Không ít người giật mình thảng thốt và cho rằng, đó là một "ngày tai ương" chẳng khác gì quan niệm "thứ Sáu ngày 13", một quan niệm về sự trùng hợp kỳ lạ của những tai ương hoặc thảm họa ở phương Tây. Nhưng cũng không ít người đặt câu hỏi, phải chăng do yếu tố tia đất, môi trường vật lý xấu và chúng ta phản ứng chậm với những tai họa? Vậy thực hư ra sao?
Nỗi ám ảnh "họa vô đơn chí"
Ngày 16/12 (tức ngày 25/10 âm lịch) vừa qua được xem là "ngày kinh hoàng" với hàng loạt những vụ tai nạn giao thông, chìm xuồng... xảy ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Nhắc tới vụ chìm thuyền khiến 6 người thiệt mạng, dường như người dân xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vẫn chưa hết bàng hoàng. Ngày 16/12 đã trở thành ngày tang thương đối với vùng quê lúa vốn yên bình.
Công an khám nghiệm vụ chìm thuyền ở Thái Bình khiến 6 người thiệt mạng.
Người dân chưa hết bàng hoàng, xót thương thì ngay sau đó dư luận lại nhận được tin dữ về vụ tai nạn giao thông ở Quảng Ninh. Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 12h20 ngày 16/12, tại km 219+600 khu vực cầu nước mặn, địa phận xã Đông Hải, giáp ranh giữa địa phận huyện Tiên Yên và Đầm Hà (Quảng Ninh) giữa xe khách hãng Ka Long và xe container khiến 6 người chết và 12 người bị thương. Thời điểm xảy ra tai nạn, trên xe khách có khoảng hơn 20 người. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do xe container vào cua quá nhanh nên mất lái, va vào sườn xe khách gây ra vụ tai nạn. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành điều tra xác định để kết luận nguyên nhân gây ra thảm nạn.
Hiện trường vụ tai nạn ở Quảng Ninh khiến 6 người chết, 12 người bị thương.
Cũng trong ngày 16/12, thêm một vụ tai nạn diễn ra địa phận huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) làm 5 người chết và 4 người bị thương khiến cho bức tranh toàn cảnh về "ngày tai ương" ảm đạm hơn bao giờ hết. Ngày 17/12, Thượng tá Nguyễn Đức Chỉ, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, chiều tối 16/12, tại km 4+503 đường tuần tra biên giới thuộc địa phận thôn 56B, xã Đắk Pre, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam), xe quân sự QH-5976 do anh Phan Huy Sơn (31 tuổi) điều khiển chở theo anh Lê Khắc Hiếu (24 tuổi) ngồi trong cabin và 7 người khác là chiến sỹ nghĩa vụ thuộc Tiểu đoàn 885, Lữ đoàn 83 Hải quân. Khi đến địa điểm trên, do trời mưa, đường dốc, xe QH-5976 bất ngờ lao xuống vực sâu, lăn nhiều vòng khiến 5 người chết và 4 người khác bị thương.
Sau khi tai nạn xảy ra, một người trên xe gặp nạn đã bò ra khỏi vực và liên lạc báo với đơn vị. Tuy nhiên, do khu vực xe gặp nạn có địa hình hẻo lánh, ít dân cư và sóng điện thoại chập chờn, lại gặp trời mưa nên công tác cứu nạn gặp nhiều khó khăn.
Không thể phản ứng chậm với tai họa!
Cũng trong ngày 16/12, vụ sập hầm tại công trình thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) khiến 12 người mắc kẹt cho thấy, tai họa có thể ập đến bất kỳ lúc nào, nếu không có phương án ứng phó và giải quyết kịp thời thì hậu quả là khôn lường. Theo thông tin ban đầu, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 7h55 khi 30 công nhân đang đổ bê-tông vào hầm dẫn nước của công trình thủy điện. Một số người kịp chạy thoát ra ngoài, số còn lại chạy vào bên trong và bị kẹt lại. Suốt từ khi xảy ra sự cố, hơn 100 cán bộ, chiến sỹ đã cứu hộ rất vất vả trong điều kiện thời tiết xấu, mưa lớn để tìm sự sống cho các nạn nhân. Được biết, đường hầm có chiều dài khoảng 700m nhưng thi công được hơn 500m thì xảy ra tai nạn. Nguyên nhân ban đầu là do địa chất yếu cộng với mưa trong những ngày qua khiến đường hầm bị sập.
Sập hầm thuỷ điện ở Lâm Đồng khiến 12 người mắc kẹt.
Trao đổi với PV qua điện thoại, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: "Đã đình chỉ thi công đối với công trình hầm thuỷ điện Đạ Dâng. Có thể, nguyên nhân chính dẫn đến sập hầm là nền địa chất yếu. Yếu như thế nào thì cơ quan chức năng tiếp tục phải điều tra làm kỹ. Công việc hiện tại là khẩn trương cứu người mắc kẹt...". 12 công nhân thoát chết thần kỳ sau vụ sập hầm chính là điềm lành trong "ngày đen đủi".
Tất cả những vụ việc liên tiếp diễn ra trong ngày 16/12 được dư luận ví như "ngày đen đủi" ở phương Tây. Theo quan niệm ở các nước phương Tây, thứ Sáu ngày 13 - một sự kết hợp giữa ngày được coi là thiếu may mắn nhất trong tuần (thứ Sáu) và ngày xấu nhất trong tháng (ngày 13). Có nhiều bằng chứng cho thấy, đây là ngày thường xảy ra những chuyện rủi ro. Đặc biệt, theo khảo sát của một câu lạc bộ lái xe tại Đức, số vụ tai nạn giao thông trong ngày này tăng tới 60% so với thông thường. Tuy nhiên, trên thực tế, không chỉ riêng thứ Sáu ngày 13 được ví là "ngày đen đủi" mà có những ngày liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thảm khốc khiến dư luận ám ảnh và có những câu hỏi mang tính hồ nghi về yếu tố phong thuỷ, tia đất dẫn đến những tai họa bất ngờ như ngày 16/12 vừa qua.
Theo nhận định của ông Vũ Thế Khanh- Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA, những vụ tai nạn xảy ra liên tiếp trong ngày 16/12 không phải do "ngày xấu" như quan niệm trong dân gian. Tất cả những tai nạn đó có thể xét ở hai yếu tố nhân quả (tiền nghiệp) và yếu tố mất an toàn trong hệ thống về giao thông, môi trường, các thiết bị an toàn. Hai nhân duyên đó tạo ra xác suất gây ra tai nạn nhiều hơn. "Ngày xấu" có thể hiểu môi trường vật lý thay đổi (áp suất, khí quyển, gió mặt trời...) khiến con người đang khỏe bị ốm. Từ những vụ tai nạn cho thấy, chúng ta phản ứng chậm với những tai họa xảy ra chứ không nên đổ lỗi cho "ngày xấu".