Trung Thành với chú rồng Australia tên Gù. (Ảnh: Yến Hoa)
Nguyễn Trung Thành (ĐH Ngoại thương) bén duyên với thú chơi này cách đây 3 năm. Vốn yêu động vật, trước đó Thành đã nuôi một số loại chó mèo. Khi biết ở nước ngoài người ta nuôi kỳ đà, kỳ nhông như những thú cưng trong nhà, Thành đã nhờ người quen mang từ Thái Lan về con rồng Australia 7 tháng tuổi với giá 3 triệu đồng.
Dần dần, bộ sưu tập thú lạ của Thành tăng lên. Hiện chàng trai này sở hữu 3 chú rồng Australia, một kỳ nhông Nam Mỹ. Thành đặt tên cho từng con như Gù, Úc… và thuộc lòng tính cách từng con. Nhà nhỏ không đủ chỗ nuôi, cậu đã mang bớt sang nhà người yêu. “Chuyện tình yêu của 2 đứa có khi chỉ xoay quanh chuyện chăm sóc mấy chú rồng này”, Thành chia sẻ.
Cũng rất yêu động vật, trong một lần lang thang trên mạng bắt gặp người quen rao bán bọ cạp, Sơn Tùng (ĐH Thăng Long) đã mua luôn với giá 30.000 đồng. Sau đó, cậu tiếp tục nuôi thêm kỳ nhông 8 tháng tuổi, một chú rắn đen Mexico. Tùng đang sở hữu một chú trăn cây Đông Nam Á loại hiếm giá 8 triệu đồng.
Những con vật trong có vẻ đáng sợ này đã được thuần hóa nên rất hiền. (Ảnh: Yến Hoa)
Hiện nay những bạn trẻ có sở thích như Thành, Tùng không phải hiếm. Động vật được nuôi cũng rất phong phú, từ các loại bò sát đến chuột, sóc, thậm chí là ếch, nhưng phổ biến nhất vẫn là kỳ nhông và rồng Australia. Giá các loại thú này dao động từ vài trăm nghìn đến vài triệu. Cá biệt có con hàng trăm triệu đồng tùy theo kích cỡ, màu sắc và xuất xứ.
“Ban đầu bố mẹ em nhìn thấy mấy con xù xì, gai góc này đều phản đối, nhưng dần thấy nó hiền khô và rất đáng yêu đâm ra cũng nghiện chơi với nó”, Thành hóm hỉnh. Anh Nguyễn Minh Nghĩa (chủ quán cafe Pet Club), người chơi bò sát có tiếng ở Hà Nội cho biết thêm, những người chơi bò sát đều có chung đặc điểm khi đã chăm “các em” thì những thú chơi như game, bia rượu... không còn hứng thú. Vì vậy gia đình cũng ủng hộ thú chơi lành mạnh này, thậm chí có bố mẹ cũng ham mê theo con.
Để nuôi được một loại thú mới người chơi phải tìm hiểu kỹ tập tính của con vật. Thành chia sẻ trước khi nuôi cậu đã phải bỏ ra nửa tháng để tìm đọc các tài liệu về thức ăn, môi trường sống của chúng. “Ví như, rồng Australia quen môi trường sống sa mạc nắng nóng nên khi làm chuồng nhất định phải có đèn chuyên dụng có tia UVA, UVB. Rồng là động vật biến nhiệt, phải dùng đèn chiếu nhiệt để giúp chúng tiêu hóa thức ăn hàng ngày. Có nguồn gốc tự nhiên, nên sức đề kháng của rồng rất tốt, ít ốm đau”, Thành nói.
Chuồng nuôi rồng Australia của Thành được đầu tư khá kì công với nhiều “đồ chơi”. (Ảnh: Yến Hoa)
Anh Nguyễn Anh Vũ (Thành viên CLB Hà Nội Pet Club) cho biết thêm, chuồng nuôi thú phải có đủ ánh sáng cũng như các "đồ chơi" như núi lửa, cành củi khô, vỏ cây. Cách chơi của người chủ cũng rất quan trọng. Một số thú chết do bị đối xử thô bạo làm nó sợ, nhịn ăn. Thức ăn cho những “thú cưng” này thường là rau, củ, quả, dế, sâu, chuột... Một số phụ kiện đi kèm như bóng đèn, máy sưởi, mùn cưa… không khó tìm với giá thành dưới một triệu đồng.
Các loại thú nuôi hiện đã được thuần và không có độc. Tuy nhiên một số trường hợp thú nuôi “dở chứng” tấn công người. Đó là trường hợp của Quang Anh (lớp 9 THCS Trưng Vương). Quang Anh từng bị chú kỳ nhông cắn chảy máu tay. Hay như bạn của Sơn Tùng bị rắn đớp hụt vì không hiểu tâm lý của rắn, trêu chọc làm nó tức giận và quay ra tấn công người. Những trường hợp bị xước chân tay do móng của thú cào vào không hề hiếm.