Tin đồn về việc có người nhiễm bệnh do virus Ebola tại Bệnh viện Bạch Mai rộ lên vào chiều muộn 11/8, được cho là xuất phát từ một tài khoản trên mạng xã hội Facebook. Ngay sau đó, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khẳng định: "Đây là thông tin không chính xác, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm virus Ebola".
Ông Phu cho hay Bộ Y tế đang thực hiện tất cả các biện pháp giám sát dịch, không để bệnh xâm nhập vào nước ta. "Người dân nên bình tĩnh, không nên quá hoang mang, lo lắng. Bệnh chưa có vắcxin nhưng có thể phòng được”, người đứng đầu Cục y tế Dự phòng nói.
Bệnh do virus Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thuộc nhóm A, có khả năng lây lan nhanh, tỷ lệ tử vong đến 90%. Tính đến ngày 12/8, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 1.848 trường hợp mắc, trong đó hơn 1.000 trường hợp tử vong. Số mắc và tử vong tập trung tại 4 nước: Guinea, Liberia, Nigeria và Sierra Leone.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu với dịch Ebola. Các chuyên gia WHO nhận định nguy cơ dịch lây lan quốc tế là đặc biệt nghiêm trọng do độc lực cao của virus; sự biến đổi liên tục các mô hình lây truyền dịch bệnh trong cộng đồng và các cơ sở y tế; hệ thống y tế yếu của một số quốc gia bị ảnh hưởng bởi virus này.
Ngày 9/8, trước mối đe dọa của dịch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương, bằng mọi biện pháp nhằm đạt yêu cầu cao nhất là ngăn chặn bệnh dịch lây lan vào Việt Nam.
Ngành y tế đã kích hoạt tất cả hệ thống để ngăn ngừa dịch bệnh từ xa; trong đó quan trọng là giám sát khách nhập cảnh tại cửa khẩu hàng không, đường bộ, đường thủy.
Thời gian ủ bệnh Ebola trung bình là 2-21 ngày. Các triệu chứng thường gặp gồm: sốt, đau đầu, đau mỏi cơ, nôn/buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, viêm kết mạc, phát ban. Ngoài ra, bệnh kèm theo các biểu hiện xuất huyết như: đi ngoài phân đen, chảy máu nơi tiêm truyền, ho máu, chảy máu chân răng, chảy máu âm đạo...