Sau khi thâm nhập, chúng tôi đã ghi lại được những thước phim ghê rợn về công nghệ chế biến món ăn khoái khẩu này.
Tẩy da thối bằng ô xy già
Khó khăn lắm chúng tôi mới thu thập được quy trình sản xuất giăm bông do đôi nam nữ tên Văn và Hân làm chủ. Đầu tiên, chủ cơ sở thu mua da heo từ các đầu nậu, các chợ, do vậy hàng đưa về đến cơ sở luôn trong tình trạng bốc mùi hôi thối, chảy nước. Da heo đưa về được đổ thẳng xuống nền nhà nhớp nháp, cạnh nhà vệ sinh.
Sau đó, các nam công nhân tay trần, chân trần lựa ra những tấm da lớn chặt thành hình vuông hoặc chữ nhật may thành các chiếc túi (để nhồi thịt vào trong túi). Số công nhân khác thì dùng đục để tạo các lỗ xung quanh tấm da heo nhằm xỏ chỉ may túi. Sau khi những túi da được may xong, công nhân sẽ gom chúng vào một cái thau lớn, đổ ô xy già vào để tẩy các chất nhớt bầy nhầy, tẩy trắng và làm bớt mùi hôi thối. Khi đổ ô xy già vào thau da (khoảng nửa lít cho một thau đựng chừng 20 kg da), lập tức nước trong thau sôi lên sùng sục, những váng bọt màu trắng đục, màu đỏ, màu xám tái nổi lên từng lớp, quyện với nhau kín hết mặt thau. Lúc này, mùi hôi thối, tanh tưởi bốc lên nồng nặc.
Khoảng 15 phút sau, một công nhân chắt hết nước ở thau đi, đổ nước khác vào, rồi dùng hai chân trần giẫm đạp liên tục lên những chiếc túi da cho đến khi miếng da hết nhớt và trắng, để chuẩn bị mang đi nhồi thịt…
Dùng chân trần đạp vào thau đựng da heo
Đối với số da còn dư sau khi chặt da làm túi nói trên, sẽ được đổ thẳng vào nồi nước sôi. Sau khi da chín, công nhân vớt ra ngâm vào thau nước lạnh, rồi bước vô, tiếp tục dùng hai chân trần nhảy đạp liên tục lên những miếng da để tẩy bớt chất nhầy, nhớt, sau đó vớt ra cho vào tủ lạnh. Hôm sau, số da này được đem ra xay nhỏ như hạt lựu rồi trộn chung với thịt vụn, cho vào túi da làm giăm bông.
Lấy chân đạp lên da heo đã luộc chín đựng trong thau để tẩy sạch da - Ảnh: Hải Nguyên
Thu gom thịt thối làm nhân
Khâu làm nhân từ thịt cũng dơ bẩn không kém. Chủ cơ sở mua các loại thịt vụn giá rẻ từ một đầu nậu chuyên gom thịt ế của các tiểu thương để hàng tháng trong tủ lạnh. Số hàng này đã mềm nhũn, chảy nước, biến sắc và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Tiếp đó, công nhân đổ một lượng lớn muối vào số thịt này, rồi tiếp tục dùng đôi chân trần nhảy đạp để tẩy nhớt và làm bớt mùi hôi.
Đáng chú ý, sau bước sơ chế thịt, công nhân dùng một loại bột được gọi là muối đỏ và nhiều “gia vị” khác không rõ nguồn gốc vào thau thịt, đặc biệt là rất nhiều ngũ vị hương để át mùi hôi của thịt thối. Một số công nhân, vốn thường xuyên dùng tay trần trộn thịt đã tẩm ướp nhiều loại “gia vị” trên, bị hăm lở, trầy xước, mưng mủ ở tay nhưng hằng ngày chẳng ngại dùng tay trần để trộn thịt, xay da.
Giăm bông bán ế được trả về cơ sở để tái chế - Ảnh: Thanh Tùng
Sau khi thịt đã thấm “gia vị” sẽ được trộn với da xay hôm trước theo tỷ lệ: 60 kg thịt, 25 kg da (loại 3); 60 kg thịt, 15 kg da (loại 2); 60 kg thịt, 9 kg da (loại 1); rồi nhồi vào những chiếc túi da, khâu kín miệng tạo thành những đòn giăm bông; đem luộc chín, vớt ra, quấn vải, dùng dây giàng chặt và bỏ vào tủ lạnh.
Sáng hôm sau, công nhân tháo dây ra, lấy các đòn giăm bông đem rửa nước lạnh có pha với một loại hóa chất không rõ nguồn gốc, dạng bột mịn màu trắng, có mùi hôi nồng nặc, nhằm loại bỏ số mỡ dính trên đó. Sau đó, số giăm bông này tiếp tục được trụng lại với nước sôi có pha với loại bột màu đỏ, không nhãn mác, rồi cho vào bịch ni lông đem giao cho khách hàng.
Chủ, công nhân không dám ăn !
Theo chúng tôi được biết, từ chủ đến công nhân ở cơ sở trên không ai dám ăn món giăm bông do chính họ làm ra, kể cả việc nếm thử xem nó đã chín hay chưa. Mỗi ngày, cơ sở này cho ra lò khoảng 400 - 500 kg giăm bông; giá bán từ 60.000 - 100.000 đồng/kg (tùy loại). Giăm bông của cơ sở bà Hân, ông Văn được bán đi khắp nơi, từ các xe bán bánh mì đến các khu vực: Chợ Lớn, chợ Hòa Bình (Q.5), chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) và cả Long An.