Đó là tình cảnh của những người dân sống ở xóm trọ Long Biên.
30 năm đi vệ sinh bằng... túi bóng
Trong cơn mưa chiều, tôi tìm đến xóm trọ Long Biên (phường Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội). Đây là nơi những người lao động nghèo ở các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định.... đổ về kiếm việc ở chợ đầu mối Long Biên. Vừa đặt chân tới, một mùi hôi thối từ cống thoát nước sộc thẳng vào mũi, ngay cạnh đó mọi hoạt động sinh hoạt vẫn đang diễn ra bình thường.
Quê ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội), gia đình ông Đặng Văn Nga, bà Nguyễn Thị Dần (cùng sinh năm 1967) đã gắn bó với xóm trọ này hơn 10 năm. Để thoát cảnh nghèo, người đàn ông có vẻ mặt khắc khổ, già hơn so với tuổi đời 47 này đã từng làm rất nhiều nghề từ đào vàng đến vác gạch thuê.
Năm 1997, ông Nga lên huyện Na Rì (Bắc Cạn) làm nghề đào vàng những mong tìm kiếm vận may. 2 năm ròng rã "ăn hang ở hốc" nơi rừng thiêng nước độc gắn bó với công việc lắm hiểm nguy này trắng tay vẫn hoàn tay trắng, ông quyết định từ bỏ. Rồi vượt hàng trăm cây số đường rừng hiểm trở lên mảnh đất Tuyên Quang, vào tận rừng sâu đốn củi, chặt nứa vận chuyển về xuôi bán lại cho các gia đình có nhu cầu. Mỗi chuyến đi của ông mất 20 ngày, trung bình mỗi tháng ông Nga chỉ đi được hơn 1 chuyến vận chuyển nứa từ Tuyên Quang về huyện Phúc Thọ.
Cũng làm được 2 năm, ngẫm lại cảnh xa nhà, những lúc vợ đau con ốm không thể ở bên, ông lại quyết định chuyển về xuôi chọn nghề vác gạch thuê cho những xã bên cạnh. Ngày ngày, hai vợ chồng ông lại đèo nhau đi đèo nhau về. Những năm sau do bị vôi hóa cột sống sức khỏe yếu dần không còn vác nặng được nữa hai vợ chồng ông đưa nhau lên xóm trọ này rồi gắn bó với nghề “buôn thúng bán mẹt” – bán hoa quả dạo từ đó đến nay.
Trong căn nhà chưa đầy 12 mét vuông nực mùi ẩm mốc, các bức tường bong tróc, “lở loét” từng mảng lớn, trên trần nhà giăng chằng chịt những dây mạng nhện, chốc chốc lại có vài giọt nước mưa theo các kẽ nứt nhỏ xuống phản, xuống nền nhà ướt rệp. Ông Nga cho biết giá thuê phòng ở đây 1 triệu/tháng, đối với những người ở theo ngày từ 15 đến 20 nghìn đồng/ngày. Tuy nhiên,“cứ mùa mưa đến là trong nhà dột như ngoài sân, nước bắn vào nền nhà tung tóe. Mặc dù đã thông báo cho ông chủ hơn một năm nay nhưng ông chủ vẫn chưa làm. Nhiều khi cũng nghĩ đến việc chuyển xóm trọ nhưng rồi lại ở với lý do gần chợ và nếu có chuyển thì xung quanh đây nhà trọ nào cũng thế thôi”.
Hơn mười năm gắn bó với xóm trọ này cũng là từng đấy năm hai vợ chồng ông Nga bền bỉ chở nước từ quê lên để sinh hoạt hoặc mua nước bên ngoài chứ không dám ăn nước giếng khoan nơi này. Hàng ngày hai vợ chồng ông phải dậy từ hơn 3 giờ sáng ra chợ lấy hoa quả rồi đem về sắp xếp lại chở đi bán rong trên các phố phường Hà Nội. “Trung bình mỗi ngày tôi chở 30kg hoa quả. Những ngày bán được hàng thì được về từ 4 giờ, ngày ế phải 7, 8 giờ tối mới về đến xóm trọ”, ông Nga tâm sự.
Tương tự như hoàn cảnh gia đình ông Nga, bà Hoàng (SN 1960, Hưng Yên) gắn bó với nghề gánh hàng thuê đã hơn 30 năm. Giờ đây, cậu con trai sinh năm 1987 đã có một công việc ổn định với thu nhập khá, còn cô con gái sinh năm 1989 làm kế toán cho một công ty. Nhiều người khuyên bà về quê nghỉ ngơi, an dưỡng. Tuy nhiên, do “nhớ nghề” nên chỉ về được vài hôm bà lại lên xóm trọ. “Trung bình ngày nào có hàng tôi cũng kiếm được vài trăm. Ngày nào không có thì coi như ngày đó không có thu nhập”, bà Hoàng tâm sự.
Bà Hoàng cho biết, kể từ khi bà chuyển đến đây toàn bộ khu trọ dành cho người có thu nhập thấp này chỉ có một số rất ít phòng có nhà vệ sinh, còn lại phần lớn đều không có. Hơn 30 năm qua, để giải quyết nhu cầu hàng ngày, người dân xóm trọ thường đi vào trong các... túi bóng hoặc trong chậu rồi thả xuống dòng nước một màu đen kịt kia.
Nơi để bát đĩa hàng ngày
Học bán thuốc ra trường bán... hoa quả dạo
Tốt nghiệp trung cấp Dược nhưng Linh (SN 1987, Ba Vì, Hà Nội) không đi làm theo nghề được đào tạo mà lại chọn nghề lao động chân tay này làm kế mưu sinh. Tâm sự với chúng tôi, chị buồn rầu cho biết: “Xin được nghề bán thuốc với mức lương hơn 2 triệu/tháng tuy nhiên phải đi lại gần 30 km một ngày nên học xong tôi theo bạn bè lên đây buôn bán và gắn bó với nó đến bây giờ”.
Chị Linh cho biết, hiện tại chị đã lập gia đình và có hai cháu, một cháu 5 tuổi, một cháu 2 tuổi đang ở nhà với bố và ông bà nội. Thỉnh thoảng, cứ khi nào kiếm đủ tiền mua quà cho cháu chị lại tranh thủ về thăm con. Hỏi về dự định lâu dài chị Linh chỉ biết lắc đầu thở dài “cứ làm cho đến khi nào không còn sức khỏe thì thôi”.