“Vòng tròn kỳ lạ” được phát hiện dưới đáy biển
Năm 2012, một nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh đáy biển nổi tiếng người Nhật tên là Yoji Ookata đã khiến nhiều người bất ngờ khi công bố những bức ảnh về một vòng tròn bí ẩn nằm sâu dưới đáy đại dương.
Chính Yoji cũng không thể lý giải nổi điều mà mình đã trông thấy hay cái gì đã tạo nên nó. Những vòng tròn kỳ quái với đường kính khoảng 15cm này được tạo ra trên cát và được phát hiện ở độ sâu hơn 200 mét dưới đáy biển.
Cận cảnh vòng tròn kỳ lạ được phát hiện vào năm 2012.
Để tìm hiểu về nguồn gốc của những hình vẽ này, Ookata đã đưa một nhóm nghiên cứu của đồng nghiệp và nhóm đưa tin thuộc hiệp hội đài phát thanh Nhật Bản trở lại đáy biển để chụp ảnh những vòng tròn bí ẩn kia một lần nữa.
Sau một thời gian quan sát tỉ mỉ, các nhà khoa học đã phát hiện ra bí mật ẩn giấu sau những vòng tròn kia. Chúng không phải do con người tạo ra, càng không phải là sản phẩm của người ngoài hành tinh. Tác giả của những vòng tròn ký dị này chính là những chú cá Fugu nhỏ bé với chiều dài chỉ vài cm.
Tác giả của những vòng tròn này chính là những chú cá Fugu nhỏ bé.
Trước tiên, chúng bơi dưới đáy biển theo vòng tròn vài giờ đồng hồ, sau đó dùng vây vẽ nên những đường rãnh chỉ bằng một động tác giống nhau. Mục đích chính của việc làm này là thu hút bạn tình.
Được biết, cá Fugu cái sẽ bị những hình ảnh này thu hút và bơi đến đó. Khi giao phối cá Fugu cái sẽ đẻ trứng xuống trung tâm của vòng tròn này.
Những đường rãnh của vòng tròn đó sẽ trở thành khu vực giảm xung tự nhiên của dòng hải lưu, từ đó có thể bảo vệ trứng của chúng.
Âm thanh bí ẩn dưới đáy đại dương
Vào năm 1997, một loạt các thiết bị ghi âm dưới nước của Cục Quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) bất ngờ ghi nhận được một âm thanh bất thường trong lòng Thái Bình Dương.
Âm thanh kỳ lạ này được các nhà khoa học đặt tên là “Bloop” (Nghĩa là vòng lặp vô hạn) thường chỉ kéo dài khoảng 1 phút với tần số vô cùng thấp nhưng âm lượng lại lớn đến nỗi một thiết bị thu âm đặt cách đó hơn 5,000 km cũng có thể bắt được.
Âm thanh kỳ lạ được phát hiện có âm lượng cực lớn có thể phát ra
từ một loài động vật mới nào đó.
Điều lạ lùng là “Bloop” giống như được phát ra từ một loài động vật nào đó, nhưng với âm lượng như thế thì không động vật nào trên thế giới cho đến nay có thể tạo ra được.
Ngay cả gã khổng lồ của đại dương là cá voi xanh có thể phát ra âm thanh từ 150 - 180 decibels, tương đương với động cơ máy bay phản lực đang gầm rú, cũng chẳng thể nào so sánh được. Sau khi lặp đi lặp lại trong lòng biển suốt mùa hè, “Bloop” đột nhiên biến mất như lúc mới xuất hiện.
Tuy vậy, “Bloop” vẫn chưa phải là âm thanh kỳ bí nhất của đại dương. Vào tháng 5.1997, các thiết bị thu âm của chính phủ Mỹ lại bắt được một dạng âm thanh lạ lùng khác, gọi là “Slowdown”. Nó kéo dài khoảng 7 phút và dần dần giảm cao độ, giống như một chiếc phi cơ bay ngang rồi mất hút.
"Slowdown" dường như được phát ta từ một nơi nào đó tại bờ Tây Nam Mỹ và vang xa cách đó đến hơn 2.000 km. Giả thuyết được đưa ra trong trường hợp này là tiếng ồn phát ra từ quá trình nứt gãy băng ở Nam Cực. Tuy nhiên, giới khoa học vẫn chưa tìm thấy điểm chung trong các giả thuyết của mình và 2 bí mật này vẫn còn ám ảnh họ cho đến ngày nay.
Mới đây, những người hâm mộ truyền thuyết Cthulhu trong các bộ truyện kinh dị của nhà văn Mỹ Howard Phillips Lovecraft còn đưa ra ý kiến rằng con quái vật khổng lồ này đã phát ra “Bloop” khi đang ngái ngủ ở đâu đó trong lòng đại dương.
Nước ở Nam Cực biến mất một cách kỳ lạ
Những báo cáo mới nhất của cơ quan quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) cho thấy lượng nước ở dưới đáy biển Nam Cực (AABW) đang dần biến mất một cách khó hiểu với tỉ lệ trung bình khoảng 8 triệu tấn/giây.
Để có được kết quả này, các nhà hải dương học đã phải thu thập số liệu về vùng biển trên trong suốt hơn 30 năm (từ 1980 đến 2011).
Nước ở Nam Cực đang dần biến mất với tốc độ 8 triệu tấn/giây.
Khu vực phía dưới Nam Cực này từng được biết đến là vùng nước sâu nhất và lạnh nhất trên thế giới. Nước biển ở đây mặn và đặc hơn so với nước ở các vùng xung quanh nên đã chìm xuống đáy, chảy về hướng Bắc rồi lan ra khắp các đại dương trên thế giới. Tuy vậy, nguyên nhân khiến vùng nước này dần biến mất vẫn là bí ẩn đối với các nhà khoa học.
Nhà hải dương học Gregory C. Johnson tại phòng thí nghiệm môi trường biển Thái Bình Dương, thuộc NOAA cho biết: “Chúng tôi không chắc liệu tỉ lệ giảm dần này là một phần của chiều hướng thay đổi lâu dài hay của một chu kì”.
Trước đó cũng từng có các nghiên cứu chỉ ra rằng dòng hải lưu đến từ vùng nước này đang trở nên ấm hơn và nhạt đi. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển nhiệt và carbon quanh hành tinh, điều hòa khí hậu của Trái Đất.
Những thay đổi lớn về nhiệt độ, lượng muối, oxy hòa tan và carbon hòa tan trong vùng nước này tác động tới khí hậu Trái Đất, bao gồm cả vấn đề nước biển dâng và khí hậu nóng lên.