Kiện tướng Dancesport Khánh Thi: 500 ngàn đồng và thể diện
Tôi nhớ có một lần, khi mời các chuyên gia dancesport nước ngoài đến Việt Nam để chấm thi, tôi đương nhiên phải đích thân đón và đưa mọi người đến nơi. Đoàn khách lúc đi bằng xe riêng đã được bố trí trước nhưng là loại xe nhỏ. Tôi đành gọi taxi để “hộ tống” và để những người đi cùng có chỗ ngồi thoải mái hơn. Để yên tâm, tôi điện trực tiếp đến một hãng taxi lớn, có tiếng tăm để gọi xe, cũng là để tránh nạn taxi dù. Chờ mãi, 15, 20, rồi 25 phút, vẫn không thấy xe đâu, trong khi họ hứa sẽ điều xe đến ngay. Sợ những vị khách phải đợi lâu, hơn nữa chúng tôi cũng gấp nên tôi đã vẫy một chiếc taxi của hãng khác khi thấy xe tình cờ chạy ngang.
Khi vừa lên xe, tôi cũng vừa nhận được cuộc gọi từ tài xế được điều đến của hãng taxi kia. Biết tôi lên xe khác, anh ta đã đập cửa và chính xác là lôi tôi ra để nói chuyện “phải trái”. Anh ta bảo, sao đã gọi xe của họ mà còn đi hãng khác. Tôi giải thích rằng các anh lâu quá, tôi không chờ được và cũng đang gấp. Họ bắt đầu văng tục và đòi tôi phải “bồi thường”. Họ nói tôi muốn đi thì phải bồi thường họ 500 nghìn và gọi đó là phí mà họ đã tốn công điều xe tới. Tôi thấy điều này rất vô lý vì họ không tôn trọng khách hàng, chứ đừng nói gì đến việc xem khách hàng là thượng đế. Điều đáng nói là, dù trong suốt cuộc nói chuyện, tôi đã lịch sự giải thích rằng họ không đúng giờ như đã hứa nhưng người tài xế cứ thế lỗ mãng và văng tục. Lúc ấy, vì có nhiều vị khách nước ngoài chứng kiến nên tôi cảm thấy xấu hổ và đưa luôn anh ta 500 nghìn cho qua chuyện.
Tôi nghĩ, việc gọi điện đến tổng công ty khiếu kiện cũng chẳng lợi ích gì nên đành thôi, xem như một bài học cho chính mình vậy. Nhưng điều đáng tiếc là, những vị khách nước ngoài vô tình lại chứng kiến những điều không hay này, ít nhiều họ cũng sẽ mất thiện cảm về Việt Nam mặc dù trong suốt thời gian họ ở lại, tôi đã cố gắng giới thiệu đến mọi người những nét đẹp về đất nước, con người Việt Nam thêm để “gỡ” lại phần nào thể diện mà người tài xế taxi kia đã làm mất.
Hà Anh và người tài xế bất lịch sự
Tôi thường giữ thói quen đi taxi cho công việc. Những lần về Hà Nội theo yêu cầu công việc hay về thăm gia đình, thay vì để người thân đưa đón, tôi vẫn gọi taxi để không làm phiền đến thời gian của những người thân. Mỗi lần gọi taxi, tôi thường gọi điện đến những hãng lớn chứ không vẫy xe ngoài đường. Nói chung, tôi hạn chế tối đa việc ngồi lên những chiếc taxi “dù” mà báo chí thường phản ánh. Một lần, tôi gọi đến một hãng taxi lớn, có danh tiếng trên cả nước. 5 phút sau, một người tài xế của hãng đó đỗ lại bên đường, và dù biết tôi mang vác lỉnh kỉnh nhưng không giúp đỡ việc khiêng đồ chứ chưa nói đến việc mở cửa xe giúp khách.
Mọi việc chưa dừng lại ở đó. Thay vì chở tôi đi một đoạn đường chừng hơn 2 km, anh ta chạy vòng vèo hết tuyến phố này đến tuyến phố khác. Tôi chỉ nói với anh ta rằng tôi không có nhiều thời gian nên anh hãy làm ơn rút ngắn quãng đường để tiện cho cuộc hẹn của tôi. Không những anh ta không nghe tôi nói, mà còn quay lại lý sự rằng “cô biết quái gì về đường sá mà dạy tôi”. Tôi nhẹ nhàng nói với anh ta rằng tôi sống ở Hà Nội từ nhỏ đến lớn, rất thuộc đường đi lối lại chứ không phải khách vãng lai, nên đề nghị anh ta một lần nữa không chạy vòng vèo, để tôi không bị trễ hẹn.
Ngay lập tức, anh ta văng tục chửi thề và nói những câu rất thiếu lịch sự, bắt tôi phải trả tiền ngay và đuổi xuống xe. Không thể chịu đựng ngồi chung xe với một tài xế như thế, tôi xuống xe, mang trong lòng nỗi ấm ức rằng tại sao một hãng taxi lớn, ở một thành phố văn minh lại có những hành xử thiếu tôn trọng khách hàng và bất lịch sự đến như thế.
Tôi ghi lại số xe và gọi điện về phản ánh với hãng. Đầu dây kia, cô điện thoại viên xin lỗi và hứa sẽ phản ánh lên cấp trên xử lý trường hợp trên. Tôi nghĩ rằng, điều thuyết phục bất cứ ai về sự văn minh của một vùng đất khi họ đến, chắc chắn phải bắt đầu từ những người tài xế.