Góc khuất giang hồ Sài thành: Cuộc chiến cam go

Việc CATP HN thành lập lực lượng 141 và phối hợp cùng CA nhiều tỉnh, TP liên tiếp trấn áp mạnh băng nhóm tội phạm manh động đã khiến chúng "dạt" vào phía nam.

Cuộc “di cư” mới

Đại úy Lê Hữu Phước, cán bộ Đội Cảnh sát QLHC về TTXH - CAQ Gò Vấp tâm sự: Tội phạm hiện nay từ nhiều nơi đổ về TP.HCM nhiều và rất manh động, sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng, các công cụ súng bắn điện, súng tự chế trong khi lực lượng làm nhiệm vụ vẫn chỉ có gậy phòng gian làm bằng các đoạn tre, hiệu quả trong trấn áp tội phạm giảm rõ rệt. Người dân bây giờ vô cảm khi gặp những kẻ cướp giật trên đường, nhà hàng xóm có người lạ ngó quanh cũng kệ… Bản thân CBCS công an bây giờ chịu nhiều áp lực: Khi “đụng độ”, phải đảm bảo an toàn cho bản thân và người dân, thậm chí cả tội phạm. Phải làm sao giữ được đạo đức và tránh xa những cám dỗ hàng ngày. Phải làm sao kiên quyết ngăn chặn hành vi phạm tội, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân… Thật khó! 

Trường “phát xít” khi biết tôi là anh em tri kỷ với doanh nhân H, mới tiết lộ: Đang có một làn sóng “di cư” của tội phạm không chỉ từ phía Bắc vào, mà cả dưới miền Tây, nhiều băng nhóm người Bắc sống ở Đông Nam bộ làm ăn khó khăn cũng về TP.HCM tranh giành đất. “Ở TP.HCM, ông nhắm mắt cũng đếm được hàng trăm, hàng nghìn cơ sở massage, karaoke trá hình tràn lan ở tất cả các quận, huyện. Như Long “vàng” nếu chỉ yên phận với những vụ đòi nợ thuê nho nhỏ và không có ý định thôn tính lãnh địa, thì người dân ở cao ốc trên đường Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) có ai biết đó là giang hồ cộm cán, cũng đâu có chuyện bị hắt axít vào đêm 16/9…”. Những ai chấp nhận cuộc chơi, dạt về các vùng ven hoặc làm “chiếu dưới” cho các đại ca đương thời, cuộc sống sẽ yên ả. Còn nếu thích đối đầu, không khó xử lý. Trong mấy vụ phá mại dâm ở khách sạn 2 sao trên đường Pasteur (quận 3), hệ thống quán ăn nhạy cảm khu bán đảo Thanh Đa, hay vũ trường thác loạn đường Nguyễn Cư Trinh (quận 1), vụ cá độ bóng đá lên đến 500 tỷ đồng, công an phải có thông tin mới phá án nhanh gọn được như vậy… Đấy là một trong nhiều cách “triệt nhau” kiểu rò rỉ thông tin của đám giang hồ, mà ai bị đánh, phải chịu.

Tại sao nhiều năm qua, các tỉnh phía Nam luôn là điểm trú ngụ của tội phạm? Trả lời câu hỏi này, tôi gặp Nguyễn Thế Phương - trinh sát Cục CSĐT tội phạm về TTXH Bộ Công an phía Nam và được biết: TP.HCM và nhiều tỉnh giáp ranh Bình Dương, Đồng Nai, Long An… đất rộng, người dân chủ yếu tập trung ở đô thị, lối sống khép mình, nhà ai biết nhà nấy nên việc phát hiện, nghi vấn tội phạm gặp rất nhiều khó khăn.

Việc CATP Hà Nội thành lập lực lượng 141 và phối hợp cùng công an nhiều tỉnh, thành phố liên tiếp trấn áp các băng nhóm tội phạm manh động, tội phạm nhanh chóng “dạt” vào phương Nam. Có những nhóm đối tượng núp bóng các tổ xây dựng, chúng ở công trình vài ba tháng rồi đi, CSKV chỉ nắm được thông tin từ CMND mà không hệ thống được di biến động của đối tượng. Tại các khu nhà trọ, các nhóm tội phạm cũng thuê ở 1-2 tuần lại chuyển địa điểm, có khi chúng sống lang thang ngoài các lán chòi ven sông, kênh rạch, rất khó quản lý… Long “Mai Dịch” - một đối tượng tôi quen, cho biết: “Nhiều thằng trốn truy nã, nếu là anh em sống chết, được những đại ca như Trường “phát xít”, Chiến “hâm” cẩn thận đưa sang biên giới chỉnh sửa vài nét trên khuôn mặt rồi đưa lên Tây Nguyên, xuống Bạc Liêu, Cà Mau giả mất CMND, ở 1-2 năm, khai tên mới, tạo vỏ bọc mới rồi chuyển về các vùng giáp ranh TP.HCM chuyên bảo kê từ nhà hàng, khách sạn đến các dịch vụ nhạy cảm karaoke, mại dâm, đánh bạc, cho vay nặng lãi…”.

Phải siết chặt ngay

Một lý do khác từ sự thiếu trách nhiệm của công an cơ sở trong việc điều tra, nắm người nắm hộ, di biến động của đối tượng cũng tạo nhiều khoảng trống cho tội phạm trú ẩn. Vài nơi, CSKV chỉ hỏi qua quýt, kiểm tra CMND, cẩn thận thì quận, huyện liên hệ địa phương nơi cư trú gần nhất của đối tượng, nếu nhận được thông tin rằng, đối tượng nhân thân tốt, không có biểu hiện vi phạm pháp luật, thế là yên tâm xếp… tài liệu vào tủ. Ông Vũ Huy Hoàng, tổ trưởng tổ dân phố khu phố 9, phường 9, Gò Vấp cho biết: Một người dân nguyên là Viện phó VKSND TP.HCM thu thập thông tin, biết 1 điểm kinh doanh nhà hàng trên địa bàn hoạt động mại dâm, giang hồ bảo kê ngay tại quán, có báo cáo lên phường, quận chuyện vài tay anh chị dọa nạt người dân tố cáo, song không hiểu sao, cứ khi đoàn kiểm tra có mặt, quán lại rất “sạch sẽ”. Kêu nhiều quá mà không giải quyết được tệ nạn, người dân mất niềm tin vào chính quyền cơ sở, việc nắm người, hiểu địa bàn của CSKV vì thế cũng kém hiệu quả khi người dân trả lời chiếu lệ hoặc cố tình tránh mặt không tiếp xúc CSKV.

Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc CATP.HCM trong cuộc họp với UBND TP cũng bày tỏ lo ngại về mối nguy các băng nhóm tội phạm ở phía Bắc vào TP.HCM tranh giành quyền lợi từ các dịch vụ kinh doanh nhạy cảm: karaoke, quán bar, vũ trường, cá độ, cho vay nặng lãi, sòng bạc... Hoạt động thanh toán, dằn mặt nhau có dáng dấp như thời Năm Cam trước đây có chiều hướng tăng, cộng thêm nhiều nhóm tội phạm nhỏ lẻ cướp giật trên đường phố rất liều lĩnh, gây nguy hiểm đến tính mạng nhân dân. Trong công tác nắm người, nắm hộ, lực lượng công an xử lý tin tố giác tội phạm của nhân dân chưa thật tốt, việc vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm chưa đáp ứng yêu cầu.

Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết, công tác phòng chống tội phạm của TP.HCM có nhiều cố gắng nhưng tình hình ANTT hiện vẫn diễn biến phức tạp, cho thấy kết quả đạt được vừa qua là chưa bền vững, chỉ lơi lỏng là các loại tội phạm sẽ tăng nhanh và khó kiểm soát, ảnh hưởng đến ANTT và cuộc sống người dân. CATP.HCM sẽ tập trung đánh mạnh các băng nhóm tội phạm có tổ chức; xử lý nghiêm trưởng công an các cấp nếu để xảy ra băng nhóm có tổ chức hoạt động trên địa bàn mình; tăng cường quản lý hành chính về TTXH, nhất là phải chú ý các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm, có thể áp dụng quy định phải đóng cửa trước 24h...