“Giải thiêng” lá ấn đền Trần: “Chỉ là chiếc ấn của nhà đền”

Theo GS Nguyễn Văn Huy, việc đóng ấn đền Trần vốn chỉ là một truyền thống địa phương nay đã bị “phóng đại” về quy mô, ý nghĩa đến mức gây hệ lụy về tâm linh.

Theo thời gian các nghi lễ văn hóa đều có thể biến đổi. Trường hợp biến đổi về ý nghĩa và quy mô phát ấn như ở đền Trần có phải là một biến đổi tiêu cực không, thưa ông?

Văn hóa luôn luôn biến đổi cho phù hợp với tâm lý và điều kiện sống ở mỗi thời đại. Các nghi lễ cũng có thể biến đổi. Những sự biến đổi đó phải thực sự do cộng đồng cùng nhau thảo luận và quyết định. Tránh hay giảm thiểu sự áp đặt càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên dù biến đổi như thế nào thì vẫn cần giữ cho được cái tinh thần cơ bản, cái chất của các nghi lễ.

Các nghi lễ ở đền Trần bây giờ làm hoành tráng hơn, to hơn. Và người ta bây giờ hướng trọng tâm đến du lịch. Đền trước kia chỉ thỏa mãn cho nhu cầu cộng đồng nhỏ ở địa phương. Nay đối tượng của nhà đền đã thay đổi, chủ yếu là khách thập phương thuộc đủ các tầng lớp xã hội khác nhau. Đó là sự thay đổi và phát triển.

Nhưng sự phát triển này lại quá nhanh, quá lớn mà nhà đền và các cơ quan hữu quan không dự tính nổi. Trong sự biến đổi này có cả những mặt tiêu cực. Điều lớn nhất, tôi muốn nhắc ở đây như một bài học, là người ta đã làm sai lệch về ý nghĩa của ấn đền Trần dẫn đến một cuộc “chạy sô” của xã hội.

Chắc chắn đấy không phải là ấn tín của triều đình, của các vua Trần. Đây chỉ là chiếc ấn của nhà đền để thực hiện nghi lễ của mình. Nó cũng giống ấn đóng bùa treo khắp nhà cần trấn yểm sự cố hoặc các bùa cầu may mang theo người. Có thời gian việc đóng ấn ở đền Trần trong ngày khai ấn lại do các quan chức nhà nước từ cấp cao cho đến cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện với ý nghĩa “khai ấn” mở đầu cho công việc của nhà nước. Việc làm sai lệch này trong nhiều năm dẫn đến nhiều hệ lụy về tâm linh mà bây giờ đang phải giải quyết.

Nhiều người đi xin ấn bức xúc khi bị đánh giá mang nặng tâm lý muốn “đánh quả”, “cầu quan chức”. Theo ông đánh giá như vậy có đúng không?

 

Bản ấn năm 2010 (trái) và năm 2011 - Ảnh: Ngọc Thắng

Như tôi nói ở trên, ban đầu ấn đền Trần chỉ là một biểu tượng cầu an cho cộng đồng địa phương, cho các gia đình trong khu vực. Nhưng để tuyên truyền, người ta đã “nâng cấp” ý nghĩa của ấn và việc khai ấn lên thành việc của triều đình nhà Trần, của lãnh đạo nhà nước đương đại. Do đó, một thông điệp ngầm về việc ấn đó mang lại quyền lực, sự may mắn về chức quyền cho người có được ấn trở thành điều hiển nhiên.

Điều đó lại phù hợp với tâm lý xã hội chạy đua lên các thang bậc khác nhau của chức quyền vốn gắn với bổng lộc. Các quan chức ở tỉnh, ở các tỉnh bạn và cả các ban ngành ở trung ương cũng đã từng nô nức về đền Trần đêm khai ấn chắc hẳn cũng chạy theo dòng thông điệp ngầm sai lầm này.

Nếu chỉ cầu an không thôi thì chẳng ai lại đi chen lấn đè bẹp nhau như chúng ta thấy. Những bức ảnh, các video clip đáng sợ và đáng buồn ghi lại không chỉ làm xấu hình ảnh của đất nước. Đáng suy nghĩ hơn, một bộ phận không nhỏ của xã hội đang nhắm mắt dựa dẫm vào những điều không thực để mưu cầu danh lợi. Không nên lợi dụng lịch sử và truyền thống để cổ súy cho những việc này.

Tôi nghĩ giải pháp không phát ấn vào đêm khai ấn là hợp lý. Có một cái ấn là nhu cầu thực cần được đáp ứng. Việc phát quanh năm sẽ tốt hơn là chỉ phát từ rằm đến hết tháng giêng. Ấn như một biểu tượng cầu may, cầu an cho những người hành hương đến đền Trần tại sao lại không phát được quanh năm? Đằng nào cũng chẳng ai có thể đóng hàng vạn ấn trong một đêm và chỉ một đêm vào giờ thiêng là giờ Tý. Tính thiêng không nằm ở đó, mà trước hết ở tâm. Linh thiêng ở cái tâm của ông thủ từ, người đóng ấn, người phát ấn và người nhận ấn trong không khí thiêng liêng của đền Trần. Nếu quan niệm như vậy thì việc phát ấn quanh năm là việc rất đáng nên làm. Ấn sẽ là một kỷ vật treo ở nhà sau một chuyến hành hương. Như thế, ấn sẽ là nét đẹp văn hóa chứ không phải là chiến tích có được sau một đêm xô đẩy, giành giật nhau.

Chữ gì được khắc trên bản ấn?

Các bản ấn năm 2010 chính giữa có bốn chữ “Trần miếu tự điển”, nghĩa là: “Điển lễ tế tự ở miếu Trần”, viền phía dưới khắc bốn chữ “Tích phúc vô cương”, nghĩa là “Ban phúc vô bờ”. Tuy nhiên, chữ “cương” (trong “Tích phúc vô cương”), phần bên phải khắc thiếu hẳn một nét “nhất”, phần bên trái khắc thiếu hẳn bộ “thổ”. Cho nên “Tích phúc vô cương” nghĩa là “ban phúc vô bờ” thành “tích phúc vô cường”, nghĩa là “ban phúc không mạnh” (!). Theo thạc sĩ Phạm Văn Ánh (Viện Văn học), bản ấn năm 2011 đã có đủ nét “Tích phúc vô cương” ở viền, nhưng những nét đậm lại bị mảnh và ngắn lại