Từ nhiều năm nay, tại quốc lộ 25, đoạn đi qua thôn Cẩm Thạch (xã Hòa Định Tây, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên) có 3 cây đa cổ thụ mọc thẳng hàng, mỗi gốc đa to đến năm người ôm, án ngữ ngay giữa đường. Xoay quanh sự tồn tại của ba gốc đa cổ thụ này là những tai nạn giao thông thương tâm.
Ba cây đa “bất khả xâm phạm”
Ông Nguyễn Kim Tiến (74 tuổi, ngụ thôn Cẩm Thạch) cho biết, 3 gốc đa này nằm trong cụm 5 cây đa có từ thời ông nội của ông, tức cách đây đã hơn 150 năm. Những năm 20 của thế kỉ XX, khi người Pháp đào mương lấy đất đắp đường thì 5 gốc đa đã to bằng một người ôm. Ban đầu hàng đa mọc tự nhiên có đến 5 cây, sau này bị sét đánh chỉ còn lại 3 cây. Ngày xưa 3 cây đa chỉ mọc ven con đường đất. Sau này con đường được mở rộng, 3 cây đa được giữ nguyên và hiên ngang nằm giữa đường. Con đường đang thẳng tắp, đến đoạn mấy cây đa mọc bỗng dưng chia làm hai chạy song song nhau.
Nhắc đến những tai nạn hi hữu từng xảy ra tại 3 gốc đa xấp xỉ tuổi ông nội mình, ông Tiến bỏ dở cả công việc nhà. Từ vẻ bình thản, gương mặt già nua của ông cụ tuổi thất thập bỗng nghiêm nghị: “Cây nằm giữa đường, với người lạ, xảy ra tai nạn giao thông là chuyện thường gặp. Người ta cho rằng vào đêm rằm, có thể nghe thấy được những tiếng rầm rì nói chuyện phát ra từ trong các ngọn cây”.
Năm 1993, một nhánh của gốc đa bị sét đánh rơi xuống chắn ngang đường. Thấy vậy nhưng người dân chẳng ai dám động đến vì sợ mang tai họa vào mình. Chính quyền địa phương phải huy động lực lượng đến dọn dẹp cành cây. Khi mang máy cưa đến chuẩn bị cắt cây thì máy tắt, máy lại đứt lưỡi cưa. Dân làng sợ hãi đến khuyên mọi người thắp hương cầu khấn, mới cắt được cành cây ra khỏi thân.
Có một sự thật khác là cơ quan chức năng buộc phải để cho 3 cây đa tồn tại vì chúng “bất khả xâm phạm”. Năm 2010, quốc lộ 25 được mở rộng và rải nhựa, ba gốc đa cổ thụ ven đường trở thành chướng ngại vật phải phá bỏ. Chính quyền địa phương và nhà thầu có ý định dùng máy đào, máy xúc để nhổ ba gốc đa này. Tuy nhiên cứ khi đưa máy móc đến để bứng cây, máy móc nào cũng nhiều lần đột nhiên tắt máy. Cho rằng 3 gốc đa là nơi trú ngụ của “ma quỷ, thần linh”, người ta buộc phải bỏ ý định. Cơ quan chức năng đành phải xây thêm một làn đường khác phía bên kia. Một bức tường bê tông thấp được xây xung quanh “bao vây” ba gốc đa.
Liên tiếp tai nạn
Một trong những vụ tai nạn xảy ra tại đây, mà đến nay người dân thôn Cẩm Thạch vẫn chưa thể quên, đó là vào năm 1997. Khi đó có một người tài xế lái xe tải chạy đến đoạn ba cây đa thì bỗng nhiên xe chết máy. Vì không có phương tiện nào lai dắt được, anh đành phải tự sửa chữa.
Thế nhưng khi đang nằm dưới gầm xe thì một chiếc xe tải khác đang đi bỗng nhiên mất lái lao thẳng tới chiếc xe đang sửa. Cú đẩy khiến chiếc xe hỏng dịch chuyển mạnh, tài xế bị đè bẹp dưới gầm xe.
Sự việc chưa lắng xuống thì 3 năm sau, người dân thôn Cẩm Thạch chứng kiến một tai nạn bi thảm tiếp theo. Vụ tai nạn xe máy lấy đi hai mạng người trong thôn, khiến thôn nghèo chìm trong cảnh tang thương. Ông Thái Văn Vui (53 tuổi), người may mắn sống sót trong vụ tai nạn năm xưa giờ vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông Vui cho biết, vào một chiều đầu tháng 12/2000, ông cùng hai người bạn là ông Trương Đa (SN 1957) và ông Lê Văn Thanh (SN 1960) đi nhậu đến tối mới về. Chiếc xe máy chở ba người do ông Đa cầm lái, khi đi đến đoạn đường trên thì lao thẳng vào gốc đa. Ông Đa và ông Thanh chết tại chỗ, chiếc xe máy nát vụn. Ông Vui ngồi sau văng lên cành cây, rồi rơi xuống phía trước 10 mét. Cú va chạm mạnh đến thế, nhưng không hiểu sao ông vẫn may mắn thoát chết.
Bà Nguyễn Thị Nhẽo (71 tuổi) người sống ở gần 3 gốc đa kể lại, sau đêm tai nạn làm ông Đa và ông Thanh chết, những nhà xung quanh ba gốc đa không thể nào chợp mắt được khi trên những tán cây đa luôn vang tiếng rầm rì nói chuyện, tiếng khóc nỉ non, dù đó chỉ là tâm lý sợ hãi khiến thần hồn nát thần tính. Một số lời đồn đại còn cho rằng có người nhìn thấy những dải khăn trắng từ ngọn cây thòng xuống.
Việc đắp mả cho hai người đàn ông chết vì tai nạn nói trên chưa hoàn thành, mọi người lại giật mình khi chứng kiến một người đàn ông khác đi xe máy đâm vào gốc cổ thụ đến bất tỉnh.
Nửa năm sau, một vụ tai nạn khác lại xảy ra ngay cạnh ba gốc đa. Một người phụ nữ đi xe máy chở theo hai đứa bé qua đoạn đường này bỗng nhiên ngoái đầu nhìn lại ba gốc đa khiến xe lao thẳng xuống mương. Người mẹ cùng đứa con lớn được dân làng lao tới cứu sống, nhưng đứa trẻ 8 tháng tuổi thì bị chết đuối.
Nỗi sợ hãi lên đến đỉnh điểm khi ít lâu sau, có một “thầy cúng” đi đến đoạn đường này thì đột nhiên dừng xe để làm chuyện gì chẳng rõ. Lát sau chẳng thấy ông này trở lại, đổ xô đi tìm, thấy người này đã chết đuối dưới mương. Giờ đây không chỉ 3 cây đa bị “ma ám”, mà mương nước cũng bị “ma ám”, nhiều người chạy xe đến đoạn đường này rồi lao thẳng xuống mương mà chẳng hiểu vì sao.
“Giải mã” 3 cây đa “ma ám”
Bấm tay đếm sơ sơ, bà Nhẽo đã nhớ ít nhất hơn 20 vụ tai nạn giao thông đã xảy ra quanh 3 gốc đa. Một quy luật được bà cụ và những người dân xung quanh rút ra là khi đi xuôi đường, người ta thường lao mình xuống khu vực cánh đồng, nhà dân. Còn khi đi từ dưới xuôi lên, người đi đường thường lao thẳng xuống mương. Lý giải cho sự lạ này, người mê tín dị đoan cho rằng đó là “xui khiến của những hồn ma trú ngụ trong ba cây cổ thụ”. Những câu chuyện ma quỷ bị thêu dệt mỗi ngày càng nhiều, dân cầu cơ (số đề, cờ bạc – PV) vì thế cũng lần mò tìm đến đây nhiều hơn.
Tuy nhiên có nhiều ý kiến khác cho rằng thực ra chẳng có “ma quỷ” nào quanh câu chuyện này. Tất cả chỉ vì nguyên nhân đường sá thiết kế bất hợp lý. Ví dụ nguyên nhân trong vụ tai nạn khiến hai người bạn của ông ra đi mãi mãi, là vì không làm chủ được tay lái. Ông nói: “Buổi chiều hôm đó, sau khi nhậu say thì ba người đi chung trên chiếc xe máy loại Dream Trung Quốc mới, vốn còn khá nhạy. Xe mới và chạy bốc nên ông Đa đi với tốc độ khá cao. Thêm vào đó trời mưa lất phất nên tầm nhìn bị hạn chế, chiếc xe ôm cua không kịp đã lao thẳng vào gốc cây”.
Theo quan sát của chúng tôi, ba gốc đa cổ thụ nằm án ngữ ngay trên con đường quốc lộ nối tỉnh Phú Yên và tỉnh Gia Lai, nơi nhiều phương tiện qua lại. Hình ảnh 3 cây đa án ngữ giữa đường vô duyên vô lý dễ gây hiếu kỳ cho mọi người ngoái lại nhìn, dẫn đến lạc tay lái. Hơn nữa, 3 gốc đa nằm ngay trên đoạn cua khiến bất kỳ ai đi qua đây nếu bất cẩn cũng đều có thể gây tai nạn. Chưa kể đến yếu tố đường bị bó hẹp khi một bên là con mương sâu và bên kia lại là khu vực trũng nơi có nhà dân sinh sống. Nếu ai không bẻ cua kịp thời thì tất yếu dễ đâm vào gốc cây giữa đường.
Ông Trần Dư, Trưởng thôn Cẩm Thạch, nhận định: “Những chuyện về hồn ma trú ngụ trên ba cây đa và hiện về những đêm trăng rằm tháng giêng và tháng 7 hằng năm chỉ là lời đồn truyền miệng”. Ông bổ sung thêm một lý do: “Những vụ tai nạn xảy ra còn có lý do tài xế vì say xỉn, hoặc đi quá tốc độ, gặp chướng ngại vật mà không làm chủ được tay lái”.