Chúng tôi đã được bà con ở thôn Thọ Sơn - xã Quảng Đông - huyện Quảng Trạch lý giải khá rõ về ngọn núi đặc biệt này.
Ngọn núi Đại tướng sẽ yên giấc ngàn thu có tên chính thức là núi U Voi bởi nhìn trong cả dải núi chạy dài, ngọn núi này có dáng dấp của phần u của một con voi.
Trưởng thôn Thọ Sơn - ông Trần Ngọc Tri cho biết, núi UVoi nằm trong dải núi Rồng. Sở dĩ, có cái tên núi Rồng là bởi phần đầu của dải núi vô tình có 2 chiếc hang được ví tựa mắt của con rồng. Đây là 2 chiếc hang khá lớn, có vòm hang rộng từ 7 -10m, sâu chừng 30m. Hang không có những nhũ đá mà khá phẳng phiu, người dân vùng biển này vẫn thường vào đây để tham quan.
Theo ông Tri, dải núi Rồng gồm nhiều ngọn núi thấp uốn lượn quanh eo biển. Phía trước dãy núi này là đảo Yến và bãi biển Vũng Chùa, xa xa là cảng Hòn La tạo thành một quần thể khá hữu tình. Nếu nhìn cả dãy núi này thì vị trí an táng của Đại tướng nằm ở "cổ rồng".
Còn cái tên Vũng Chùa được ông Tri và nhiều người dân giải thích rằng, xa xưa, ở ngoài đảo Yến có một ngôi chùa cổ nằm gần ven mặt nước. Ngày còn nhỏ, ông Tri đã thấy ngôi chùa này nhưng thời gian đã khiến nó không còn nguyên vẹn. Vùng biển trước mặt dãy núi Rồng là một "bãi ngang" và đảo Yến là nơi mà tàu thuyền hay ghé vào trú ẩn mỗi khi có bão về. Nhiều người dân ở Thọ Sơn cho rằng ngôi chùa là nơi để những người dân đi biển ghé qua cầu cúng cho những chuyến ra khơiđược thuận buồm xuôi gió, cá tôm đầy lưới.
Còn đảo Yến cũng có nhiều tên gọi khác nhau. Xưa kia, nó từng được gọi là đảo Nồm vì nó nằm từ hướng gió nồm thổi tới. Và nó cũng từng được gọi là "đảo chùa" vì có ngôi chùa cổ như đã nói ở trên. Còn đảo Yến cũng là một tên gọi từ lâu bởi trên đảo này có rất nhiều chim yến làm tổ và trú ngụ. Ngày nay, cái tên "đảo Yến" được dùng nhiều hơn cả bởi nơi này giờ được một đơn vị nuôi chim yến khai thác khá hiệu quả.
Ông Nguyễn Ngọc Tri cho rằng xã Quảng Đông là một vùng đất linh thiêng bởi hiếm có nơi nào mà trong một xã có đến mấy chục ngôi miếu, đền và am thờ. Cứ đi vài trăm mét lại có một nơi để thờ.
Thời xưa, trên dãy núi Rồng cũng có 2 ngôi miếu được đặt ở phần "đầu rồng" và "đuôi rồng". Tiếc rằng, những năm kháng chiến chống Mỹ, máy bay địch rải thảm bom qua nơi này đã khiến 2 ngôi miếu bị sập hoàn toàn.
Cũng theo ông Tri, bản thân ông và tất cả những người dân ở xã Quảng Đông đều bất ngờ trước tin Đại tướng sẽ về yên nghỉ tại Vũng Chùa. Đến ngày 7/10, ông Tri và dân làng mới được biết tin quê hương mình được đón Đại tướng về với đất mẹ. Theo nhiều người dân ở Quảng Đông thì khu vực Đại tướng được chọn để an táng đã được xây dựng một số hạng mục cách đây gần chục năm. Cụ thể tại đây có một căn nhà sàn, một ngôi nhà 2 tầng diện tích lớn và một miếu thờ đã được xây dựng hoàn tất.
Chỉ có đường vào trước kia là một con đường đất đỏ nhỏ, chỉ vừa cho những chiếc xe chở ít người đi vào. Cho đến ngày 8/10 thì con đường này mới chính thức được thi công, mở rộng…và bỗng nhiên thôn Thọ Sơn - xã Quảng Đông trở nên tấp nập đến không ngờ.
Cảng Hòn La kề sát dãy núi Rồng
Rặng bạch đàn bao quanh nơi Đại tướng yên nghỉ
Bờ cát yên bình trải dài bên mé phải dãy núi Rồng
Vẻ đẹp hoang sơ dưới chân núi Rồng