'Giá vàng trong nước cao sẽ khuyến khích buôn lậu'

Giá vàng trong nước luôn chênh lệch ở mức cao so với thế giới sẽ khuyến khích buôn lậu, ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết.

Thị trường chưa liên thông với thế giới

Những biến động từ thị trường vàng thế giới trong thời gian vừa qua đã kéo theo giá trong nước cũng giảm theo. Tuy nhiên, trong khi giá vàng thế giới giảm sâu, vàng trong nước "đủng đỉnh" giảm khiến chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế vẫn ở mức 4 - 5 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm cao hơn 5 triệu đồng/lượng. 

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu lý giải, thị trường vàng Việt Nam chưa liên thông với vàng thế giới do hiện chỉ có Ngân hàng nhà nước nhập khẩu vàng, khi vàng thế giới lao dốc nhanh giá vàng Việt Nam đã giảm nhưng mức giảm chậm. 

Ngoài ra, TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết, tâm lý của người dân Việt Nam muốn tích lũy vàng vẫn còn nên mức cầu vàng trong nước cao hơn cung cũng là nguyên nhân giải thích tại sao chênh lệch vàng trong nước và thế giới giữ mức cao như hiện nay. 

Thêm nữa, mặc dù người dân muốn giữ vàng nhưng hiện chưa có thị trường, sàn vàng minh bạch nên người dân dễ bị ảnh hưởng bởi những đợt đầu cơ, lướt sóng và tâm lý đám đông. 

Đồng quan điểm, ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng cho biết, nguyên nhân do nhà nước chưa tạo ra sự liên thông giữa thị trường vàng Việt Nam và vàng quốc tế do chưa cho xuất, chưa cho nhập. 

Doanh nghiệp thường dựa vào thị trường để niêm yết giá, vẫn giữ khoảng cách an toàn trong trường hợp giá vàng tăng đột biến hoặc giảm quá sâu.

"Mặc dù đã đưa ra mục tiêu đưa vàng Việt Nam sát hơn với giá vàng thế giới nhưng điều này chưa được thể hiện thông qua chính sách. Ngay như việc huy động vàng trong dân hiện chưa làm được do chưa có đủ điều kiện để làm", ông Bảng nhìn nhận.

Cần sàn giao dịch vàng quốc gia

Việc vàng chênh lệch giá ở mức cao, theo như phân tích của ông Bảng, thực tế này sẽ khuyến khích tình trạng buôn lậu gia tăng, làm tốn kém chi phí cho cơ quan quản lý chống buôn lậu. 

Đồng thời, đây cũng là nguyên nhân khiến điều kiện xuất khẩu vàng trang sức khó khăn vì doanh Việt Nam phải mua nguyên liệu vàng trôi nổi với mức cao khiến doanh nghiệp không có điều kiện để hoạt động. 

Ông Bảng cảnh báo: "Chênh lệch cao, doanh nghiệp đầu tư mở rộng chủ yếu phục vụ thị trường trong nước và chuẩn bị cho việc xuất khẩu nhưng mức chênh lệch không được co hẹp, cuối cùng Việt Nam thành thị trường tiêu thụ vàng cho nước ngoài”.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Bảng, các chính sách thuế của chúng ta liên quan đến hoạt động xuất nhập vàng không khuyến khích phát triển. 

"Do đó việc ổn định chính sách vĩ mô để doanh nghiệp vượt qua giai đoạn này là cần thiết", ông Bảng khuyến nghị 

Biện pháp để co hẹp mức chênh lệch này theo ông Bảng là gắn thị trường trong nước với quốc tế bằng cơ chế tự do xuất nhập khẩu. Đồng thời, nghiên cứu mở rộng kinh doanh vàng phi vật chất để khỏi phải bỏ tiền ra mới mua được vàng. 

Dẫn số liệu 80% kinh doanh vàng quốc tế là vàng phi vật chất, trên tài khoản và quản lý thông qua ngân hàng để thấy xu hướng đầu tư của người dân sẽ được kiểm soát tốt hơn nhờ việc mở rộng kinh doanh vàng phi vật chất. 

Tuy nhiên, ông Bảng cũng thừa nhận, giống như một số lĩnh vực kinh doanh khác việc mở rộng kinh doanh vàng phi vật chất sẽ có những rủi ro nhất định. 

"Vì vậy, phải có hành lang pháp lý rõ ràng, chặt chẽ để quản lý cả nhà đầu tư, người chơi, các sàn giao dịch để người ta đầu tư được và nhà nước quản lý được. Hoạt động của các trung tâm nằm trong giới hạn quản lý của nhà nước", ông Bảng khẳng định.

Nêu quan điểm về vấn đề này TS. Nguyễn Trí Hiếu đề nghị, cần có sàn giao dịch vàng quốc gia, những người tham dự sẽ được cung cấp thông tin giống nhau, giảm tải đầu cơ vàng và hạn chế tiếp cận những thông tin không cập nhật, không chính xác. 

“Hiện người dân cũng biết giá vàng ngoài kia đang lao xuống nhưng họ không được thông tin một cách chính thống nhất”, TS. Hiếu nêu lên một thực tế. 

Theo tính toán của TS. Nguyễn Trí Hiếu, mức chênh lệch hợp lý và chấp nhận được nên rơi vào khoảng 1 triệu đồng/lượng mặc dù cách đây vài năm Ngân hàng nhà nước đã từng cho biết khoảng cách 400.000 đồng/lượng là hợp lý song cần tính toán các chi phí liên quan đến nhập khẩu vàng để có được con số 1 triệu đồng/lượng.