Trụ sở của Bộ Xây dựng tại số 37 Lê Đại Hành (Q.Hai Bà Trưng) đã được Thủ tướng đồng ý cho chuyển về khu đô thị mới Tây Hồ Tây - Ảnh: Nguyễn Khánh
Tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đồng thời là chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, đã yêu cầu TP Hà Nội phải đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, ưu tiên bố trí đủ diện tích đất dành cho giao thông tĩnh và phải đầu tư ngay các bãi để xe phục vụ người dân.
“Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn”
Trong số các giải pháp giảm ùn tắc giao thông Hà Nội thực hiện gần đây, giải pháp điều chỉnh giờ làm, giờ học, được Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi báo cáo là có kết quả, khả năng lưu thông của phương tiện đã được cải thiện.
“Một số tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vẫn đông phương tiện nhưng không tắc nghẽn, mật độ giao thông trong giờ cao điểm giảm đáng kể” - ông Khôi nói.
Nhiều đại biểu đồng tình với đánh giá của Hà Nội, tuy nhiên cho rằng từ việc điều chỉnh giờ học đã phát sinh thêm bất cập cho phụ huynh, học sinh cấp III vì phải về nhà quá muộn, sau 19g.
Ông Nguyễn Thế Thảo thừa nhận: “Với quy định học sinh cấp III tan trường sau 19g, TP nhận thấy đây là điều bất cập. Tôi cũng nhận được rất nhiều tin nhắn của học sinh, phụ huynh về việc này. Sau kiểm tra, TP đã cho điều chỉnh ngay, quy định lại giờ tan trường sớm hơn từ 18g”.
Theo giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh, việc giảm ùn tắc từ giải pháp đổi giờ mới chỉ là kết quả bước đầu. Có những giờ thấy có hiệu quả, có những giờ vẫn còn ùn tắc và tại một số nút giao thông thì thấy chưa có hiệu quả lắm.
Phát biểu sau đó, giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ví những giải pháp của Hà Nội về giảm ùn tắc hiện nay giống như những vị thuốc trong một thang thuốc. “Nếu kiên định thì dần dần sẽ thuyên giảm, chứ những giải pháp đó không như phép mầu để chữa ngay được bệnh ùn tắc. Quỹ đất dành cho đường sá chỉ chiếm 7-8%, trong khi nhu cầu cần tới 20-25%, khi chưa đạt được tỉ lệ này thì vẫn còn ùn tắc” - ông Hùng quả quyết.
“Dời trụ sở mà làm chung cư, tôi không ký”
Ông Thảo cho rằng vấn đề đầu tiên để di dời các trường đại học và bệnh viện là các bộ phải cung cấp được quy hoạch về mạng lưới các trường, các bệnh viện để Bộ Xây dựng và Hà Nội bố trí lên kế hoạch, còn nếu chưa có quy hoạch mạng lưới thì không thể nói chuyện di dời.
Ông nói: “Về tài chính, có trường đặt vấn đề sau di dời thì cho tôi bán vị trí cũ để lấy vốn, hoặc xin được kinh doanh tại vị trí đó. Tôi nói thật việc di dời phải đúng mục đích đặt ra, nếu di dời xong rồi lại xin làm chung cư, khu đô thị thì không có ý nghĩa gì hết. Với TP, tôi sẽ không bao giờ đặt bút ký cho bất cứ một khu chung cư nào như thế nữa” - ông Thảo nói.
Ông Thảo đề nghị các bộ ngành cần nghiên cứu cơ chế, chính sách về việc di dời trụ sở, sau đó đề nghị với Chính phủ. “Nếu để lấy tiền cho các bộ xây trụ sở mới hoặc các trường mới thì buộc chúng ta phải bán diện tích trụ sở cũ cho tư nhân, như vậy mục đích di dời để giảm tải không đạt được.
Đáng ra các trường đại học, đơn vị chỉ làm việc có bấy nhiêu tiếng rồi về nhà, nhưng nếu bán cho tư nhân chuyển làm chung cư, làm đô thị thì vô hình trung chúng ta tiếp tục làm gia tăng mật độ dân số lên suốt 24 tiếng trong ngày. Vì vậy, TP xin mua lại, giữ đúng mục đích dành cho sinh hoạt công, hình thức mua cũng từ vốn ngân sách, ghi thu, ghi chi, có vậy mới đạt được mục đích giảm ùn tắc”-ông Thảo kiến nghị.
Xây dựng ngay bãi đỗ, nhà để xe
Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận việc Hà Nội đã rất tích cực, chủ động trong triển khai các giải pháp của Chính phủ về giảm ùn tắc giao thông. Về nhiệm vụ của năm 2012, phó thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội phải nâng năm chỉ tiêu về an toàn giao thông của TP lên cao hơn nữa. Đó là phấn đấu giảm 20% số vụ tai nạn có người chết, người bị thương; giảm tối thiểu 30% số vụ ùn tắc giao thông; giảm và xử lý kiên quyết không còn tình trạng đua xe trái phép; xây dựng nhiều hơn số điểm giao thông tĩnh so với kế hoạch và xây dựng lộ trình xóa 70% điểm đen về tai nạn giao thông.
Trước thực tế vào giờ cao điểm từ 17g-18g30 vẫn còn nhiều điểm ùn tắc cục bộ, Hà Nội phải khai thác triệt để diện tích công cộng có đủ điều kiện để bố trí điểm đỗ, bãi đỗ xe, đặc biệt sử dụng các bãi đỗ xe hiện có hiệu quả hơn. “Tôi yêu cầu các đồng chí tổ chức xây dựng ngay các bãi, nhà để xe để đáp ứng nhu cầu của người dân. Thậm chí phải có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cho lĩnh vực này. Tiếp tục duy trì phân làn phương tiện trên tuyến phố chính có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông cao. Trong tổ chức cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm, nhất là vỉa hè, lòng đường” - ông Phúc nhấn mạnh.
Ngoài việc chỉ đạo TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển hệ thống phương tiện giao thông công cộng, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - đầu tư có kế hoạch báo cáo Thủ tướng về việc triển khai chủ trương di dời trường học, bệnh viện và các nhà máy nhanh hơn.
Cuối buổi làm việc, lãnh đạo TP cho biết thêm trước việc cấm tổ chức trông giữ phương tiện tại 262 tuyến phố, lãnh đạo TP yêu cầu ngay trong tháng 2 các cơ quan liên quan phải bố trí, sắp xếp xong các điểm đỗ mới tại các tuyến phố có đủ điều kiện.
Phí trùng phí Về giải pháp thu phí lưu hành phương tiện và phí giao thông vào trung tâm TP, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết hiện bộ đã nhận được văn bản của Bộ Giao thông vận tải về việc này. Về phí lưu hành phương tiện, bà Mai nói: “Bộ còn một chút băn khoăn. Pháp lệnh phí quy định phí là khoản tiền các tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Như vậy đối với sử dụng đường bộ đã có phí sử dụng đường bộ. Còn Bộ Giao thông vận tải trình phương án thu phí qua đầu phương tiện, như vậy phí lưu hành phương tiện và phí sử dụng đường bộ đang trùng nhau mặc dù phí sử dụng đường bộ đang rất thấp. Đối với phí giao thông vào trung tâm TP, bà Mai cho biết hiện một số nước có áp dụng thu phí này, nhưng ở những nước này không áp dụng phí sử dụng đường bộ. Như vậy khi ta áp dụng phí sử dụng đường bộ rồi mà lại áp dụng phí vào trung tâm TP thì cần cân nhắc thêm, thiết kế như thế nào đó cho không bị trùng. |