Thế nhưng những bất thường trong bản án không bình thường đó đã bị kháng nghị theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm. Kết cục, kẻ sát nhân máu lạnh đã được di lý về lại Khánh Hòa để ra trước vành móng ngựa tại phiên xử phúc thẩm lần thứ hai vào ngày 24/7/2012 và phải lãnh án tử hình về tội giết người.
Từ người phụ nữ "mất tích" bí ẩn...
Cách đây hơn hai năm, khi trận lũ chưa từng có vừa rút khỏi những vùng quê ở khu Nam Trung Bộ, thì ngày 9/11/2009, Trần Văn Ban (43 tuổi) trú ở tổ 4, thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa trình báo cho công an địa phương về việc, người vợ của mình là chị Trần Thị Hiếu đã mất tích, bỏ lại ba đứa con trai, trong đó có cháu Trần Khánh Linh chỉ mới 2 tuổi.
Giữa lúc nhiều người dân bàng hoàng trước hung tin nêu trên, thì mẹ ruột của chị Hiếu là bà Phạm Thị Chung và hai người em trai là Trần Văn Thắng, Trần Văn Đại - cùng trú ở thôn Cát Lợi, xã Vĩnh Lương vẫn đặt ra nhiều câu hỏi nghi vấn xung quanh vụ việc người thân của mình mất tích đầy bí ẩn. Trong khi đó, UBND xã Vĩnh Lương vẫn phải huy động nhiều công an, dân quân và thanh niên xung kích tổ chức các cuộc tìm kiếm chị Trần Thị Hiếu từ bãi biển ngược lên các con suối, cống nước nhưng mọi nỗ lực của họ đều bất thành.
Trong khi các trinh sát hình sự, điều tra viên của Công an TP Nha Trang và Phòng Cảnh sát điều tra hình sự (PC45) Công an tỉnh Khánh Hòa đang tiếp cận thu thập nhiều nguồn tin để xác định sự thật về sự mất tích của chị Hiếu thì một số người dân ở Vĩnh Lương lại nghe Ban đổ tội người vợ của mình ngoại tình và đã lén lút lấy 350 triệu đồng để theo người tình trốn đi nơi khác và có khả năng sẽ sang Canada sinh sống. Khi một vài người thân dò hỏi thì Ban bày tỏ thái độ ấm ức, ghen tuông và cao giọng tuyên bố sẽ lùng tìm cho bằng được "người vợ ngoại tình" để hạch tội. Lấy cớ đó, Ban gọi người cháu ruột của mình là Trần Văn Chung đang làm công nhân xây dựng của một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Dương ra Khánh Hòa trông coi nhà và chăm sóc ba đứa con cho Ban, rồi lặng lẽ mang tư trang cá nhân rời khỏi địa phương.
Theo nhiều nguồn tin cho hay, trước khi chị Hiếu mất tích, đời sống tình cảm của vợ chồng Trần Văn Ban - Trần Thị Hiếu đã phát sinh bất hòa và đang rạn nứt, thậm chí nhiều lúc mâu thuẫn gay gắt đến mức không chỉ dừng lại sau những cuộc cãi vã, xô xát, mà có lúc Ban đã hành xử thô bạo với chị Hiếu. Điều lạ lùng là vì sao chị Hiếu bỏ nhà ra đi nhưng không nhắn gửi thông tin gì cho người thân? Trần Văn Ban không nhờ bà Phạm Thị Chung chăm sóc ba đứa cháu ngoại, mà phải điều đứa cháu ruột của mình từ Bình Dương ra trợ giúp?...
Để làm rõ thực hư vụ mất tích đầy bí ẩn nêu trên, hai người em của chị Hiếu không chỉ dò tìm những dấu vết nghi vấn còn lại trong căn nhà của vợ chồng Ban, mà mọi động thái của người cháu ruột Ban cũng nằm trong tầm quan sát của họ.
...đến vụ trọng án kinh hoàng
Vợ chồng Trần Văn Ban - Trần Thị Hiếu kết hôn khi mới hơn 20 tuổi. Cuộc sống buổi đầu không ít khó khăn, nên họ phải vất vả mưu sinh một thời gian dài mới an cư lạc nghiệp ở tổ 4, thôn Lương Hòa, xã Vĩnh Lương, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Nhiều năm tích cóp dành dụm bằng nghề giết mổ, mua bán thịt lợn, vợ chồng họ cũng đã xây dựng được một căn nhà khang trang với tường cao, cổng kín, sân vườn thoáng rộng. Nhìn đời sống kinh tế của họ ngày càng khấm khá, không ít người cũng phải khát khao ước muốn.
Hơn 10 ngày sau khi chị Hiếu mất tích và vài ngày sau khi Ban rời khỏi nhà, người thân chị Hiếu phát hiện Trần Văn Chung "bật mí" cho ba đứa con của Ban biết, có thể người bố ruột của chúng không trở về nữa, nên mới hướng dẫn cho đứa con trai thứ hai của Ban là Trần Văn Tuấn - lúc đó mới 15 tuổi, đưa đứa em út Trần Khánh Linh, 2 tuổi về Nam Định sinh sống cùng gia đình phía nội. Lập tức, hai người em trai chị Hiếu ngăn cản và báo cho Công an xã Vĩnh Lương kịp thời can thiệp và làm rõ nguyên do. Dẫu vậy, vài ngày sau đó, người con đầu của Ban là Trần Văn Phong, 17 tuổi, bí mật đưa người em út về quê nội trước, rồi mới ngược lại Nha Trang mua vé tàu hỏa cho Trần Văn Tuấn ra Nam Định chăm sóc em.
Phá dỡ hầm rút để tìm thi thể nạn nhân.
Cẩn trọng xác minh, các trinh sát hình sự, điều tra viên phát hiện chính Trần Văn Ban đã liên lạc, chỉ đạo Trần Văn Chung đưa ba đứa con của hắn về Nam Định. Nhưng khi liên lạc vào số máy Ban thường sử dụng trước đó thì chỉ nhận được thông báo từ tổng đài cho biết "thuê bao này đang tạm khóa".
Khi các trinh sát còn đang tập trung truy xét sự mất tích bí ẩn của chị Hiếu bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, thì bất ngờ cháu Trần Văn Phong bị suy hô hấp cấp nên phải đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa điều trị. Trong lúc cháu Phong chưa kịp xuất viện, thì hai người em trai chị Hiếu phát hiện Trần Văn Chung mua sắt, xi măng về trám kín cửa thông hơi hầm rút nước thải bên trong lò mổ lợn của gia đình Ban. Hành động bất thường đó khiến cho gia đình chị Hiếu càng nghi ngờ Ban là kẻ đã sát hại vợ rồi phi tang xác và tung tin thất thiệt để che giấu tội ác.
Sau nhiều cuộc hội ý, chiều 29/12/2009, hai anh Trần Văn Đại và Trần Văn Thắng quyết định phá dỡ hầm rút nước thải để lật tẩy sự thật. Và khi bơm hút, nạo vét đáy hầm, họ đã tìm thấy một số mẫu vật rất giống xương người, nên khẩn báo cho Cơ quan Công an. Với sự phối hợp tích cực của các điều tra viên, kỹ thuật viên Phòng Cảnh sát điều tra hình sự, Phòng Kỹ thuật hình sự và Công an TP Nha Trang, sau hơn một ngày cẩn trọng rà soát, dò tìm trong đống chất thải nạo vét được một số mẫu răng, xương sọ, ống tay, ống chân đã được thu nhặt rất cẩn trọng.
Đến lúc này, vụ mất tích đầy bí ẩn của chị Hiếu đã được xác định là vụ án mạng với tính chất đặc biệt nghiêm trọng mà nghi can số một chính là Trần Văn Ban. Do đối tượng này đã rời khỏi nơi cư trú nên việc phối hợp với các đồng nghiệp ở Phòng Cảnh sát điều tra hình sự Công an tỉnh Nam Định truy lùng Trần Văn Ban đã được triển khai khẩn trương, ráo riết.
Khi đến huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định tiếp cận với ông Trần Văn Nhung - người anh cả của Ban, các trinh sát hình sự chủ động công khai sự thật. Ông Nhung tỏ ra bất ngờ trước tin người em dâu đã bị sát hại và nghi can chính là em ruột của mình. Theo ông Nhung, trước đó ông có nhận được điện thoại của Ban bày tỏ tâm trạng buồn chán cuộc sống thực tại do thường xuyên bất hòa trong đời sống tình cảm vợ chồng và cần tìm đến một vùng quê khác để sinh sống, nên phải tạm gửi ba đứa con về quê một thời gian. Ông Nhung cam kết sẽ tích cực phối hợp với công an tìm kiếm Ban và lựa lời can khuyên người em trai của mình sớm ra đầu thú.
Tìm kiếm những mẫu xương nạn nhân từ chất thải thu được dưới hầm rút
Đúng như lời hứa của người đàn ông hiền lành, chân chất, khi nhận được điện thoại của Ban vào một ngày cuối năm 2009, ông Nhung đã thuyết phục bằng những lời lẽ hết sức tinh tế, thấu lý đạt tình, khiến Ban từ Lạng Sơn xuôi xe khách về lại Nam Định. Chính ông Nhung đã đưa Ban lên tàu hỏa về lại TP Nha Trang để đầu thú vào chiều ngày 2/1/2010.
Tại Bản giám định pháp y số 46/PYHS/2010 ngày 12/1/2010 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Khánh Hòa kết luận "Các phần xương và tổ chức phần mềm phát hiện được là của người, chưa xác định được giới tính, độ tuổi. Trên các phần xương người đã bị cắt rời thành nhiều mảnh phát hiện có dấu vết sắc gọn, làm đứt lìa cấu trúc giải phẫu xương. Các tổn thương phát hiện trên xương là do công cụ lưỡi sắc có trọng lượng tạo ra".
Kẻ tàn ác phải đền tội
Khi biết không thể che giấu được tội ác do chính mình gây ra đã được Cơ quan điều tra lật lại sau cuộc khám nghiệm hầm rút nước thải, hung thủ Trần Văn Ban đã khai nhận hành vi tàn ác của mình.
Bắt đầu từ sự nghi ngờ Trần Văn Ban đã lén lút lấy 10 triệu đồng đưa cho người tình tiêu xài, nên chiều ngày 29/10/2009, chị Hiếu gặng hỏi Ban ráo riết rồi lớn tiếng trách móc, dẫn đến một cuộc cãi vã, chửi mắng lẫn nhau giữa hai người. Không kiềm chế cơn nóng giận, Ban cầm chiếc ghế gỗ xông tới đánh chị Hiếu, nhưng người em vợ là Trần Văn Đại đã kịp can ngăn, nhưng ba ngày sau đó, những cuộc cãi vã của vợ chồng Ban cứ tái diễn gay gắt hơn.
Đến khoảng 2h sáng ngày 2/11/2009, trong lúc đang ngồi bóc tách lòng lợn sau khi giết mổ, chị Hiếu tiếp tục chửi mắng Ban lấy tiền cho gái tiêu xài. Ban vớ lấy cây gỗ đánh nhiều nhát vào đầu vợ, khiến chị Hiếu gục ngã trên nền nhà. Thấy vợ nằm bất động, Ban cầm dao giết mổ lợn, phân xác nạn nhân thành nhiều mảnh nhỏ đẩy xuống hầm rút nước thải, và ném đôi dép, quần áo của chị Hiếu vào lò đun nước sôi. Để tạo chứng cứ ngoại phạm, khi trời gần sáng, Ban lên tầng hai căn nhà đánh thức đứa con trai đầu và nói dối rằng chị Hiếu đã bỏ nhà ra đi.
Đến 9h sáng cùng ngày, hắn lấy sim điện thoại của chị Hiếu để nhắn tin vào máy của chị Nguyễn Thị Lệ Hồng - bạn gái nạn nhân đang trú ở thị xã Ninh Hòa với nội dung "Hiếu lấy của Ban 350 triệu để trốn đi cùng người yêu qua Canada" để đánh lạc hướng, một tuần sau hắn mới báo cho Công an xã Vĩnh Lương biết chị Hiếu đã mất tích.
Sau khi lẩn trốn, ngày 15/12/2009, Ban liên lạc điện thoại với Trần Văn Chung và biết tin đứa con trai đầu đang nằm viện do suy hô hấp, kẻ sát nhân nghi ngờ mùi tử khí của chị Hiếu dưới hầm rút nước thải là nguyên nhân gây bệnh, nên bảo Chung mua xi măng xây kín cửa thông hơi hầm rút.
Với những hành vi tàn ác nêu trên, Bản án hình sự sơ thẩm số 13/2010/HSST ngày 23/6/2010 của TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên xử tử hình Trần Văn Ban. Điều lạ lùng khiến cho dư luận bất bình, đặt nhiều câu hỏi nghi vấn, đó là đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của kẻ giết người dã man đã được cấp phúc thẩm chấp nhận bằng những lập luận thiếu căn cứ pháp lý.
Và khi phát hiện Bản án phúc thẩm số 352/2010/HSPT ngày 20/9/2010 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng giảm nhẹ hình phạt cho sát thủ Trần Văn Ban từ tử hình xuống mức án chung thân, ngày 19/9/2011, Chánh án TAND Tối cao đã có Quyết định số 22/2011/HS-TK kháng nghị đối với bản án phúc thẩm.
Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 26/3/2012 dưới sự chủ tọa của thẩm phán Trương Hòa Bình - Chánh án TAND tối cao, Hội đồng Giám đốc thẩm nhận định bản án phúc thẩm áp dụng không đúng luật, đánh giá không đúng tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng về hành vi phạm tội của bị cáo. Theo đó, Chánh án TAND Tối cao hủy Bản án phúc thẩm số 352/2010/HSPT ngày 20/9/2010 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng để xét xử phúc thẩm lại theo quy định pháp luật.
Và trong phiên xử phúc thẩm lần này, bản án tử hình dành cho kẻ giết người dã man, tàn ác là một kết cục tất yếu đã được phán quyết