PGS.TS. Nguyễn Văn Định, Nguyên Chủ nhiệm Khoa Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, một trong những chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực kinh tế bảo hiểm chia sẻ thông tin với báo chí.
Giảm lương không tác động đến cân bằng quỹ
PV: -Vừa qua, một trong những nội dung của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi chuẩn bị trình Quốc hội được dư luận rất quan tâm là việc lương hưu đối với công chức, viên chức có thể giảm theo cách tính mới, mục đích là để cân bằng quỹ BHXH. Quan điểm của ông ra sao trước cách tính này?
PGS.TS. Nguyễn Văn Định:- Tôi cho rằng, việc tính tiền lương, tiền công, bình quân hàng tháng nhân với 75%, thực ra không hoàn toàn vì mục đích cân đối quỹ, mà mục đích chính là đảm bảo công bằng giữa những người tham gia BHXH.
Bởi vì, tóm lại số lao động công nhân của các doanh nghiệp, vẫn được tính mức hưởng lương hưu là bình quân tiền lương, tiền công suốt thời kỳ đóng BHXH, ví dụ 20 năm, 30 năm. Sắp tới viên chức, công chức sẽ bắt đầu tính như vậy, cho nên, chủ yếu cách tính đó là để dần dần đảm bảo tính công bằng giữa những người lao động tham gia BHXH, chứ không phải mục đích chính là để cân đối quỹ.
Tất nhiên là lương hưu tháng của công chức, viên chức từ 2015 sẽ giảm đi, vì nếu tính bình quân 5 năm, chắc chắn lương 5 năm cuối sẽ cao hơn 10 năm cuối hoặc 15 năm cuối.
Nhưng mục đích chính của việc giảm lương hưu là để đảm bảo công bằng giữa những công nhân và cán bộ công chức, bởi vì tại sao họ cũng là người lao động tham gia, mà bên khối DN, công nhân khi về hưu lại tính bình quân suốt thời kỳ đóng BHXH nhân với 0,75%, trong khi khối cán bộ, viên chức lại là 1 cách tính khác?
Tuy rằng, từ trước đến nay, người ta đã biết có tồn tại mâu thuẫn như vậy, nhưng trong giai đoạn đầu phải chấp nhận, bởi vì khối cán bộ công chức nhà nước còn do độ trễ thời gian, tức suốt những năm trước 1995 họ tham gia thì phải được hưởng mức như vậy.
Tóm lại, mục đích chính là để đảm bảo tính công bằng giữa những người lao động tham gia BHXH, chứ không phải cân đối quỹ, vì nó tác động đến chuyện cân bằng quỹ vô cùng ít.
PV:- Nhiều người nói cách tính mới này sẽ gây thiệt thòi cho các cán bộ, công chức tham gia BHXH từ ngày 1/1/2015 khi mà tiền lương hưu sẽ giảm, ông có đồng tình không? Vì sao ạ?
PGS.TS. Nguyễn Văn Định:- Tất nhiên là sẽ thiệt thòi hơn so với những người đã về hưu rồi, còn so với những người lao động là công nhân thì hoàn toàn không, dù có tính bình quân 5 năm, 10 năm hay 15 năm.
Bởi vì càng về cuối đời thì lương lại càng cao. Thực ra về lâu dài phải tăng tuổi nghỉ hưu, vì nếu tuổi thọ bình quân tăng lên nhanh, nữ 55 tuổi về hưu, mà tuổi thọ bình quân là 75 năm, thì tương đương với việc sẽ được hưởng lương hưu 20 năm, vậy tiền đâu để chi, cho nên về lâu dài là phải tăng tuổi nghỉ hưu.
Tuy nhiên, tăng lúc này là không nên, vì thứ nhất, không một nước nào tăng tuổi nghỉ hưu khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, đây là lý do quan trọng. Thứ hai,tăng tuổi nghỉ hưu phải có lộ trình, nghiên cứu 1 cách bài bản, bởi vì tăng tuổi nghỉ hưu nó còn liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau.
Ví dụ như đối tượng công nhân như dệt may, da giầy, chế biến thủy sản, nói ngay như công nhân làm chế biến thủy sản, họ ngâm tay vào nước đá mấy chục năm, cho nên nếu tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng chính đến sức khỏe của họ. Cho nên phải có lộ trình, nghiên cứu thật kỹ, bài bản, tăng đối tượng nào, đối tượng nào không nên tăng.
Quan điểm của tôi về lâu dài cũng phải đảm bảo tính công bằng giữa hai loại đối tượng này: công nhân và viên chức nhà nước, vì họ cũng là người lao động, cũng tham gia BHXH, tại sao một bên lại tính là bình quân suốt thời kỳ đóng BHXH dẫn đến lương hưu rất thấp, còn một bên thì lại tính bình quân 5 năm cuối nên lương hưu lại cao.
PV:- Điều đáng nói tiền BHXH đã được đóng ngay từ đầu, với cách tính mới thì có phải cán bộ, công chức dù đóng 10 để khi nghỉ hưu sẽ được nhận 2, nhưng giờ lại chỉ nhận được 1, có thể hiểu là đang cắt bớt tiền của dân hay không?
PGS.TS. Nguyễn Văn Định:- Chắc chắn nếu tính theo cách mới thì sẽ găp phải phản đối từ nhiều đơn vị, tổ chức.
Nhưng tôi khẳng định, cứ cảm tưởng giảm lương hưu đi thì sẽ góp phần cân đối quỹ, thực ra nó là một khía cạnh rất nhỏ, tác động rất ít, mục đích chính là đảm bảo tính công bằng giữa các đối tượng tham gia BHXH.
Sử dụng quỹ nhàn rỗi hiệu quả
PV:- Trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã có đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu (nam 62, nữ 60) để tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH trong tương lai không xa, nhưng vấp phải phản đối từ dư luận, giờ lại thay đổi cách tính để giảm lương hưu. Vì sao chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn như vậy? Ông đánh giá như thế nào về những biện pháp được đưa ra để cân bằng lại quỹ BHXH trong những năm vừa qua?
PGS.TS. Nguyễn Văn Định:- Những biện pháp đưa ra để cân bằng quỹ BHXH cũng đã có nhiều, còn theo tôi riêng cách tính lương hưu thì không phải cân đối quỹ.
Để cân đối quỹ theo tôi có nhiều biện pháp mang tính chất lâu dài: Một là, tăng tuổi nghỉ hưu, áp dụng nguyên tắc có đóng mới có hưởng. Hai là, đầu tư quỹ nhàn rỗi sao cho hiệu quả. Ba là, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, nguyên tắc của nó là số đông bù số ít, nếu không mở rộng được đối tượng tham gia BHXH thì rất khó cân đối quỹ.
Đề xuất mới: Giảm lương hưu để cân đối quỹ BHXH
Còn mở rộng đối tượng tham gia BHXH, riêng mảng BHXH bắt buộc thì ở VN hiện nay cực kỳ khó, vì sản xuất của mình không phát triển, cho nên số lao động từ nông thôn ra thành thị mà có quan hệ lao động, có chủ sử dụng lao động, số lượng này rất hạn chế.
Chính vì sản xuất không phát triển, để cân đối quỹ thì 3 yếu tố này cực kỳ quan trọng. Ngoài ra còn phải tiết kiệm chi tiêu và nhiều yếu tố khác nữa.
PV:-Nhiều ĐBQH cho rằng, việc giảm lương hưu sẽ chỉ tác động vào khu vực nhà nước nhiều hơn khu vực tư nhân và đề xuất là giữ nguyên cách tính cũ?
PGS.TS. Nguyễn Văn Định:- Tôi không nhất trí việc giữ nguyên cách tính cũ, phải vì mục đích xa hơn, đó là đảm bảo tính công bằng, vì công nhân cũng là người lao động, cũng tham gia BHXH, nên mỗi người tính 1 cách là hoàn toàn không được.
Cũng chính vì quá nhiều thắc mắc và có phản ánh, nên Bộ LĐTB&XH đã đưa ra hướng đổi mới như vậy. Theo tôi, nên tính bình quân cả hai bên, kể cả viên chức và người lao động, nhưng mà để đảm bảo, phải thực hiện lộ trình từ từ, để họ không bị hẫng hụt thì có thể đưa ra hướng 10 năm, 15 năm. Cách làm và cách tính phải thống nhất.
PV:-Phía Tổng liên đoàn Lao động có ý kiến rằng, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, chỉ nên thay đổi cách tính lương hưu khi mức đóng BHXH được tính trên tiền lương thực lĩnh (bao gồm cả phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác), thay vì chỉ tính trên lương ghi trong hợp đồng lao động như hiện nay. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
PGS.TS. Nguyễn Văn Định:- Tôi khẳng định là hoàn toàn đúng, bây giờ khối viên chức nhà nước thì không nói làm gì vì tiền lương đã rõ ràng, có bảng lương rõ ràng, nhưng với DN thì trả lương 1 con số, nhưng mà con số đóng BHXH lại khác, thậm chí có đơn vị trả lương bằng phong bì, ai biết lương người đó.
Khi xác định mức lương nộp BHXH, thì lại tính thấp đi, nếu lương được trả 5 triệu, thì chỉ thực tế chỉ tính mức 3 triệu, rõ ràng mức đóng rất thấp, chủ sử dụng lao động cũng phải đóng thấp. Bởi quỹ lương của chủ sử dụng lao động tính trên tất cả mọi người lao động trên cơ quan.
Ví dụ, cơ quan có 100 người, mỗi người lương 3 triệu, 1 tháng là 300 triệu, tại thời điểm này nhân với 26%, tức chủ là 18%, người lao động 8% so với 300 triệu, đấy là tổng số tiền chủ sử dụng lao động và người lao động phải đóng vào quỹ BHXH.
Nếu người lao động được thực trả là 5 triệu, 100 người là 500 triệu. Dĩ nhiên 500 triệu khác với 300 triệu, rồi nhân với 26%. Khối DN luôn lẩn tránh được cái này và đây cũng là yếu tố quan trọng để đảm bảo cân đối quỹ và làm sao mức lương hưu về cao.
Ở nước người, lao động họ sẽ đấu tranh ngay, nhưng VN thì vì miếng cơm manh áo, sợ đuổi việc, gây khó dễ nên chỉ tính mức đó để đóng BHXH.
PV:- Để tránh vỡ quỹ thì phải nhìn nhận vấn đề này như thế nào?Muốn giải quyết cả hai vấn đề này, phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Nguyễn Văn Định:- Để tránh vỡ quỹ, quan trọng nhất và chiến lược lâu dài là phải mở rộng đối tượng tham gia, có nghĩa là phải nhiều người tham gia. Phải có lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu, bởi vì tuổi thọ bình quân tăng thêm 1 tuổi, lấy tiền quỹ BHXH chi cho lộ phí tăng lên nhiều, nhưng nó không hề đơn giản.
Thêm nữa, đầu tư hiệu quả số quỹ nhàn rỗi, hiện nay cỡ khoảng 190.000 tỷ đồng chứ không ít nên phải đầu tư hiệu quả, chứ tốc độ lạm phát thì rõ ràng là không hiệu quả. Cho nên tiền lương, tiền công của người lao động phải tính đủ, tính đúng.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của PGS.TS!