Hà Nội: Sốt xuất huyết tăng chóng mặt, người dân vẫn thờ ơ

Khoảng 2 tháng trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng chóng mặt. Nếu như số ca mắc được ghi nhận trong tháng 6 cao hơn tổng số ca mắc trong 5 tháng trước.


Đoàn cán bộ Sở Y tế Hà Nội kiểm tra điều kiện vệ sinh môi trường,
diệt bọ gậy tại huyện Thanh Trì

Bắt đầu mùa cao điểm

Theo Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội, số mắc SXH tích lũy 7 tháng đầu năm 2015 trên địa bàn Hà Nội là 693 ca, chưa có tử vong. Bệnh phân bố rải rác ở 164 xã, phường của 29 quận, huyện. Đáng chú ý, mùa dịch SXH tại Hà Nội bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm và số mắc thường có chiều hướng gia tăng vào các tháng hè thu. Qua thống kê cho thấy, 2 tháng trở lại đây số mắc SXH tại Hà Nội bắt đầu tăng mạnh. Trong đó, tháng 6 có 168 ca; tháng 7 có 357 ca. Bệnh chủ yếu ở người lớn, số mắc bệnh là trẻ em dưới 15 tuổi chỉ chiếm 13%.

Bệnh nhân SXH tập trung nhiều nhất ở các quận nội thành như Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Hà Đông và một số huyện giáp ranh đang đô thị hóa nhanh như Thanh Trì. TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYTDP Hà Nội cho biết, tuy hiện nay chưa xuất hiện ổ dịch tập trung song dự báo còn diễn biến phức tạp, bởi mới bắt đầu bước vào mùa cao điểm của dịch SXH. “Diễn biến thất thường của thời tiết, nắng nóng mưa nhiều, vệ sinh môi trường kém, nhiều phế liệu phế thải đọng nước… đều là những yếu tố thuận lợi để muỗi truyền bệnh SXH sinh sản làm dịch bệnh lây lan mạnh” – ông Nguyễn Nhật Cảm nói.

Ngành y tế Hà Nội lo ngại dịch SXH có thể bùng phát mạnh trong những tháng còn lại của năm nay bởi theo chu kỳ 4-5 năm, dịch SXH lại bùng phát mạnh một đợt và năm 2015 chính là năm rơi vào đỉnh theo chu kỳ đó.

Nâng cao ý thứcphòng bệnh

Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, từ đầu năm, ngành y tế Hà Nội đã tham mưu cho UBND TP và các cấp triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tại các xã/ phường, quận/huyện có nhiều bệnh nhân. Theo đó, ngành y tế đã phát 560.656 tờ rơi về bệnh SXH và các biện pháp phòng chống, tuy vậy vẫn còn một bộ phận không nhỏ chính quyền địa phương vào cuộc chưa quyết liệt, nhất là nhiều người dân vẫn chủ quan, thờ ơ với dịch bệnh nguy hiểm này.

“Trong quá trình triển khai công tác phòng chống dịch, chúng tôi gặp không ít khó khăn do một số hộ gia đình, người dân không hợp tác. Nhiều trường hợp hộ dân không mở cửa cho cán bộ y tế vào nhà kiểm tra vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy hoặc phun hóa chất diệt muỗi, không khai báo cho cán bộ y tế địa phương khi bị bệnh, không chủ động và thực hiện thường xuyên việc diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà mình. Bên cạnh đó, kiến thức về bệnh của người dân vẫn còn hạn chế, nhiều người cứ nghĩ nhà sạch là sẽ không có muỗi hay coi nhẹ việc vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà mình. Nhiều người dân vẫn có tập quán trữ nước nhưng không thả cá diệt bọ gậy, từ lọ hoa trên bàn thờ chứa nước lâu ngày đến nước đọng ở chậu cây cảnh ngoài sân chứa đầy bọ gậy... là điều kiện lý tưởng để muỗi truyền SXH sinh sôi” – ông Nguyễn Nhật Cảm chia sẻ.

Bước vào cao điểm dịch, TTYTDP Hà Nội khuyến cáo mạnh mẽ mỗi gia đình cần chủ động diệt bọ gậy trong và xung quanh nhà bằng cách: lật úp các dụng cụ chứa nước không dùng đến, thả cá vào bể hở chứa nước ăn và sinh hoạt, thả hóa chất diệt bọ gậy do cán bộ y tế cung cấp hoặc thả cá vào bể cảnh, bể trồng cây cảnh có nước; ngủ màn; hợp tác với cán bộ y tế khi có bệnh nhân hoặc ổ dịch. Đặc biệt, khi có biểu hiện sốt cao đột ngột trên 2 ngày, cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám điều trị kịp thời, tránh biến chứng nặng, tử vong.