Cô giáo đi làm công nhân
'Đại học về đi cấy, thà nghỉ từ lớp 9...'
Hiện nay, định mức giáo viên (giáo viên có biên chế, hưởng lương từ ngân sách Nhà nước) cho mỗi trường phổ thông công lập được xác định theo Thông tư số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư số 28 của Bộ GD-ĐT.
Ở mỗi tỉnh, thành phố, định mức cụ thể do UBND tỉnh, thành phố qui định. Đối với trường THCS, THPT định mức này thường là từ 2,0 - 2,2 giáo viên/lớp. Định này đảm bảo việc các trường THCS, THPT hoàn thành chương trình giáo dục mà không cần phải tuyển thêm giáo viên hợp đồng theo “mùa vụ”.
Số liệu được công bố mới đây thì hiện nay nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đang thừa giáo viên bậc học trung học. Ví như tỉnh Đồng Tháp, năm học 2010-2011 thừa hơn 900 giáo viên; TP.HCM, năm học 2012-2013 thừa 973 giáo viên...
Mong muốn tìm được một chỗ đứng trên bục giảng không được đáp ứng, đương nhiên những giáo viên không được tuyển dụng sẽ phải tìm một hướng đi cho mình. Vậy, lượng giáo viên không được tuyển dụng này sẽ làm gì?
Hướng giải quyết
Cách thứ nhất tiếp tục đi học tiếp lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ: Đa số những người lựa chọn hướng giải quyết này có thể hy vọng ở những kỳ tuyển giáo viên tiếp theo, với tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ họ sẽ được cộng điểm khuyến khích hoặc tuyển thẳng. Số lượng người lựa chọn cách giải quyết này chắc hẳn không nhiều (chưa có những con số thống kê chính thức về số lượng sinh viên Sư phạm đi theo hướng này được công bố).
Cách thứ hai, tìm việc giảng dạy tại trường phổ thông ngoài công lập: Một bộ phận giáo viên không được tuyển dụng tại các trường công lập sẽ tìm kiếm công việc tại các trường ngoài công lập. Điều này, giúp họ có việc làm theo đúng chuyên môn được đào tạo, giúp họ có thu nhập và tích lũy kinh nghiệm giảng dạy. Trong số những giáo viên tham gia hợp đồng tại các trường ngoài công lập, không ít người muốn tiếp tục tìm kiếm cơ hội giảng dạy tại các trường công lập trong những kỳ tuyển giáo viên tiếp theo.
Cách thứ ba, tìm kiếm hợp đồng giảng dạy tại các trường công lập: đây cũng là một hướng lựa chọn của một số sinh viên mới tốt nghiệp trường Sư phạm. Thực tế cho thấy, việc tìm kiếm được hợp đồng tại trường công lập khá khó khăn khi số lượng ứng viên nhiều, số hợp đồng lại hiếm hoi. Mức lương của giáo viên hợp đồng tương đối thấp, không có gì đảm bảo cho sự ổn định công việc trong những năm tiếp theo.
Cách thứ tư, không theo nghề dạy học: Trước khi đăng kí thi thi tuyển vào trường Sư phạm (có lẽ) không ai muốn mình sau này sẽ không làm nghề dạy học. Tuy nhiên, khi không được tuyển dụng, một số giáo viên có thể lựa chọn một nghề khác không liên quan đến dạy học. Số lượng giáo viên không được tuyển dụng phải đi theo hướng này không nhỏ.
Cho dù họ, những giáo viên không được tuyển dụng vào biên chế tại các trường công lập lựa chọn hướng giải quyết nào trong các cách trên thì đều gây lãng phí tài nguyên, đó là nguồn tài nguyên con người. Và sự lãng phí không dừng lại ở đó.
Lãng phí Ngân sách chi cho đào tạo giáo viên
Nhà nước có chính sách ưu đãi sinh viên Sư phạm. Theo đó, sinh viên theo học các trường sư phạm không phải đóng học phí. Nguồn kinh phí đào tạo lấy từ ngân sách Nhà nước để đào tạo nhân lực phục vụ ngành giáo dục, nhưng ra trường họ lại không có cơ hội để phục vụ ngành, gây lãng phí Ngân sách không nhỏ.
Dù đã đủ giáo viên theo định biên, nhiều trường vẫn tuyển giáo viên hợp đồng (có trường hợp, tuyển ồ ạt) dẫn đến giáo viên biên chế không đủ tiết dạy, có những giáo viên chỉ phải dạy số tiết chưa bằng 1/3 so với qui định nhưng vẫn hưởng lương (và phụ cấp) bình thường gây lãng phí Ngân sách.
Nguyên nhân dẫn đến lạm thu
Do trường phổ thông hợp đồng thêm nhiều giáo viên, nhưng Ngân sách trả lương tính theo số lượng học sinh của mỗi trường, nên trường phải tìm các nguồn kinh phí khác để trả lương giáo viên. Phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm thu?
Và do không đủ tiết dạy qui định, thời gian giảng dạy của giáo viên chiếm lượng nhỏ trong quĩ thời gian mà giáo viên có. Thừa thời gian, giáo viên có thể sử dụng để tổ chức dạy thêm dẫn đến việc dạy thêm tràn lan.
Cuộc đua "chạy việc" gây ra tiêu cực
Để được tuyển (hoặc hợp đồng) tại trường công lập, mỗi sinh viên cần phải có đầy đủ những yếu tố, trong đó bằng cấp là yếu tố cần, quan hệ và tiền bạc là yếu tố thiết yếu cho “cuộc đua” “chạy việc”. Trong các yếu tố nói trên, khoản tiền mà sinh viên phải chi phí cho việc này là không hề nhỏ. Và các sinh viên Sư phạm vừa mới “chân ướt chân ráo” vào nghề "cao quý" đã phải làm một việc không đúng với người làm việc cao quí, tạo nên những hiện tượng tiêu cực đáng phê phán gây bức xúc xã hội (nạn tham ô, tham nhũng). Điều này tác động không nhỏ đến sự phát triển của ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung.
Thiệt thòi cho học sinh
Thừa giáo viên do hợp đồng thêm nhiều giáo viên trẻ, những giáo viên có kinh nghiệm không đủ số tiết dạy qui định, mà đối với nghề dạy học, ngoài trình độ chuyên môn thì kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy và nghệ thuật quản lí học sinh là một vốn quý mang đậm dấu ấn cá nhân. Giáo viên hợp đồng đa phần là tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ nên kinh nghiệm giảng dạy ít, học sinh thiệt thòi hơn nếu được những giáo viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy. Trong trường hợp này, đối tượng hưởng thụ lẽ ra được hưởng thụ nhiều hơn nếu trường không thừa nhiều giáo viên.
Như vậy, để xảy ra hiện tượng thừa giáo viên, ngành giáo dục không chỉ gây ra hiện tượng lãng phí tài nguyên con người.
Để thu hút nhân tài vào ngành giáo dục, giải quyết tình trạng tiêu cực trong ngành, giải tỏa những bức xúc của dư luận đối với giáo dục hiện nay thì cần có những chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, cần có nhiều biện pháp đồng bộ đối và sự quan tâm của các cấp, các ngành từ địa phương đến trung ương. Trong các biện pháp đó, có việc giải quyết bài toán thừa giáo viên.
Đó phải chăng cũng là một trách nhiệm của ngành giáo dục đối với thế hệ trẻ, là trách nhiệm của ngành giáo dục với xã hội?
Nguyễn Đình Thanh (Trường THPT Đồng Hòa, Hải Phòng)