Khi nhắc đến chế độ kiểm duyệt trực tuyến, mọi người vẫn thường nghĩ đến những quốc gia có chế độ kiểm duyệt khắt khe như Trung Quốc. Song, theo thông tin gần đây do CNN đăng tải, Google hiện là một trong những đơn vị kiểm duyệt trực tuyến lớn nhất thế giới.
Google hiện đang hoạt động tại 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Để đổi lấy sự có mặt của mình trên khắp thế giới, Google buộc phải tuân thủ các quy định, pháp luật của địa phương nơi đặt công cụ tìm kiếm. CNN cho biết rất nhiều yêu cầu đã được đưa ra nhằm đề nghị Google xóa đi các nội dung hoặc không hiển thị vài kết quả tìm kiếm dẫn đến một số trang nhất định.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Google đã dỡ bỏ các liên kết đến trang web chứa nội dung nói xấu vị lãnh tụ Mustafa Kemal Ataturk. Nói xấu lãnh đạo là trái pháp luật tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tương tự, phỉ báng nhà vua là điều trái pháp luật tại Thái Lan. Vì vậy Google tại quốc gia này đã chặn các video của Youtube có nội dung chế giễu nhà vua Bhumibol Adulyadej.
Tại Đức, Pháp và Phần Lan, những tài liệu liên quan đến ủng hộ Đức Quốc Xã và phủ nhận thảm họa diệt chủng trong quá khứ đều bị cấm. Dĩ nhiên Google cũng không hiển thị những liên kết dẫn đến các trang có nội dung này trong kết quả tìm kiếm.
Google không cung cấp thông tin về những yêu cầu dỡ bỏ các nội dung trong kết quả tìm kiếm trực tuyến trên khắp thế giới, nhưng công ty này sẵn sàng chia sẻ những ví dụ nhất định về những yêu cầu đã được chấp nhận và từ chối.
Ví dụ, Nga đã từng đề nghị Google loại bỏ tất cả các kết quả tìm kiếm cho từ khóa "có chocolate" vào năm ngoái vì lý do vi phạm pháp luật liên bang. Google đã đồng ý thực hiện yêu cầu này vì tại Nga có một loại ma túy tên "chocolate" và pháp luật nước này quy định cấm tất cả những nội dung có tính giới thiệu ma túy.
Song khi Ban Cải huấn của Georgia yêu cầu dỡ bỏ một video về lạm dụng tù nhân trong quá trình tra khảo trên Youtube thì Google đã từ chối. Lý do vì video này không vi phạm bất kỳ quy định pháp luật nào của quốc gia này.
Châu Âu là khu vực mà Google áp dụng quy định kiểm duyệt chặt chẽ nhất sau khi luật "Quyền được quên lãng" được thông qua.
Vào tháng 5/2014, Tòa án công lý châu Âu đã cho phép người dân có thể đề nghị Google loại bỏ các liên kết dẫn đến những kết quả tìm kiếm nhạy cảm với mỗi cá nhân. Google cho biết công ty đã nhận được gần 700.000 yêu cầu từ sau quy định này và đã có 40% liên kết bị dỡ bỏ. Ngược lại, pháp luật cũng cho phép Google từ chối những yêu cầu nếu những đường dẫn đó là vấn đề chung mà cộng đồng quan tâm.
Năm 2010, Google đã vấp phải những khó khăn trong kinh doanh vì những yêu cầu kiểm duyệt quá khắt khe đến từ chính phủ Trung Quốc. Vào thời điểm đó, Google cho biết sẽ tuân theo các yêu cầu kiểm duyệt nội dung từ chính quyền dân cử nhưng cũng nhận định người dân quốc gia này không có quyền được lựa chọn những nhà lãnh đạo sẽ đề ra các quy tắc kiểm duyệt đó.
Hiện tại mặc dù không hoạt động tại Trung Quốc song Google vẫn hiện diện tại những quốc gia có chế độ độc tài về thông tin như Thái Lan, Zimbabwe. Google từ chối bình luận về quyết định này.
Một số quốc gia cung cấp cho Google cũng như các công ty cung cấp dịch vụ tìm kiếm khác những quy định và chủ đề bị cấm trong nước. Dựa vào đó, Google sẽ quyết định một nội dung nào đó có cần bị dỡ bỏ hay không. Những quốc gia khác thì trực tiếp yêu cầu Google dỡ bỏ các đường dẫn hoặc nội dung bị cấm.
Khi nhận được đề nghị kiểm duyệt từ các chính phủ, Google luôn cố gắng đàm phán để thu hẹp phạm vi dỡ bỏ các liên kết. Hiện Google đang cung ứng dịch vụ tìm kiếm trực tuyến cho hai phần ba nhu cầu tìm kiếm của thế giới. Google hiện là cổng tìm kiếm thông tin lớn nhất trên Internet với hơn 1 tỷ người sử dụng. Lượng khách hàng đông đảo này là lý do buộc Google phải cố gắng duy trì sự minh bạch trong những nội dung bị loại bỏ khỏi các kết quả tìm kiếm.
Tất cả các thông tin đã kiểm duyệt đều được Google công bố đại chúng thông qua hiển thị đường dẫn đến website www.chillingeffects.com. Đây là trang web điều hành bởi trung tâm Berkman của ĐH Harvard có nhiệm vụ chuyên thu thập các nội dung đã bị kiểm duyệt trên môi trường internet.