Ngập lụt thành quen
Những cơn mưa đầu mùa từ ngày 4/5 đã làm dịu đợt nắng nóng khủng khiếp tới 43 độ C ở miền Bắc. Thủ đô hạ nhiệt, nhiều khu phố “mát” lâu hơn bởi nước ứ đọng, thấm lại thành những vũng nhỏ, ẩm ướt đến tận ngày 8/5. Cảm giác dễ chịu ấy báo hiệu mùa mưa đã đến, nhắc nhở người dân Thủ đô chuẩn bị đối phó với cảnh ngập lụt cục bộ mà năm nào cũng gặp phải. Và ở phía chính quyền, nhà quản lý, từ tháng 3, đã có những chỉ đạo, chuẩn bị, thực hiện về phương án thoát nước, chống ngập lụt nội thành Hà Nội. Những tình huống, kịch bản, phương án được các ngành đưa ra khá sớm. Sở Công Thương thậm chí còn xây dựng nhiều tình huống vỡ đê sông Hồng, động đất với hàng trăm nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Nhưng khoan nói đến những chuyện ghê gớm như thế, người dân đang có một mối lo “be bé”: Hè này, nước có tràn vào nhà?
Ngày 7/5, cơn mưa lớn ban sáng phủ rộng địa bàn Hà Nội. Hàng loạt các tuyến phố đã bị ngập nước như Hồ Tùng Mậu – đường 32, Lĩnh Nam, Trần Khánh Dư, vành đai 3, đặc biệt là Vân Hồ, Yên Sở với tổng lượng mưa đo được khoảng 30mm. Một số khu vực thuộc các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng – nơi nhiều hạ tầng chưa hoàn thiện và đồng bộ dễ bị úng ngập nhất, dù xa trung tâm thành phố. Ông Nguyễn Văn Tích – bán vật liệu xây dựng trên phố Lĩnh Nam (quận Hai Bà Trưng) vừa thu dọn cả đống hàng ngoài vỉa hè vào trong nhà để tránh nước, vừa nói với phóng viên bằng giọng khá khó chịu: “Ôi giời, hỏi làm gì, năm nào chả ngập, quen rồi. Chúng tôi vẫn sống thôi, chả chết được đâu. Làm ăn phát bực cả mình, mưa tí đã thành ao”.
Các xí nghiệp thoát nước hoạt động hết công suất trong các đợt mưa lớn
Mưa tí đã thành ao. Quả thật, khó mà đếm hết số lượng những con phố Hà Nội úng nước trong mấy cơn mưa đầu mùa vừa qua. Người dân Hà Nội có vẻ không còn bất ngờ, lo lắng trước mỗi đợt mưa lớn nữa. Nhưng tại một xóm trọ giáp cánh đồng ở làng Kiều Mai (xã Phú Diễn, Từ Liêm), nhiều sinh viên năm đầu chưa từng nếm trải cảm giác “nước ngập đến chân giường” đang hoang mang cho biết sẽ tìm thuê nhà khác vì chỉ sau một trận mưa mà sân, ngõ đi ra đường chính đã trắng nước. Khu vực này nằm ngoài sự quản lý của công ty thoát nước, mà do chính quyền địa phương đảm nhiệm nên việc khắc phục thường chậm hơn, thậm chí chỉ để nứớc thoát tự nhiên.
Chờ 2 năm nữa?
Đường phố Hà Nội thành “sông” trong mùa mưa đã không còn là chuyện lạ
Trao đổi với PV, đại diện Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước) – ông Lê Vũ Quảng Sương, Trưởng phòng Kế hoạch – Đầu tư cho biết, Hà Nội hiện có 19 điểm dễ úng ngập trong mùa mưa, trong đó có những điểm đã tồn tại từ lâu như: Nguyễn Gia Thiều, Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, Lê Trọng Tấn – Hoàng Văn Thái, đường Trường Chinh, phố Thái Hà… Lý do là cao trình của các tuyến đường, khu vực này rất thấp, có nguy cơ trở thành những rốn nước khi mưa lớn, kéo dài. Ngoài ra, hệ thống thoát nước cũ cũng không đảm bảo. Một số khu vực khác tạm gọi là “vùng đô thị hóa”, từ làng lên phố, nhiều ao hồ bị lấp, đường thoát nước không còn, hay các dự án đang quy hoạch khớp nối hạ tầng chưa đồng bộ, đều có thể gây ra úng ngập cục bộ.
Ông Sương thông tin, dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II (từ năm 2007) đang được triển khai thi công, sẽ hoàn tất trong 2 năm nữa. Báo cáo phương án thoát nước mùa mưa mà Công ty Thoát nước gửi UBND TP Hà Nội cho thấy, một số hạng mục của Dự án đã hoàn thành, phát huy hiệu quả việc thoát nước như Trạm bơm Yên Sở giai đoạn 2, các hồ và trạm bơm Bảy Mẫu, Đống Đa, Hố Mẻ, thiết bị cơ giới, các trạm bơm dã chiến Yên Nghĩa, Ngoại Độ, Đào Nguyên… Chưa rõ khi Dự án này hoàn tất sẽ cải thiện tình trạng ngập úng như thế nào, nhưng những nỗ lực của Hà Nội trong mấy năm qua chưa để lại hiệu quả rõ rệt, có thể thấy qua những trận ngập lụt liên tiếp mỗi mùa mưa đến.
Với 23 trạm bơm, 3 trạm xử lý nước, 11 xí nghiệp thoát nước, Cty Thoát nước Hà Nội luôn phải huy động 100% nhân sự, làm việc hết công suất trong những trận mưa từ 100mm trở lên, song tình trạng ngập úng chưa được cải thiện nhiều. Lúc này, Hà Nội chủ yếu phụ thuộc vào trạm bơm Yên Sở (sông Hồng) với công suất 90m3/giây. Các trạm bơm phụ - đa số bơm thủy nông, hay đập Thanh Liệt (sông Nhuệ) chỉ hỗ trợ phần nào. Trong trường hợp mưa hơn 100mm hoặc trên 30mm nhưng kéo dài, chuyện “phố thành sông” là điều khó tránh khỏi. Công ty Thoát nước đã xây dựng 3 tình huống - mưa vừa (<50mm), mưa to (50-100mm), mưa rất to (>100mm) để ứng phó với mùa mưa năm nay. Hi vọng, những sự chuẩn bị này sẽ phát huy hiệu quả để bài ca “Em ơi, Hà lội phố” không vang lên.
Lo mất nắp hố ga Theo ông Lê Vũ Quảng Sương, Hà Nội hiện có hơn 60.000 hố ga các loại, trong đó có 37.000 hố ga thoát nước. Trong điều kiện mưa ngập, các xí nghiệp của Công ty Thoát nước sẽ cử nhân viên canh giữ các hố ga đã mở nắp (để giải phóng nước), phối hợp với Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông, đảm bảo an toàn cho người đi đường, chống ùn tắc. Trước tình trạng nắp hố ga bị mất cắp, để tránh nguy hiểm, các xí nghiệp 1 ngày 2 lần cử nhân viên “đi tuần” canh hố ga. Theo quy định, trong vòng 24h, hố ga gặp sự cố (mất nắp, vỡ, sập) sẽ được khắc phục. |