Trong căn nhà cấp 4 ở cuối xóm 3, xã Trung Sơn, anh Nguyễn Văn Điều (bố học sinh Nguyễn Văn Nam, 19 tuổi) đứng lặng bên bàn thờ con trai. Từ ngày cậu học trò lớp 12T7 THPT Đô Lương 1 (Nghệ An) hy sinh khi cứu 5 em nhỏ dưới dòng sông Lam, nhiều người tìm tới nhà chia buồn, cầu cho linh hồn Nam siêu thoát.
Thắp nén nhang cho vị ân nhân, 5 cậu học trò thất thần kể lại buổi chiều định mệnh 30/4. "Hôm đó chúng em rủ nhau ra sông Lam tắm. Thấy Đô chới với chỗ dòng nước sâu, em cùng Linh, Lương, Mạnh bơi ra cứu. Nước cuộn nên cả 5 đều sặc, không thể bơi vào bờ. Sau đó em không biết gì, khi tỉnh lại thấy mọi người bảo được anh Nam cứu, còn anh ấy đã hy sinh", Trần Quốc Mạnh (15 tuổi) nói.
Là người được cứu sau cùng, Nguyễn Hữu Đô run run cho hay, em biết bơi nhưng chưa thành thạo, chỉ nhớ lúc đang bị nước cuốn đi thì được một cánh tay túm lấy tóc. "Tỉnh lại mới biết vì cứu mình mà anh Nam thiệt mạng. Bây giờ em không biết nói gì nữa, chỉ biết nợ anh Nam một mạng sống...".
Nằm bệt trên giường, chị Nguyễn Thị Thanh (mẹ Nam) luôn miệng gọi tên con: "Nam ơi! Cứu được các em thì con lại bỏ mẹ mà đi. Con vừa chào mẹ ở nhà đi được 30 phút thì con không quay về nữa. Sao con không cố lên một tý nữa để bơi vào bờ hả con. 19 năm tôi nuôi con trời ơi...!".
Còn người cha kể: "Cách đây 10 ngày tôi đưa anh em Nam và một cháu bé nữa ra sông Lam tập bơi thì thấy Nam bơi thạo nhưng chưa bền vì sức khỏe yếu. Tôi nói con cố gắng tập thêm nữa để bơi bền và dẻo hơn. Giá như hôm đó Nam có thêm chút sức khỏe chắc đã không chết oan như thế".
Theo lời anh Điều, Nam có duyên với việc giúp người. Hơn một năm trước, ông Nguyễn Văn Quý (cùng xóm) đi xe máy bị ngã chấn thương. Nam đi học về liền dựng xe máy rồi chở ông Quý đến trạm xá cấp cứu.
Đi học xa nhà, Nam được bố mẹ sắm cho chiếc xe đạp cũ. Có hôm trời nắng đợi mãi mới thấy Nam đi bộ trở về nhà mồ hôi mồ kê nhễ nhại, gia đình tưởng Nam đánh mất xe nhưng cậu bảo "bạn con ở xa bị hỏng xe nên con cho bạn mượn rồi".
Ngồi kế bên, ông Nguyễn Hữu Đông (bố của Đô) cho biết, hơn một năm trước, ông bị kẻ xấu chặt đứt bàn tay mất nhiều máu và được Nam chở ra trạm xá băng bó. Nay con trai ông lại được cậu học trò này cứu khỏi tay hà bá.
Đại diện Văn phòng Chủ tịch nước trao thư chia buồn cùng phần quà 20 triệu đồng của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới gia đình. Ảnh: Hải Bình.
Bất ngờ trước sự ra đi của học trò, cô Nguyễn Thị Hà (chủ nhiệm lớp 12T7) cho hay, hôm trước, khi làm hồ sơ dự thi vào ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh, Nam tâm sự, "nhà em hoàn cảnh lắm, bố mẹ làm nông chỉ trông chờ váo mấy sào ruộng để nuôi 3 chị em ăn học. Em sợ mà đỗ đại học chắc bố mẹ vất vả nhưng nếu đi học đại học em sẽ cố gắng đi kiếm việc làm thêm để kiếm thêm thu nhập".
"Thật tội nghiệp, em chưa thực hiện được giấc mở thì đã mất...", cô Hà nói và chia sẻ, Nam học đều các môn, thấy bạn nào khó khăn hay buồn chán cậu lại tới bắt chuyện rồi động viên...
Trước sự quên mình cứu người, ngày 1/5, Huyện đoàn Đô Lương đã truy tặng giấy khen cho Nguyễn Văn Nam về "hành động dũng cảm cứu người trong lúc gặp nạn". Tỉnh đoàn Nghệ An cũng đã lập hồ sơ đề nghị Trung ương đoàn trao tặng "Huy chương Tuổi trẻ dũng cảm" cho em.
Ngày 3/5, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi thư chia buồn, động viên gia đình em Nguyễn Văn Nam. Thư của Chủ tịch nước có đoạn: "Tôi vô cùng xúc động trước hành động dũng cảm quên mình cứu người của em Nguyễn Văn Nam. Em là tấm gương sáng cho thanh thiếu niên cả nước học tập. Với sự tiếc thương sâu sắc, tôi xin gửi lời chia buồn đến gia đình em Nguyễn Văn Nam, mong bố mẹ, người thân của em hãy vượt qua mất mát đau thương này và mãi mãi tự hào về Em - người con giàu lòng nhân ái, xả thân cứu người".
Sáng 4/5, ông Thái Văn Hằng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã trao bằng khen của Chủ tịch tỉnh truy tặng em Nguyễn Văn Nam "Đã có hành động dũng cảm cứu người bị nạn trên dòng Sông Lam 30/4". Đồng thời UBND tỉnh cũng trao 20 triệu đồng hỗ trợ gia đình em.