Giọng hát Việt "dằn mặt" truyền thông

Đỉnh điểm của liveshow 7 Giọng hát Việt không phải thí sinh nào bị loại mà chính là câu chuyện đằng sau những phát ngôn hàm ẩn nhiều tham vọng của một chương trình truyền hình thực tế.

Dọn đường sẵn cho những tham vọng ấy, Giọng hát Việt mùa thứ 2 đã đưa ra những ứng cử viên đủ để đối mặt hay dẫn dắt các câu chuyện truyền thông theo xu hướng của 4 huấn luyện viên năm nay. Không nằm ngoài dự đoán, việc Cát Tường và Hoàng Tôn cùng đứng chung với Hà Linh và Hoàng Yến trên một sân khấu đã đủ để tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều.

Mỹ Linh gợi ý cho Hoàng Tôn đính chính về những phát ngôn thời gian qua của anh

Tham vọng của chương trình đến liveshow thứ 7 đã gần như bộc lộ rõ là trong một sân chơi “khép kín”. Dù mang tính thực tế và bất ngờ nhưng với Giọng hát Việt những điều không thể vẫn có thể xảy ra. Và chính các huấn luyện viên sẽ là người bảo chứng cho lý lẽ mà chương trình đưa ra suốt cuộc thi.

Nếu như tuần trước, nhạc sĩ Quốc Trung đề cập nhiều đến văn minh, văn hóa và giáo dục từ cơ bản đến giáo dục chuyên môn trong nghệ thuật, thì liveshow 7 lại đưa ra vấn đề cực kỳ nhạy cảm giữa giới nghệ sỹ và truyền thông. Mỹ Linh là người gợi ý cho thí sinh Hoàng Tôn đính chính về phát ngôn của mình trong một bài phỏng vấn chưa lâu về huấn luyện viên.

Hoàng Tôn không ngần ngại cho rằng phóng viên đã hiểu lầm ý, bên cạnh đó MC Phan Anh còn mạnh dạn đưa ra một lời cảnh tỉnh cho giới truyền thông hãy phản ánh và viết một cách trung thực, khách quan về nghệ sỹ cũng như tất cả những gì liên quan đến chương trình nói riêng và nghệ thuật nói chung. Một hành động thực sự táo bạo trước giờ ít có trên sóng truyền hình trực tiếp ở một chương trình truyền hình thực tế.

Tại sao lại có những vấn đề không phải ai cũng có thể cho qua một cách nhẹ nhàng? Về cơ bản, sau những vấn đề đó, Giọng hát Việt sẽ được chú ý nhiều hơn, ít ra ở mặt minh chứng cho luận điểm mà cuộc thi tự đặt ra. Thứ hai chính là ẩn chứa một tham vọng nữa của chương trình, có khi 4 huấn luyện viên cũng đang chỉ là những “quân cờ” nằm trong một “ván cờ” cực kỳ lớn giữa truyền thông và những nhà sản xuất.

MC Phan Anh cũng "lớn tiếng" lên mặt với truyền thông

Đương nhiên, đứng trên lập trường mong mỏi cả đời sống âm nhạc lẫn truyền thông, ai cũng mong đó là sự phát triển đi lên, tương hỗ, phản ánh trung thực chứ không phải là cuộc cạnh tranh không lành mạnh. Liveshow 7 Giọng hát Việt đặt ra vấn đề không sai ngay thời điểm này... Nhưng chính cách thực hiện, đặt vấn đề mới là câu chuyện quan trọng hơn để thấy chương trình gần như muốn kiểm soát mọi phương diện.

Thí sinh phủ nhận lời phỏng vấn, MC đưa ra lời “cảnh tỉnh”, các huấn luyện viên bộc bạch thái độ và đẳng cấp vô hình chung, ngay ở sân khấu Giọng hát Việt, chúng ta thấy ngay những đại diện rõ ràng ở các yếu tố cấu thành đời sống văn hóa văn nghệ hiện nay. Đó là giới sáng tác, giới biểu diễn và khán giả thưởng thức.

Những luận điểm tưởng chừng như chắc chắn để cho thấy cuộc thi đang đưa ra những luận điểm không sai và có đủ căn cứ để làm sao khán giả nhìn vào vẫn thấy đây là chương trình có chuyên môn cao, hấp dẫn và thuyết phục.

Một cuộc thi chặt chẽ đến như vậy không lý do gì người thắng cuộc cuối cùng lại không được chấp nhận? Tuy nhiên, chính cuộc thi đang rơi vào “bẫy” do mình tự đặt ra. Vòng quay của dư luận và truyền thông đã tạo nên cuộc đảo lộn trong cuộc thi năm nay.

Người làm chương trình muốn tôn vinh những giá trị truyền thông bên cạnh giá trị cách tân. Nhưng đơn giản một điều là khán giả muốn thấy thí sinh hát hay, mới mẻ chứ không phải là một ngôi sao được hình thành thông qua cuộc thi như thế nào.

Hàng triệu khán giả sẽ không quan tâm đâu là lý lẽ chính đáng, đâu là truyền thông đúng sai mà chỉ cơ bản một chuyện là giọng hát của các thí sinh có gì để nghe hay không?

Nhìn vào chất lượng thí sinh năm nay thật khó để đưa ra dự đoán ai là quán quân

Rõ ràng, ở liveshow 7 khi số lượng ca khúc tiếng nước ngoài được sử dụng khá nhiều. Bài hát quen thuộc gần như được tối đa tận dụng chỉ làm mới bản hòa âm đã cho thấy cuộc thi đang đi vào bế tắc ở thí sinh chứ không phải kịch bản đưa ra người chiến thắng.

Hoàng Tôn hay Cát Tường chỉ có thể hát tốt ca khúc của họ, thêm chăng vài bài hát tiếng nước ngoài nổi tiếng. Còn Hà Linh thì vẫn vậy không khác gì sau các cuộc thi âm nhạc lớn nhỏ trước đây. Hà My và Song Tú thì chỉ đủ để người nghe thấy hài lòng thông qua phần biểu diễn trong chương trình, chứ chưa đủ sức tạo nên hiệu ứng sau sân khấu... Vậy thì làm sao, Giọng hát Việt đủ sức tạo nên một cái nhìn thành công toàn diện như mùa đầu tiên?

Cũng như bất kỳ cuộc thi nào Giọng hát Việt cũng xoay vòng trong mối quan tâm rating (lượng thu sóng), khán giả phản ứng như thế nào, câu chuyện để mỗi tuần cho cuộc thi nóng hơn trước khi bước vào đêm chung kết cuối cùng. Tuy nhiên, cho đến giờ khán giả vẫn chưa thể dự đoán được ai sẽ là quán quân năm nay? Điều này hoàn toàn không thể dự cảm vì các thí sinh đang ở trạng thái lửng lơ chưa đủ sức thuyết phục.

Nhưng dù sao, cuộc thi vẫn cố gắng tạo nên những tham vọng để tạo ra nhiều vấn đề hơn trong đời sống âm nhạc thông qua từng live show để bảo vệ thí sinh, 4 huấn luyện viên và tiêu chí của chương trình.