Thuế tăng kịch trần lên 40%, liệu giá xăng có giảm tiếp?

Cơ quan điều hành vừa ra quyết định áp thuế nhập khẩu lên tới 40% đối với các nhiên liệu chủ lực. Như vậy, mỗi lít xăng sẽ "cõng" gần 9.000 đồng chi phí thuế.

Theo thông tư số 6/2015 của Bộ Tài chính vừa ban hành ngày 20/1 và có hiệu lực từ 21/1 thì xăng nhập khẩu sẽ phải chịu mức thuế 40%. Như vậy, so với mức áp dụng 15 ngày trước, thuế nhập khẩu của mặt hàng xăng đã tăng thêm 5%, từ mức 35% lên 40%. Thế nhập khẩu dầu diesel cũng có mức tăng tương ứng, từ 30% lên 35%. Tất cả các mặt hàng xăng dầu hiện đã được áp dụng mức thuế tối đa trong khung thuế nhập khẩu theo quy định của Quốc hội và cam kế WTO. 

Việc tăng thuế nhập khẩu đã khiến giá xăng thực tế phải cõng chi phí nhập khẩu khá lớn so với thời điểm ngày 6/1, và cũng khiến giá xăng dầu cơ sở tiến sát giá hiện hành. Theo tính toán, với việc tăng thuế nhập khẩu lên 40%, cộng thêm các loại thuế khác như tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng... thì mỗi lít xăng bán ra đang "gánh" tổng cộng chi phí thuế gần 9.000 đồng.

Trước đó, trong cuộc gặp mặt báo chí chiều ngày 20/1, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết mức thuế đối với xăng trước mắt sẽ giữ nguyên ở mức 35%, không tăng lên kịch trần (tức 40%) để dành dư địa cho điều hành giá, giúp giảm các chi phí đầu vào của nền kinh tế, kích thích tăng trưởng kinh tế.

Cũng liên quan đến diễn biến giá xăng, chiều ngày 20/1, trong một thông báo phát đi từ văn phòng Chính phủ, Phó thủ tướng Võ Văn Ninh đã yêu cầu hai Bộ Tài chính và Công thương theo sát tình hình giá dầu thô trên thị trường thế giới để điều chỉnh giá xăng trong nước, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và cả người tiêu dùng. Trước đó, thay vì giảm đúng đủ bằng chênh lệch giá thực tế và cơ sở, trong lần điều chỉnh gần nhất, cơ quan chủ quản đã tiến hành các biện pháp kỹ thuật khác như tăng thuế nhập khẩu, giảm mức trích Quỹ bình ổn.