Giải mã cây hóa đá triệu USD xôn xao dư luận (Kỳ 2)

Tôi thận trọng đưa tay sờ thử vào cây hóa thạch triệu đô, cảm giác từ cây đá toát ra hơi lành lạnh.

Có vẻ như một cây hoa sim, hoa mua, hay cây đa, cây sanh gì đó. Hoặc như nhận định thận trọng của một vị PGS. TS đã cất công từ Hà Nội về làng Tráng (xã Lâm Xa, huyện Bá Thước, Thanh Hóa), tận mắt chứng kiến khóm đá này, đây là một cây “loài dâu, họ đa”.

Ở khóm cây này, có nơi màu sắc hơi xỉn thẫm nhưng không phải gạch nung non lửa, nhưng bằng trực quan, có thể khẳng định, tất cả lá, vân thớ, tán, cành, quả, gốc rễ… đều có màu sắc và sự cứng rắn như đá.

Tất cả những điều mắt thấy, tai nghe, tay sờ đều khiến cho những người hiếu sự chúng tôi ngỡ ngàng. Còn đang tận hưởng phút giây chiêm ngưỡng kiệt tác của thiên nhiên, bỗng sống lưng của tôi chợt lạnh toát khi cầm chiếc lá đá bị vỡ để chụp ảnh.

Những chiếc lá dày dặn hơn nhiều lần so với kích thước thực của nó, nhưng còn nguyên rãnh lốt như vừa rút xương lá đi. Từ khe giữa chiếc lá đá rơi ra một mẩu lá khô như mảnh giấy vụn. Khe ấy cũng bằng nhẵn rõ nét tương tự những miếng bùn khô quen gặp ở bờ ruộng khi rút chiếc lá lúa bám vào.

Tại sao trên mảnh vỡ của một chiếc lá to và dày như nửa bàn tay, lại còn bóc được cả mủn của chiếc lá thực từ “ngàn vạn năm trước”? Trong đầu tôi chợt lóe lên một suy nghĩ.

Bởi dẫu run sợ trước tạo hóa, thiên nhiên kỳ diệu, nhưng con người trần tục như tôi không thể tin rằng, sau một vài triệu năm gì đó, một phần chiếc lá hóa thạch vẫn là xenlulô, thật thà đến độ có thể châm lửa lên đốt cháy được.

Giữa kẽ chiếc lá đá vẫn còn nguyên mẩu lá khô

Từng tận mắt thấy tay sờ nhiều thân cây to lớn người ôm không nổi, dài hàng chục mét bị hóa thạch khi đi điền dã trên dãy núi Hoàng Liên Sơn, tôi thấy hóa thạch cứng nhắc, trơ trơ chứ không đẹp và sinh động như thế này. Triệu Đô còn nguyên vẹn dáng cây, lá còn bám chặt vào cành, từng chiếc cành vươn ra như còn sức sống.

Gõ, búng vào thân hay lá cây, nghe phát ra tiếng kêu lanh tanh, lộp bộp, có cảm giác rất dày cứng nhưng bên trong có độ xốp rỗng, không phải như đá phiến. Chẳng cần tháp tùng những nhà khoa học chuyên ngành đầy kinh nghiệm đến xem Triệu Đô, sự nghi ngờ cũng đã nhen nhóm hình thành và dần mạnh lên như một sự ám ảnh.

Hóa thạch cây cổ thụ hàng triệu năm tại Sa Pa (Lào Cai)

Vì vậy, cả năm qua tôi âm thầm đi tìm lời giải về những bí ẩn đang bủa vây Triệu Đô. Không thường xuyên, liên tục, nhưng hễ có cơ hội là tôi ra sức tìm hiểu.

Việc đầu tiên của tôi là vứt bài báo đã viết xong vào một góc, bởi chưa tìm được bản chất vấn đề thì chưa thể công bố. Việc thứ hai là bốc máy điện thoại “a lô” và tìm gặp một số người trong giới chơi cổ vật, rất am tường chuyện đồ cổ, giả cổ, đồ giả ở xứ Thanh.

Nhiều cây hóa thạch rất đẹp

Một tay chơi từng lăn lộn với cổ vật xứ Thanh lâu năm cứ liên tục há hốc mồm khi nghe về cây hóa đá. Gã khẳng định chưa từng gặp thứ gì kỳ lạ như thế, dẫu đã từng đào nát các miền đất cổ xứ Thanh, lang bạt kỳ hồ khắp trong Nam ngoài Bắc.

“Trước đây, nghề của tôi là phục chế những cổ vật bị hỏng hoặc không còn nguyên vẹn, làm cho nó y như thật rồi lén lút buôn bán kiếm lời. Tôi từng phục chế cả chục chiếc trống đồng, chôn xuống đất, rồi lợi dụng lúc tranh tối tranh sáng nhộm nhoạm mà lừa gạt đám dân chơi thiếu kiến thức. Các đồ sành sứ cũng vậy, làm tuốt.

Giới ma mãnh trong nghề kim loại, sành sứ tôi quen cũng không ít, nhưng quả thật chưa từng nghe nói đến tên ai hay nhóm nào hành nghề làm giả cây cảnh cổ đại.

Có lý nào chúng có công nghệ mới, tiên tiến được du nhập từ nước ngoài mà tôi chưa biết? Hay là chúng sử dụng hóa chất như cách bộ đội ta nhanh chóng làm cứng nền đường đất để cho xe đi trong chiến tranh chống Mỹ? Tôi sẽ tìm hiểu và sớm có thông tin trở lại cho chú”- gã giang hồ gác kiếm vê vê mãi những cọng râu trên chiếc cằm lưỡi cày nói với tôi như vậy.

Có vẻ như gã buồn rầu vì không giúp được tôi thì ít, mà sự tự ái trong “máu nghề nghiệp” của gã đang hừng hực sôi lên thì nhiều.



"Cây hóa đá" rao bán trên mạng

Bẵng đi một thời gian, thỉnh thoảng trên mạng lại thấy có những thông tin về nơi này nơi nọ ở nước ta xuất hiện những báu vật kỳ lạ, là những cây hóa thạch. Những báu vật đó hình thù và bản chất cũng chẳng khác gì Triệu Đô, nhưng xem ra thì không có vóc dáng và đường nét gây choáng ngợp bằng. Nhưng điều đó cũng đủ để khẳng định: Triệu Đô không phải là một, là riêng, là độc nhất vô nhị như người ta vẫn tưởng.

Lại một chuyến công tác khác hồi đầu năm, tình cờ quen thêm một số người bạn mới tại thị trấn Cành Nàng (Bá Thước). Tại quán ăn nhỏ, trong lúc rượu tây tây, tôi có loáng thoáng nghe ai đó nhắc đến cây cảnh hóa đá Triệu Đô. Thì ra là anh bạn tên Nguyễn Văn H. (SN 1970), đầu trọc, đang cười nói phớ lớ. Thấy tôi quan tâm, anh ta chẳng ngần ngại nói oang oang về các cây hóa đá.

Lẫn trong hóa thạch, có hạt cây khô

H. cười ha hả: “Cứ uống rượu đi, rồi tôi dẫn đến xem cây cảnh hóa đá. Thiếu gì cây như thế ở đất này. Muốn bao nhiêu thì có bấy nhiêu, hàng trăm cây cũng có. Có gì mà độc nhất với chả vô nhị. Tôi đã bán hàng chục cây cho khách khắp trong Nam ngoài Bắc, khối cây còn đẹp hơn. Chú có thích anh tặng chú vài cây”.

Rồi như để cho đôi mắt đang tròn dẹt và cái mồm há hốc của tôi đỡ chiếu thẳng vào mình, H. mở điện thoại cho tôi xem ảnh hàng lố cây hóa đá của mình. Những cây đá khá đẹp, sống động như cây cảnh với cành lá xum xuê, không khác Triệu Đô là mấy.

Nhưng rồi bữa rượu đó đang hồi cao hứng, cuối cùng ai cũng quá chén, sáng hôm sau lại phải về Hà Nội gấp, nên tôi chưa một lần đến xem “đống đá” của H. Chốt mấu quan trọng trong cuộc đi tìm bí ẩn của tôi tình cờ lại nảy sinh ngay quê hương ông Hoàng Văn Ngọc, chủ nhân của Triệu Đô.

Và tôi đã tìm ra chìa khóa để mở ra bí mật.

Còn tiếp...