Họ sợ U19 Việt Nam sẽ bị “bớt yêu” hoặc tệ hơn là bị chỉ trích nặng nề. Nhưng kỳ thật, ở thời điểm này, người đáng lo nhất, đáng động viên nhất phải là bầu Đức.
Chuyện chê các cầu thủ U19, đương nhiên là không thể tránh khỏi bởi chuyện yêu, ghét hoặc thích phân tích là quyền và cảm nhận riêng của mỗi người hâm mộ. Không thể bắt họ bỏ tiền mua vé, bắt họ xem bóng đá rồi bắt họ yêu ghét theo định hướng được.
Nhưng công bằng mà nói, chẳng thể chê trách gì các cầu thủ U19 Việt Nam ở giải đấu này được. Họ đã làm rất tốt những gì được học. Chuyền bóng, chơi bóng theo nhóm, kỹ năng giữ bóng... tập ra sao thì chơi như vậy, chẳng thể đòi hỏi gì hơn, thậm chí nếu chỉ xét các kỹ năng này, U19 Việt Nam thậm chí còn nhỉnh hơn các cầu thủ đến từ châu Âu.
Điểm khác biệt tạo nên các trận thua của U19 Việt Nam khổ thay lại chính là điều khiến cho các cầu thủ được yêu mến. Đó chính là sự trong trẻo, hồn nhiên trong cách chơi. Nếu so với các đội bóng tham dự, cụ thể là U19 Nhật, họ là tinh hoa của toàn bộ lứa U19 trên đất Nhật. Các cầu thủ được tuyển chọn ở các giải đấu lứa U nhỏ hơn, nghĩa là, họ có kinh nghiệm về trận mạc, họ có sự va chạm ở các sân chơi mang tính chiến thuật và yêu cầu phải chiến thắng. Trong khi đó, dù mang tên là U19 Việt Nam nhưng kỳ thật, đây chỉ là lứa sản phẩm đầu tay từ học viện của bầu Đức có bổ sung chút đỉnh. Các cầu thủ sống trong môi trường học viện chưa ra ràng, họ ăn, tập, suy nghĩ và chơi thứ bóng đá cũng đúng kiểu “academic”.
Thế nên, hai trận thua và có thể sẽ tiếp tục là một trận thua nữa trước Tottenham chính là điều mà U19 Việt Nam cần thiết ở thời điểm này. Để các cầu thủ trẻ hiểu ra được rằng, những lời khen, sự yêu mến không ít xuất phát từ sự chán nản với bóng đá nước nhà và người hâm mộ cần một nơi để mà tin, mà yêu. Họ “vô tình” được đặt chỗ sẵn ở U19 vì tập luyện ở học viện nhưng để tiến xa hơn, khoác áo U23 hay đội tuyển quốc gia, họ còn phải cố gắng nhiều.
Hơn nữa, dân mình rất tình cảm, cứ thấy đội yếu, đội thua là lại thương bởi nếu không thương rất dễ thành người ác hoặc tệ hơn bị quy là không yêu nước. Nó vận luôn vào cả khẩu hiệu cổ động trên sân “Việt Nam cố lên” kia mà. Thế nên, các cầu thủ U19 chắc chắn sẽ nhận được sự bao dung, động viên, chí ít là ở thời điểm này.
Với bầu Đức lại là một câu chuyện khác. Nhìn cảnh ông bầu này ngồi tựa hẳn vào tường khi đội bóng lần lượt bị thủng lưới bàn thứ 5, thứ 6, thứ 7 mới thấy hẳn ông buồn lắm và người cần được động viên chính là ông. Hơn ai hết, bầu Đức hiểu rằng đội bóng U19 dưới sân kia đa phần là cầu thủ của ông, là công sức của ông.
Hai trận thua cho thấy, còn quá nhiều bài tính cần phải làm để sản phẩm từ lò đào tạo của bầu Đức có chất lượng tương đồng với các lò đào tạo khác để có thể cạnh tranh ở thị trường quốc tế, chí ít là ở châu lục này. Thực tế trên sân đã chứng minh, các cầu thủ U19 hay thì hay thật nhưng để nói là “nhứt xứ” như kiểu được tung hô bấy lâu còn là một khoảng cách. Sản phầm đầu tay chưa hoàn hảo, lỗ vốn là một chuyện, cái buồn của sự hụt hẫng mới đau.
Và rằng, khi mà lứa cầu thủ của ông chiến thắng, vô tình nó được hô biến là thành quả của VFF hoặc chí ít gắn với sự quan tâm của VFF cùng với những lời hứa hẹn. Nhưng giờ, khi mà những trận thua bắt đầu đến, khi mà con sốt qua đi, chắc chắn rằng những quan chức VFF sẽ quay lại với bài tính thực tế hơn, các lứa U Việt Nam sẽ được thành lập như thế nào để hài hoà các quyền lợi lẫn các mối quan hệ chằng chịt bên ngoài. Bầu Đức liệu lại có cảm thấy cô đơn như thời điểm đội bóng của ông liên quan đến trọng tài, khi ấy chẳng ai ở VFF muốn liên quan đến ông chứ đừng nói là sẻ chia.
Thái Lan đã từng có rồi dẹp học viện bóng đá vì kinh doanh không lối ra. Bầu Đức muốn chứng minh, mình sẽ thành công hơn người Thái, nhất là khi có sự hỗ trợ từ “ông anh” ở VFF và ông bầu đã từng hứa hẹn “quá dữ”, nên giờ, lo cho bầu Đức.