Chia sẻ với chúng tôi, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (thuộc Trường ĐH KHXHNV - Đại học Quốc gia TP.HCM) - cho rằng, từ rất lâu, tiết canh các loại gia súc, gia cầm như lợn, ngan, vịt đã là món ăn độc đáo và trở thành nét văn hóa dân dã của người Việt.
"Tiết canh là món ăn truyền thống rất đặc biệt, lâu đời và ưa thích của nhiều người Việt Nam.
Với các nước, ngay cả các nước Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... dù có ăn sống, ăn thịt chó, lòng lợn... nhưng ăn tiết canh theo kiểu băm chặt nhỏ các gia vị rồi cho tiết sống vào để nó đông lại thì không hề có.
Nhiều người Đông Bắc Á khi đến Việt Nam thấy món ăn này rất sợ nhưng khi ăn rồi thì không ít người lại thích và muốn ăn thêm.
Điều đó để thấy rằng, tự thân của món tiết canh này không có vấn đề nhưng khi phát triển ra để kinh doanh thì do những cơ sở kinh doanh họ chạy theo lợi nhuận, sử dụng những nguyên liệu không đảm bảo rồi quá trình chế biến không hợp vệ sinh... từ đó gây ra các loại bệnh, gây hậu quả đáng tiếc và thực tế đã có một số người tử vong.
Ngoài ra, cũng có thể do cơ thể người ăn không tốt, sức đề kháng yếu nên khi ăn món này thì sinh bệnh....", GS Trần Ngọc Thêm nói.
Ông cũng bày tỏ, đối với món tiết canh, chúng ta không nên có suy nghĩ quá cực đoan mà cần phải xem xét ở góc độ khách quan, toàn diện...
"Thực tế, đâu phải tất cả các món ăn, đồ ăn hiện đại ngày nay đều tốt mà như chúng ta đã thấy, nhiều người đã chết vì chính các hóa chất sử dụng trong các đồ ăn hiện đại. Các món ăn, đồ truyền thống không nhất thiết có hại, vì vậy chúng ta phải nhìn nhận một cách khách quan, cụ thể.
Với tiết canh cũng vậy, không nên có suy nghĩ quá cực đoan mà nên xét ở góc độ khách quan, toàn diện và cái quan trọng nhất đối với món ăn này cũng như các món ăn truyền thống khác vẫn là phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm", GS Trần Ngọc Thêm cho hay.
GS.TSKH Trần Ngọc Thêm
Cũng theo GS Thêm, trên thực tế, tiết canh cũng đã được nhiều nhà văn, nhà thơ "nghiện" và đưa nó vào trong các tác phẩm của mình như một nét văn hóa bình dân, quen thuộc.
"Không ít nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Tuân, Vũ Bằng... đã rất thích món ăn tiết canh và đưa nó vào các tác phẩm của mình. Đọc đoạn viết về món tiết canh, ta có cảm giác như cả hồn dân tộc thấm đẫm vào đó và nếu như thiếu những đoạn thế này thì chắc chắn văn hóa dân gian của dân tộc sẽ mất mát đi rất nhiều", GS Trần Ngọc Thêm chia sẻ.
Trước sự "nghiện" của nhiều người và những nguy hiểm của món tiết canh đã được các tổ chức y tế đưa ra khuyến cáo trong thời gian qua, GS Trần Ngọc Thêm nhấn mạnh: "Thực tế hiện nay, không chỉ riêng món tiết canh mà công tác vệ sinh an toàn thực phẩm của chúng ta đụng đâu cũng đang có vấn đề cả. Ai cũng thấy và cả xã hội đều thấy như vậy nên đừng có gán tội, đổ hết lỗi cho tiết canh mà tội cho nó.
Vấn đề ở đây là làm sao chúng ta phải tăng cường công tác quản lý, đảm bảo, an toàn vệ sinh thực phẩm từ cơ quan quản lý đến các cơ sở kinh doanh chứ không phải đưa ra những cái suy nghĩ cực đoan".
Khi được hỏi, GS Trần Ngọc Thêm cũng cho biết thêm, dù không phải là người nghiền nhưng thỉnh thoảng ông vẫn ăn món tiết canh này.