Dân làng Phổ Trung và Phổ Đông luôn tin rằng, sở dĩ anh em Ngô Đình Diệm phải tàn đời một cách tức tưởi là bởi họ đã dám đập phá miếu Thiên Cẩu, cướp bức tượng linh cẩu hết sức linh thiêng về làm của riêng. Hễ bất kỳ người nào dám mạo phạm đến ngôi miếu linh thiêng ấy, đều phải “trả giá”…
Huyền tích tục thờ Thiên Cẩu
Về thôn Phổ Trung, Phổ Đông thuộc xã Phổ Thượng, huyện Phổ Vang, Thừa Thiên Huế hỏi miếu Thiên Cẩu thì bất cứ ai cũng tỏ ra rất kiêng dè, cung kính. Vì theo người dân nơi đây, miếu Thiên Cẩu quá linh thiêng, và “sẵn sàng” trừng trị bất cứ kẻ nào dám mạo phạm, nên họ không dám tùy tiện nhắc đến. Miếu Thiên Cẩu được đặt ngay đầu thôn Phổ Trung, bên trong có bức tượng chó đá được quấn vải đỏ, khói hương nghi ngút. Tại Phổ Đông cũng có một ngôi miếu tương tự như vậy. Cụ Trần Trung Cường, 72 tuổi, dân thôn Phổ Trung vừa đưa chúng tôi đến thăm miếu vừa giảng giải: “Từ xưa đến nay, người ta hay dùng tượng chó đá trưng trước nhà như một cách để canh giữ tài sản, vượng khí của gia đình. Tượng chó đá thường được làm phép, để yểm lấy lối ra vào, khiến cái xấu, tai ương không còn rình rập làm hại gia đình nữa. Miếu thờ Thiên Cẩu ở làng chúng tôi cũng y như thế. Có điều đây là ngài “Thiên Cẩu” vô cùng linh thiêng được trời ban xuống trần gian để canh giữ sự bình yên cho dân làng này”.
Miếu Thiên Cẩu tại Phổ Trung và Phổ Đông chỉ là một cái am thờ nhỏ với đôi ba thức bánh trái giản đơn, nhưng bất cứ người dân nào nơi đây khi qua ngôi miếu này đều phải gật đầu xá, đi thật chậm ngang qua. Sở dĩ vậy, vì miếu Thiên Cẩu tại nơi đây, gắn liền với nhiều huyền tích ly kỳ về “tượng chó báo thù”. Chúng tôi rất may mắn khi có cơ duyên gặp cụ Nguyễn Văn Sang, 86 tuổi, được mệnh danh là “già làng”, “pho từ điển dân gian sống” của vùng đất này. Ông Sang kể lại rằng, xưa kia, dân làng hai thôn này đều rất nghèo. Dù chăm chỉ làm ăn, nhưng mấy trăm năm qua dân làng này vẫn “nghèo cứ hoàn nghèo”. Đã vậy, người dân còn nơm nớp lo sợ vì những vụ hỏa hoạn lạ kỳ cứ liên tục xảy ra. Mà mỗi khi nhà nào bị cháy là lửa bốc lên dữ dội, không có gì dập tắt nổi. Người dân chỉ biết lắc đầu nhìn tài sản cả đời dành dụm phút chốc bị thiêu trụi trong biển lửa. Có khi, lửa còn “liếm” sang các nhà khác, gây cảnh cháy liên hoàn, khiến người dân vô cùng hoang mang và hoảng sợ. Họ không biết đến bao giờ, ngọn lửa “yêu nghiệt” này sẽ đến và đem đi những gì họ đã dày công gây dựng.
Trong làng, có một nguời đàn ông làm nghề chài lưới. Ông nổi tiếng hiền lành và hết mực chăm chỉ làm ăn, nhưng không hiểu sao vẫn cứ “đi về lẻ bóng”. Hôm ấy, ông ngư ngồi ăn cơm, bỗng đâu lửa phừng phừng cháy, nhà gần bờ sông, nên dân làng túa đến múc nước sông dập lửa. Nhưng càng đổ nước, lửa lại càng cháy mạnh. Ông ngư quỳ xuống trước ngọn lửa dữ, lâm râm khấn nguyện. Dù dân làng có lôi ông đi khỏi vùng nguy hiểm, ông vẫn cương quyết quỳ tại đó. Khi ngọn lửa gần nuốt chửng ông ngư thì có bóng một con chó đen lao tới, sủa lên ba tiếng dài, ngọn lửa như bị hút vào một chiếc bình, vùng cháy bỗng tắt lịm trong chớp mắt. Dân làng thất kinh, liền mời thầy pháp về “bàn điềm”. Thầy bảo rằng, gia đình ông ngư có lần đã cứu sống một con chó bị thương bên đường, đó chính là “Thiên Cẩu” mắc đọa trần gian, vì lòng nhân ái đó, nên ông ngư đã nhận được phước lành. Nghĩ Thiên Cẩu là vị thần hộ cho làng, người dân đã cho đúc tượng, lập miếu thờ Thiên Cẩu cho đến ngày hôm nay.
Câu chuyện kể trên được người lớn lẫn trẻ con nơi đây đều thuộc nằm lòng. Nhưng lạ một điều là chỉ có Phổ Đông và Phổ Trung tại xã Phổ Thượng là thờ tượng chó đá. Theo cụ Lê Thanh An, 67 tuổi, ngụ tại Phổ Đông thì, từ xa xưa, Phổ Đông và Phổ Trung bị một điện thờ linh thiêng ở phía đằng Đông của làng bên chiếu trực diện lên lối đi vào hai thôn, khiến vùng này không có người đỗ đạt, thành danh, dân trong làng cứ quẩn quanh đói nghèo, không khá lên nổi. Các bô lão trong làng sau nhiều lần suy tính đã phát hiện ra điều này, và ngay lập tức đã rước tượng Thiên Cẩu về lập miếu thờ, hướng về phía điện thờ linh thiêng của làng bên để phá thế bị “chiếu”. Từ đó, dân làng Phổ Trung và Phổ Đông mới có tục thờ Thiên Cẩu. Lý thuyết về thuật phong thủy để giải thích cho việc thờ tượng chó đá này có vẻ khoa học và thuyết phục hơn, vì theo tìm hiểu của chúng tôi, trong cuốn Lesopold Cadiere, Croyances et pratiques religieuses des Vietnamiens, tập 2, Ecole franaise d' Extrême-Orient, 1992, tr.132, 133 linh mục Cadière (1918) có ghi chép lại: “Làng Nam Phổ Đông nằm trên đường từ Huế ra Thuận An có chôn hai con chó đá, một con để chắn hướng đòn ngang của ngôi đình làng Phổ Khê nằm gần đó, con kia để chắn hướng một con đường chạy qua bãi tha ma”.
Miếu Thiên Cẩu ở Phổ Trung gắn với nhiều giai thoại li kỳ
Giai thoại Ngô Đình Diệm bị báo ứng
Bất kể già trẻ lớn bé gì ở Phổ Đông và Phổ Trung đều vô cùng tin vào sự linh thiêng của miếu Thiên Cẩu. Thậm chí, niềm tin mãnh liệt ấy, khiến người dân nơi đây trở nên kiêng dè, e sợ ngôi miếu thiêng. Cụ Nguyễn Văn Sang dẫn chúng tôi đến miếu Thiên Cẩu, sau khi thắp nhang và cầu khấn, cụ nghiêm mặt nói: “Chưa từng có ai mạo phạm đến miếu Thiên Cẩu mà không bị báo ứng. Dù đó là bất cứ ai”. Và theo cụ Sang, ông tổng thống Ngô Đình Diệm của chế độ Việt Nam Cộng Hòa cũng không phải là ngoại lệ. Cụ Sang kể lại rằng, từ khi lập miếu thờ Thiên Cẩu, người dân đã gom góp tiền mua một khối đá cẩm thạch và thuê thợ đục đẽo thành một bức tượng Thiên Cẩu thanh thoát và uy nghi. Tuy quý như thế, nhưng tượng Thiên Cẩu được đặt ngay đầu làng. Dù vậy vẫn không có ai cả gan bén mảng đến lấy trộm. Vì hầu hết những người dám mạo phạm đến miếu đều bị chết “bất đắc kỳ tử”, hay gặp phải những tai ương vô cùng ghê gớm. Thế nên, bức tượng Thiên Cẩu được tạc bằng đá cẩm thạch nguyên khối vẫn nằm đó thách thức thời gian, bảo vệ sự hưng vượng cho cả làng.
Đến năm 1962, lúc này anh em Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Cẩn rất thuờng xuyên đi lại từ khu căn cứ Tân Mỹ (Thuận An) đến Tp. Huế. Làng Phổ Trung và Phổ Đông nằm trên tuyến đường Diệm và Cẩn hay đi. Một hôm, Ngô Đình Diệm vô tình nhìn thấy bức tượng Thiên cẩu bằng cẩm thạch nguyên khối vô cùng tuyệt mỹ, y tỏ ra vô cùng thích thú. Để chiều lòng anh trai, Ngô Đình Cẩn trong một lần quay lại Phổ Trung đã sai lính đạp phá miếu, ngang nhiên “bứng” bức tượng quý đi. Người dân tiếc vô cùng nhưng không dám làm gì. Lúc đó, một cụ già bước ra nói với Cẩn rằng: “Nếu ông không trả lại bức tượng Thiên Cẩu, thì gia đình ông sẽ bị báo ứng trong nay mai”. Ngô Đình Cẩn không tin, y cho rằng, thờ ở đâu cũng là thờ, tượng Thiên Cẩu mang lại hưng vượng cho làng này, thì ắt cũng mang lại may mắn cho y nên một mực cướp về. Sau Ngô Đình Cẩn bị kết án tử hình, gia đình Ngô Đình Diệm bị ám sát đã khiến người dân Phổ Trung càng thêm tin rằng, những kẻ dám mạo phạm miếu thiêng đã thực sự bị báo ứng.
Người dân tại Phú Trung còn lưu truyền một câu chuyện khác về sự linh ứng của miếu Thiên Cẩu. Theo đó, sau khi bị họ Ngô cướp mất tượng quý, dân trong làng liền góp tiền để xây lại miếu và dựng tượng mới. Tiền được giao cho một người thợ kép tài hoa nhất làng. Người Huế gọi những người chuyên nhào nặn, đúc xi măng thành tượng, tô vẽ rồng phượng, trang trí, … cho đình chùa là “thợ kép”. Ông thợ kép vì lòng tham, đã bớt xen nguyên vật liệu, xây miếu thiêng vô cùng sơ sài cẩu thả, khiến người dân vô cùng bất nhẫn. Nhưng chỉ vài ngày sau khi miếu khánh thành, vợ con ông thợ kép đi ngang qua miếu Thiên Cẩu liền bị một hoàn đá lớn lăn tới khiến hai người bị thương nặng. Cũng đêm hôm đó, ông thợ kép nằm chiêm bao thấy Thiên Cẩu về báo mộng rằng: “Ngươi chỉ vì chút lòng tham mà dám bớt xén lòng thành của người dân dành cho ta. Nay ta phạt vợ con ngươi, mai ta sẽ phạt tới ngươi”. Ông thợ kép thất kinh, giật mình dậy, liền trong đêm khuya ra miếu thiêng lập tức sửa miếu. Trong 7 ngày 7 đêm tô vẽ, xây trát liên tục, ông thợ kép đã sửa miếu trở nên to đẹp, tỉ mỉ hơn.
Tuy rất nhiều giai thoại quanh sự linh ứng của miếu thiêng, nhưng tại đây, không hề xảy ra việc lợi dụng thánh thần để mê tín dị đoan vì chính quyền địa phương luôn quan tâm quản lý. Ông Phạm Văn Giáo, Phó chủ tịch UBND xã Phổ Thượng, huyện Phổ Vang cho biết: "Miếu thờ Thiên Cẩu ở hai thôn Phổ Trung và Phổ Đông đã có từ xa xưa. Những giai thoại về Thiên Cẩu tại địa phương được người dân truyền tụng hàng chục năm qua. Tuy có hơi mơ hồ, nhuốm màu sắc huyền linh nhưng những câu chuyện trên là văn hóa tín ngưỡng của người dân hàng trăm năm qua. Đây là một nét văn hóa tâm linh đẹp và khác biệt nên địa phương luôn có chủ trương lưu giữ và duy trì”.
Kỳ tới : Huyền sử bi tráng và linh thiêng của chùa Đá Trắng tại Phú Yên