Người dân không đổ xô đi mua vàng, vàng miếng đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) độc quyền sản xuất; tỷ giá ổn định... Những yếu tố dẫn đến sốt vàng không có nhưng giá vàng trong nước vẫn bị đẩy lên cao từ 2 - 3 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới.
Hụt vàng vì... cơ chế "đãi ngộ riêng"
Đối tượng chính trong đợt gom vàng lần này là các NH thương mại. Vàng đưa ra thị trường bao nhiêu, họ "hút" vào bấy nhiêu. Chưa hết, dù chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là tới ngày phải dừng huy động vốn bằng vàng theo quy định của NHNN nhưng nhiều NH lớn như Sacombank, ACB, Eximbank... vẫn tăng lãi suất vàng để hấp dẫn người gửi. Lý giải về cơn khát vàng của các NH, hầu hết ý kiến tập trung vào lý do giá vàng tăng cao, người dân rút vàng bán chốt lời và việc chuyển vàng thành tiền đồng để cho vay lãi suất cao kiếm lợi nhuận trước đó khiến các NH bị "hụt" vàng nên phải tăng mua để bù vào. Lý giải này hợp lý, nhưng chưa đủ và phản ánh hết được bản chất và những rủi ro trong hoạt động kinh doanh vàng của các NH thương mại hiện nay. Bản chất của việc này nằm ở khâu quản lý của NHNN.
Nghĩa là SJC để giá bao nhiêu, giá thị trường được xác định là bấy nhiêu. Vậy ai có thể neo giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới từ 2 - 3 triệu đồng/lượng nói trên? NHNN vừa là cơ quan quản lý, vừa trực tiếp việc sản xuất, tại sao không ấn định giá vàng mà để khoảng cách vô lý như vậy
Cách đây hơn 1 năm, NHNN cho phép 5 NH bán vàng (nhóm G5) để bình ổn thị trường với tỷ lệ 40%/tổng lượng vàng huy động được. Nếu huy động được 1.000 lượng vàng, NH được phép bán ra 400 lượng. Thời điểm đó, lãi suất tiết kiệm tiền đồng rất cao, lên tới 18 - 20%, lãi suất cho vay trung bình cũng 25 - 28%, lãi suất trên thị trường liên NH (nơi các NH được vay mượn vốn của nhau) còn nóng hơn, có thời điểm bị đẩy lên tới 30 - 35%. Chỉ tính riêng chuyện chuyển vàng thành tiền đồng đi gửi ở tổ chức tín dụng khác hay cho vay, nhóm này cũng lãi lớn.
Đơn cử tại NH ACB, trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2012, chứng chỉ tiền gửi bằng vàng lên tới 48.103 tỉ đồng, tổng tài sản bằng vàng là gần 53.000 tỉ đồng. Nếu chỉ bán 40% vàng huy động nói trên theo quy định, ACB có được số vốn tiền mặt trên 20.000 tỉ đồng để đi gửi hoặc cho vay kiếm lợi. Như vậy, càng huy động vàng được nhiều, ACB hay các thành viên trong nhóm G5 càng kiếm lợi lớn. Đó là lý do vì sao nhóm này luôn dẫn đầu trong cuộc tăng lãi suất vàng trong suốt thời gian qua.
Điều đáng nói là, nếu càng bán nhiều, cơ hội kiếm lợi càng lớn trong khi giám sát việc thực hiện tỷ lệ này không hề được nhắc đến. Vậy thì liệu các NH này có thực hiện đúng tỷ lệ bán ra 40% số vàng huy động hay không? Đến thời điểm này chưa thấy một báo cáo giám sát nào của đơn vị quản lý về việc này, kèm theo cơn khát vàng đến mức khó hiểu như nói trên, nghi vấn hoàn toàn có thể đặt ra.
Ngoài 40% vàng trực tiếp bán ra như nói trên, 60% số vàng huy động còn lại được các NH sử dụng để làm gì, không hề được nhắc đến? Nhưng đọc trên báo cáo tài chính của các NH có thể thấy, họ đã sử dụng số vàng này để cho vay. Điều này cũng dễ hiểu, không có NH nào dại dột để số vốn cực lớn này "chết" trong két, nhất là trong bối cảnh khan hiếm tiền mặt như thời gian qua. Cho vay thì đến khi đáo hạn, đối tác phải trả lại vàng. Nhưng việc giá vàng tăng mạnh bất ngờ như vừa qua, khả năng trả vàng đúng hạn của các đối tác là rất khó. Nhất là ký quỹ vay vàng theo báo cáo tài chính của các ngân hàng có cả cổ phiếu, chứng thư bảo lãnh, tài sản đảm bảo khác... Những tài sản này được định giá thế nào, đã mất giá ra sao, tỷ lệ vay bao nhiêu, ai được thực hiện các hợp đồng dạng này... đều không được thuyết minh một cách công khai. Đây là lý do góp thêm vào tình trạng hụt vàng của các NH hiện nay.
Chính sách tạo độc quyền cho nhóm G5 trong việc được bán vàng, được mở tài khoản mua - bán vàng ở nước ngoài tạo nhiều cơ hội cho nhóm này kiếm lợi nhuận. Nhưng việc giá vàng lội ngược dòng, tăng mạnh ngoài dự đoán đã khiến nhóm này rơi vào thế hụt vàng, phải lao vào gom vàng, đẩy giá vàng lên cao như hiện nay. Có thể thấy, họ đã bị "gậy ông đập lưng ông" từ chính cơ chế "đãi ngộ riêng" như nói trên.
Độc quyền, khó giảm giá
Chọn độc quyền sản xuất vàng miếng làm giải pháp để quản lý và bình ổn giá vàng, có thể nói, NHNN đã sai “thuốc”. Minh chứng rõ ràng nhất là 4 tháng kể từ khi đơn vị này thực hiện chính sách độc quyền nói trên, giá vàng trong nước đã bỏ xa giá thế giới từ 2 - 3 triệu đồng.
Một chuyên gia vàng phân tích, các NH đang hụt vàng và đứng trước áp lực phải gom vàng bằng mọi cách. Trong khi vàng trên thị trường chỉ còn duy nhất SJC, vậy có lý do gì để thương hiệu vàng này giảm giá? "Không còn cạnh tranh thì tội gì không để giá cao, kiếm lợi? Nhất là dưới áp lực tạm ngưng huy động và chuyển NHNN quản lý vàng huy động vào ngày 25.11, nếu SJC có để giá cao hơn nữa, các NH cũng vẫn phải mua. Chúng ta cứ nói giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới 2 - 3 triệu đồng nhưng vàng trong nước chính là SJC. Hay nói cách khác, giá vàng SJC cũng là giá thị trường. Nghĩa là SJC để giá bao nhiêu, giá thị trường được xác định là bấy nhiêu. Vậy ai có thể neo giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới từ 2 - 3 triệu đồng/lượng nói trên? NHNN vừa là cơ quan quản lý, vừa trực tiếp việc sản xuất, tại sao không ấn định giá vàng mà để khoảng cách vô lý như vậy" - chuyên gia này bức xúc.
Thực tế đã chứng minh, tất cả những mặt hàng độc quyền trên thị trường như điện, xăng... giá đều cao và đều thiếu minh bạch. Độc quyền chính là mảnh đất màu mỡ tạo ra các khe hở để làm giá. Đến thời điểm này, có thể khẳng định, giải pháp độc quyền sản xuất vàng miếng của NHNN đã bộc lộ quá nhiều bất cập và hệ lụy. Không những không giải quyết được các vấn đề trên thị trường vàng mà còn kéo theo một loạt các vấn đề nảy sinh thêm như vàng giả SJC (SJC trở thành thương hiệu vàng duy nhất); tạo cửa đầu cơ, làm giá...
Như vậy có thể thấy, cơn khát vàng đột biến từ các NH hiện nay, độ vênh quá lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới... nguyên nhân lớn nhất là từ chính các cơ chế, chính sách quản lý bất cập của NHNN. Điều này còn kéo theo những rủi ro rất lớn phía sau...