Tính đến hết quý 1, Công ty Hoàng Anh Gia Lai chỉ có lợi nhuận sau thuế chưa đầy 6 tỷ đồng. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2011, công ty của bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai) lãi hơn 300 tỷ đồng. Ngoài lợi nhuận quý 1 giảm rất mạnh, cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai (HAG) còn chịu áp lực lớn với nhiều tin bất lợi như công ty nợ thuế hàng trăm tỷ đồng, nợ ngân hàng gần 5.700 tỷ đồng, bị Fitch hạ triển vọng xuống mức tiêu cực…
Tuy nhiên, ngược dòng với các tin tiêu cực, cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai vẫn tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm. Nếu tính riêng quý I, HAG tăng gần 40% giá trị, từ gần 20.000 đồng/cổ phiếu lên 28.000 đồng. Nếu tính 5 tháng đầu năm, mức tăng của cổ phiếu HAG thấp hơn nhưng cũng giúp tài sản của bầu Đức tăng hơn 2.500 tỷ đồng.
Tài sản bầu Đức vẫn tăng hơn 2.500 tỷ đồng bất chấp các tin đồn tiêu cực
Cùng thuộc nhóm bất động sản như Hoàng Anh Gia Lai, nhưng cổ phiếu của Chủ tịch Quốc Cường Gia Lai tiếp tục lao dốc, làm tài sản của bà Nguyễn Thị Như Loan bốc hơi 188 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm. Còn tài sản của ông Nguyễn Văn Đạt – Chủ tịch Công ty bất động sản Phát Đạt giảm 400 tỷ đồng.
Giải thích về sự “ngược dòng” của HAG trước các tin tiêu cực, ông Võ Trường Sơn – Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Hoàng Anh Gia Lai nêu ra 2 nhân tố. Thứ nhất, các dự án về thủy điện, cao su, khoáng sản tại Việt Nam và Lào của công ty này sắp có doanh thu thực. Điều này sẽ giúp Hoàng Anh Gia Lai tăng tỷ trọng dòng tiền bền vững, giảm sự phụ thuộc vào bất động sản. Những nhà đầu tư tổ chức nhìn thấy điều này và đây là nhân tố giúp HAG vững giá.
Thứ hai, mặc dù thị trường bất động sản chưa hồi phục mạnh nhưng các dự án của công ty vẫn có triển vọng bán tốt như dự án đất nền ở quận 9, quận 7… Vị lãnh đạo này cho rằng, các thông tin được coi là tiêu cực là không chính thức và ở dạng tin đồn. “Tôi không nghĩ điều đó tác động mạnh đến giá HAG. Các tổ chức lớn vẫn đặt lòng tin vào Hoàng Anh Gia Lai và đây là nhân tố giúp giá cổ phiếu tăng trưởng trong thời gian qua”, ông Sơn nhận định.
Người phụ trách tài chính của bầu Đức nói thêm, nhà đầu tư không nên kỳ vọng lợi nhuận đột biến của Hoàng Anh Gia Lai trong năm nay bởi dòng tiền ổn định từ cao su, thủy điện, khoáng sản chỉ đến từ 2013.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Bảo – Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Bản Việt đưa ra 3 nguyên nhân khiến giá HAG tăng mạnh. Thứ nhất, kể từ đầu năm thị trường chứng khoán nói chung tăng điểm khá mạnh và giá HAG lên theo đà này. Thứ hai, một số dự án bất động sản của Hoàng Anh Gia Lai công bố giảm giá mạnh và nhận được sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư, hứa hẹn việc bán tốt và doanh thu có thể cải thiện trong thời gian tới. Thứ ba, lãi vay đang giảm và Hoàng Anh Gia Lai sẽ giảm bớt chi phí tài chính nên triển vọng về lợi nhuận cũng tốt hơn.
Chuyên gia về chứng khoán này còn bổ sung, so với các công ty bất động sản khác, tỷ lệ vay nợ của Hoàng Anh Gia Lai ít hơn, doanh thu từ các ngành nghề thay thế bất động sản có triển vọng tốt là lý do giúp cổ phiếu HAG tăng mạnh so với các chứng khoán cùng ngành.
Trong khi đó, năm 2011, kết quả kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai tốt hơn nhiều so với 2012, kèm nhiều tin tích cực của bầu Đức nhưng giá cổ phiếu vẫn lao dốc rất mạnh. Theo kế hoạch, lợi nhuận cả năm 2012 chỉ khoảng 1.200 tỷ đồng, trong khi thực hiện 2011 là 1.700 tỷ đồng. Trong năm trước, bầu Đức được Wall Street Journal bình chọn là doanh nhân quyền lực Đông Nam Á (ASEAN); ông còn là đại diện duy nhất của Việt Nam dự giải thưởng Doanh nhân toàn cầu tại Monte Carlo, Monaco…
Khi giá cổ phiếu HAG giảm mạnh, hàng loạt VIP của Hoàng Anh Gia Lai từ bầu Đức, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, các thành viên hội đồng quản trị… đồng loạt công bố mua thêm HAG. Thế nhưng, bất chấp các tin tốt cùng nỗ lực cứu giá của các VIP Hoàng Anh Gia Lai, giá HAG lao dốc rất mạnh và mất tới 75% giá trị trong năm 2011. Điều này khiến tài sản của bầu Đức bốc hơi gần 7.000 tỷ đồng.