Horn of Africa) nhưng một khi xảy ra tranh chấp hoặc xung đột thì lại là vấn đề khác.
"Nếu xảy ra căng thẳng thực sự và có nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và một đồng minh của Mỹ ở Đông Á, thật khó tưởng tượng ra cảnh tàu chiến Trung Quốc được phép nhập cảng của Australia", một nhà phân tích tại Bắc Kinh cho biết.
Thiếu hụt trầm trọng hệ thống hải cảng khi lực lượng hải quân phát triển, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với tình trạng tiến thoái lưỡng nan.
2. Hệ thống tàu sân bay chưa phát triển
Hệ thống căn cứ và cảng biển thân thiện ở nước ngoài chưa thật sự mở rộng, một biện pháp thay thế hiệu quả chính là những tàu sân bay hay còn được gọi là hàng không mẫu hạm, là một loại tàu chiến được thiết kế để triển khai và thu hồi lại máy bay. Trên thực tế loại tàu này hoạt động như một căn cứ không quân trên biển. Do đó, các tàu sân bay cho phép lực lượng hải quân triển khai không lực ở các khoảng cách lớn mà không phụ thuộc vào các căn cứ mặt đất.
Thế nhưng đề cập tới vấn đề này, Trung Quốc lại để lộ ra một yếu điểm khi mới chỉ có duy nhất một chiếc tàu sân bay Liêu Ninh. Đây là tàu sân bay từ thời Liên Xô, được Bắc Kinh mua từ Ukraine vào năm 1998 và sửa chữa lại, đang được sử dụng để huấn luyện và chưa đi vào hoạt động đầy đủ.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc (ảnh nhỏ) và siêu tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ
Liêu Ninh chỉ to bằng một nửa so với siêu tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ và chuyên chở được ít máy bay hơn. Thậm chí vì là “đồ cũ” nên chiếc này thiếu bệ phóng máy bay do đó chiến đấu cơ J-15 của Trung Quốc phải dùng một con dốc hướng lên để cất cánh, khiến máy bay bị giới hạn tải trọng và tầm bay. Liêu Ninh cũng thiếu radar và máy bay tiếp nhiên liệu cho các chiến đấu cơ bay tầm xa.
3. Lực lượng chống ngầm và chống thủy lôi “lỏng lẻo”
Theo trang Sinodefence của Anh, về cơ bản các tàu khu trục và tàu hộ vệ của Trung Quốc được trang bị trước đây không có năng lực chống ngầm. Còn những tàu khu trục và tàu hộ vệ mới được hạ thủy gần đây đã dần thiên về phòng không và chống ngầm nhưng lại thiếu các sonar cảm ứng tính năng cao cần thiết cho việc dò tìm tàu ngầm tiếng ồn thấp cũng như trực thăng chống ngầm cỡ lớn.
Một tàu ngầm của hải quân Trung Quốc
So với các tàu chiến của Mỹ hầu như đều được trang bị máy bay tuần tra chống ngầm P3 và máy bay chống ngầm P8I, tàu chiến của Trung Quốc còn kém xa. Thực tế, điểm cốt lõi nhất của năng lực chống ngầm nằm ở lực lượng không quân của hải quân và đây chính là điểm yếu lớn của hải quân Trung Quốc.
Về năng lực chống thủy lôi, trang Strategypage cho rằng hải quân Trung Quốc thiếu khả năng tự bảo vệ trước thủy lôi đối phương. Hải quân Trung Quốc có thể tiến hành thả thủy lôi quy mô lớn, phong tỏa bờ biển của nước khác hoặc bảo vệ vùng biển của nước mình nhưng lại không có đủ năng lực để loại trừ thủy lôi của đối phương. Do đó, có thể vì mấy trăm quả thủy lôi của đối phương mà Trung Quốc sẽ buộc phải đóng cửa các tuyến đường trên biển.
4. Khả năng tác chiến xa còn kém
Trong tác chiến trên biển hiện đại thường phải kết hợp cả hải quân với không quân, nhưng một khi nổ ra xung đột tại Biển Đông, chiến đấu cơ Trung Quốc bay từ đất liền của họ ở đảo Hải Nam ra được tới vùng biển rồi bay về là hết dầu, không còn thời gian tác chiến.
Trang Strategypage dẫn báo cáo đánh giá của Cục Tình báo Hải quân Mỹ cho biết tới những năm 80 và 90 của thế kỷ trước, tàu chiến của hải quân Trung Quốc chủ yếu hoạt động ở vùng biển gần. Tháng 11/1985, hải quân nước này mới thực hiện chuyến thăm nước ngoài đầu tiên tới Pakistan. Đến tháng 5/1986, biên đội hỗn hợp thuộc Hạm đội Bắc Hải mới lần đầu tiên hoàn thành các bài tập ở vùng biển xa.
Báo cáo đăng trên trang tin của Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cũng cho hay tới năm 2005 không có chiếc nào trong số 50 tàu ngầm của Trung Quốc tiến hành tuần tra viễn dương. Tính trung bình, cứ 4 năm rưỡi tàu ngầm Trung Quốc mới có cơ hội đi tuần tra viễn dương một lần. Trong khi đó, mỗi năm bình quân một chiếc tàu ngầm Mỹ tiến hành tuần tra viễn dương ít nhất là một lần.
Ngoài ra, từ khi đưa vào phục vụ tới nay, tàu ngầm hạt nhân chiến lược 092 lớp Hạ của Trung Quốc chưa một lần đi tuần tra viễn dương. Hiện tại, Trung Quốc có 74 tàu khu trục và tàu hộ vệ.
Nếu tiếp tục duy trì tần suất như hiện tại thì phải 4-5 năm nữa, tất cả các tàu chủ lực của Trung Quốc mới có thể được trải nghiệm thực chiến viễn dương thông qua hoạt động chống cướp biển Somalia. Theo tiêu chuẩn cường quốc hải quân phương Tây, hải quân Trung Quốc rõ ràng chưa đạt.
5. Tinh thần chiến đấu của “lính con một”
Ở Trung Quốc, chính sách sinh một con được áp dụng từ năm 1979 nhằm hạn chế tốc độ gia tăng dân số chóng mặt. Ngoài những lợi ích trước mắt, chính sách này lại mang tới những hệ lụy khôn lường, đặc biệt trong đó phải kể tới sự ảnh hưởng trầm trọng tới lực lượng tham gia quân đội khi những người lính đều là “con một”.
Thế nên, một điểm yếu của quân đội Trung Quốc nói chung và hải quân nói riêng chính là tinh thần người lính. Lính Trung Quốc hiện nay thường được gọi là ‘lính con một”. Hơn 30 năm nay Trung Quốc thực hiện chế độ sinh đẻ có kế hoạch, mỗi cặp vợ chồng chỉ được đẻ 1 con.
“Lứa tuổi trên 18-20, tuổi đi lính nghĩa vụ của Trung Quốc hiện nay thuộc loại “con độc nhất”. Không nói cũng rõ, những cậu con một này đã được “6 người lớn chăm sóc, nâng niu” từ lúc mới lọt lòng cho tới khi đến tuổi trưởng thành. (6 người là hai bố mẹ, hai ông bà nội, hai ông bà ngoại). Thế nên dù ở thành phố hay nông thôn, là con nhà giàu hay còn nghèo, họ cũng đều được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, chiều chuộng đủ đường.
Đến tuổi nhập ngũ, tinh thần phấn đấu, chịu đựng gian khổ của những “cậu ấm độc nhất” đó nói chung rất kém.
Thử hỏi, những người lính ra chiến trường chỉ có tư tưởng được bao bọc, chiều chuộng, được người khác che chở, hy sinh thì tinh thần chiến đấu của họ sẽ như thế nào?
Với lực lượng hải quân còn nhiều yếu điểm như thế, mới đây Bắc Kinh còn ngang nhiên và thậm chí là hung hăng khi hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam. Động thái của Trung Quốc khiến cộng đồng quốc tế quan ngại sâu sắc, ASEAN lần đầu tiên tuyên bố công ước riêng về tình hình Biển Đông sau nhiều năm, Washington lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh đồng thời ủng hộ Việt Nam trên trường pháp lý. Trong khi đó, ngay tại Trung Quốc, bạo loạn bùng nổ mạnh mẽ ở khu vực Tân Cương khi mới đây, hôm 22/5 vụ tấn công, nổ bom tại một khu chợ tạm ở Urumqi khiến 31 người thiệt mạng và 94 người khác bị thương. Chưa hết, trên trường quốc tế, Trung Quốc có những động thái "khiêu khích" Philippines và mới đây là việc máy bay Trung Quốc áp sát máy bay Nhật Bản nơi các vùng nhận dạng phòng không của hai nước chồng lấn nhau gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ phía Tokyo. Trong bối cảnh "rối ren" như thế, phải chăng hành động của Bắc Kinh là có phần "liều lĩnh"?
>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG