Gián đất, sâu lạ: Hàng 'xách tay' Trung Quốc tuồn về Việt Nam

Nhiều sinh vật ngoại lai đã du nhập vào Việt Nam bằng nhiều con đường, gây những hậu quả nghiêm trọng về kinh tế cũng như môi trường.

'Xách tay' gián đất Trung Quốc về Việt Nam

Cách đây ít lâu, dư luận xôn xao về việc một số hộ dân ở Bắc Ninh nhập khẩu gián đất Trung Quốc qua con đường “xách tay” về nuôi. Để nuôi gián đất, những nông dân được chuyên gia người Trung Quốc sang tận nơi để giúp xây dựng chuồng trại và hướng dẫn kỹ thuật nuôi.

Gián đất được một số người cho rằng có khả năng chữa bệnh nên giá thành của chúng khá cao. Cộng thêm việc chúng dễ nuôi và sinh sản cực nhanh, có thể trong một thời gian ngắn, vài cặp gián đất bố mẹ đã nhân giống lên hàng ngàn con khiến chúng thành món hàng béo bở.

Những con gián con nở từ trứng được "tuồn" từ TQ về ở Bắc Ninh

Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT đã ra văn bản nói rõ, gián đất là loại động vật ngoại lai còn xa lạ với người dân Việt Nam, hiện chưa có tài liệu chính thức khẳng định tính có lợi của gián và hiệu quả của việc nuôi gián. Việc tự ý nhập khẩu và gây nuôi gián đất là việc làm bị nghiêm cấm do gián đất chưa có trong danh mục giống vật nuôi được phép kinh doanh.

Sâu lạ Trung Quốc tuồn vào Việt Nam

Gần đây, lực lượng chức năng liên ngành khu vực cửa khẩu biên giới Lạng Sơn và Quảng Ninh đã bắt giữ một số vụ vận chuyển sâu từ Trung Quốc về Việt Nam, để bán cho các điểm nuôi chim cảnh và người nuôi chim. Ghi nhận của báo Thanh Niên vào sáng 12/1, loại sâu lạ nhập từ Trung Quốc để làm mồi nuôi chim cảnh đang được bày bán tràn lan tại thị trường Hà Nội.

Sâu lạ bị cấm nuôi, cấm nhập khẩu nhưng đang được bày bán công khai

Ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục Trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNN), cho hay, đây là loại sâu được xếp vào nhóm đối tượng dịch hại và có nguy cơ lây lan cao, phá hoại mùa màng nên từ lâu đã bị cấm nhập khẩu, cấm nuôi.

Côn trùng nguy hại trong lạc nhập khẩu

Mới đây, theo thông tin từ báo Hải quan, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng I (Cục Bảo vệ thực vật) Vũ Văn Hương cho biết, trong quá trình lấy mẫu kiểm dịch cho hàng nông sản nhập khẩu phát hiện 8 lô hàng với 35 container lạc nhân (khoảng 700 tấn) nhập khẩu từ Ấn Độ có chứa côn trùng Caryedon serratus Olivier (sống).

Đây là loài côn trùng thuộc đối tượng kiểm dịch Nhóm 1. Từ trước đến nay, tại đơn vị và trên địa bàn cả nước chưa phát hiện loại côn trùng này.

Theo Thông tư 35/2014/TT-BNNPTNT, côn trùng Caryedon serratus Olivier được chú giải là Mọt lạc (serratus), nằm trong Nhóm I - Nhóm “những sinh vật gây hại có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật, chưa có trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Ốc bươu vàng: Sinh vật ngoại lai phá hoại mùa màng

Ốc bươu vàng là sinh vật thuộc loài giáp xác, có nguồn gốc từ Nam Mỹ, du nhập vào Việt Nam khoảng từ trước năm 1975. Tuy nhiên, phải đến những năm 2000, tác hại ghê gớm của nó mới được cảnh báo.

Ốc bươu vàng, sinh vật ngoại lai phá hoại mùa màng.

Sau nhiều năm, cho tới tận bây giờ, ốc bươu vàng vẫn là một loài ốc chiếm số đông trong hệ sinh thái mặt nước ở Việt Nam. Và, nhiều loài động, thực vật nhỏ bé khác đã bị những quần thể ốc bươu vàng nuốt chửng khiến cho hệ sinh thái ở nhiều nơi trở lên mất cân bằng, dẫn đến tình trạng cạn kiệt tài nguyên thủy sản và có thể dẫn tới tuyệt chủng một số loài là thức ăn của ốc bươu vàng.

Hiểm họa từ rùa tai đỏ nhập khẩu

Theo Bách khoa toàn thư mở, rùa tai đỏ có nguồn gốc ở Bắc Mỹ, xuất hiện tại Việt Nam khoảng 15 năm. Chúng đứng đầu trong số 206 động vật xâm hại môi trường.

Rùa tai đỏ, sinh vật ngoại lai gây mất cân bằng hệ sinh thái môi trường

Ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM, khẳng định trên báo Người lao động, rùa tai đỏ giống như ốc bươu vàng, là một loại ngoại xâm sinh sản rất nhanh và tàn phá môi trường dữ dội. Các nhà khoa học đã khuyến cáo không nên phát triển loài này tại Việt Nam.

Bài học nhập khẩu chuột hải ly, chồn nhung đen

Đầu năm 2000, loài chuột hải ly được nhập khẩu về VN để nuôi thử nghiệm do loài này có thể cung cấp thịt để ăn, da và lông để xuất khẩu. Chuột hải ly sinh sản rất nhanh (cả bằng con đường vô tính và hữu tính).

Loài chuột hải ly được nhập khẩu về VN

Tuy nhiên, sau một thời gian, các nhà khoa học đã nhận thấy đây là loài sinh vật cực kỳ gây hại. Chúng được cho là mang các mầm bệnh lao, lao tủy, lao da… gây bệnh cho con người và vật nuôi, gây ảnh hưởng xấu tới các động vật khác. Các cơ quan chức năng đã phải cấm nhập khẩu, tiến hành tiêu hủy và giải quyết các vấn đề liên quan tới chuột hải ly. Chính phủ Anh, Mỹ cũng đã phải chi hàng chục triệu USD để tiêu diệt loài này.

Chồn nhung đen, một loài ngoại lai xâm hại mang nhiều rủi ro.

Sau chuột hải ly, chồn nhung đen bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng năm 2011 với lời đồn thổi về chất lượng thịt của loài này khiến người dân ở nhiều địa phương bỏ tiền ra mua về nuôi mong thu lợi cao. Song, trái với những lời đồn thổi, đầu ra cho loài động vật này rất hẹp, người nuôi đều bị lỗ và khả năng phát triển không cao. Cục Chăn nuôi đã phải đề nghị các địa phương không phát tán chồn nhung đen, tập trung kiểm soát tốt các cơ sở.

Theo thống kê của Cục Bảo tồn đa dạng sinh học thuộc Tổng cục Môi trường, ở nước ta hiện nay đang có gần 100 loài sinh vật ngoại lai gây hại. Trong đó, hơn 40% là thực vật ngoại lai, gần 50% là động vật còn lại là thủy sinh vật. Ngoài việc ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, số loài sinh vật ngoại lai này còn ảnh hưởng tiêu cực đến cả vấn đề dịch bệnh, mùa màng và an sinh xã hội của con người.