Google và đại học

Sau nhiều năm đánh giá dữ liệu đầu vào, Google nhận ra rằng, bằng tốt nghiệp đại học hay học bạ hầu như không có giá trị trong việc tuyển dụng nhân sự.

Trả lời phỏng vấn tờ New York Times mới đây, Phó Chủ tịch Google phụ trách vấn đề nhân sự còn nói rằng, xu hướng tuyển dụng người chưa có bằng đại học đã tăng lên và Google cũng thôi không hỏi học bạ của các ứng viên dự tuyển vào hãng. Số nhân viên Google không bằng đại học đã tăng lên theo thời gian. Do đó, có những nhóm làm việc tại Google mà 14% nhân sự trong dó chưa từng học đại học.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bằng đại học không có giá trị gì, bởi dù sao phần lớn nhân sự được Google tuyển dụng vẫn là những người tốt nghiệp đại học. Những người có bằng đại học sẽ có cơ hội được tuyển dụng cao hơn cùng khả năng kiếm tiền tốt hơn nhiều so với những ứng cử viên chưa từng bước chân vào cổng trường đại học.

Tại Việt Nam, tấm bằng đại học vẫn được coi là “vé thông hành” của nhiều thanh niên khi bước chân vào đời. Không có bằng đại học thì không “danh giá”, và cũng không có cơ hội để được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước, hay các công ty lớn. Vì vậy, số lượng các trường đại học ngày càng nở khi nhu cầu của xã hội đang dần bão hòa với các ngành mà người ta vẫn coi là “hot”.

Theo thống kê, hiện Việt Nam có 412 trường đại học, cao đẳng. Nhiều người cho rằng tình trạng tuyển sinh khó khăn là hậu quả của việc mở trường tràn lan. Với 412 trường đại học, cao đẳng cho 90 triệu dân Việt Nam là nhiều hay là ít? So với Trung Quốc có hơn 4.000 trường đại học, cao đẳng trên 1,3 tỉ dân, so với Singapore có khoảng 68 trường trên 3 triệu dân; so với Hoa Kỳ có 4.495 trường trên 314 triệu dân... thì số trường đại học mà Việt Nam đang có không phải là nhiều. Thế nhưng mọi sự so sánh đều khập khiễng bởi vì không thể chỉ dựa trên con số tuyệt đối mà còn phải dựa vào nhiều yếu tố khác như trình độ phát triển kinh tế xã hội, GDP đầu người.

Vấn đề đối với giáo dục đại học ở Việt Nam có lẽ nằm ở chỗ chất lượng đào tạo, quy hoạch và nắm bắt nhu cầu thị trường. Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu và Phân tích chính sách thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) thực hiện, với quy mô gần 3.000 cựu sinh viên thuộc năm khóa khác nhau (ra trường từ năm 2006-2010) của ba đại học: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP.HCM và ĐH Huế, đã cho thấy những con số báo động. Có đến 26,2% cử nhân cho biết chưa tìm được việc làm. Trong số này, 46,5% cho biết đã đi xin việc nhưng không thành công. 42% lựa chọn giải pháp tiếp tục học lên hoặc học thêm một chuyên ngành khác. Thậm chí, có 27% cử nhân được hỏi cho biết, họ rất khó kiếm việc làm do ngành học của mình không phù hợp với thị trường. Số người rơi vào cảnh nhà tuyển dụng không hiểu về ngành học cũng chiếm tới 18%.

Có người đặt câu hỏi, nếu nhà tuyển dụng của Google đến Việt Nam, thì họ sẽ phát biểu thế nào? Có lẽ họ cũng sẽ nói, “chúng tôi không cần xem học bạ hay bằng tốt nghiệp đại học của các bạn”. Vậy thì họ sẽ nhìn thấy điều gì nếu không xem những thứ này?