Đến chiều 17/2, giá vàng SJC được các doanh nghiệp (DN) niêm yết 36,68 triệu đồng/lượng mua vào, 36,78 triệu đồng/lượng bán ra. So với cuối ngày hôm trước, giá vàng tăng gần 700.000 đồng/lượng và tăng 1,3 triệu đồng/lượng so với cùng thời điểm tuần trước. Giá vàng đã lập đỉnh trong hơn 3 tháng gần đây và cũng có phiên tăng mạnh nhất trong suốt nhiều tháng qua.
“Chạy” nhanh hơn giá thế giới
Trong khi đó, giá vàng thế giới tiếp tục vượt xa mốc 1.300 USD/ounce, lên mức 1.326 USD/ounce vào cuối ngày (theo giờ Việt Nam). Trong phiên, có lúc giá thế giới lập đỉnh 3 tháng gần nhất ở mức 1.328 USD/ounce. Tuy nhiên, trong khi giá vàng thế giới hạ nhiệt, giá trong nước lại không ngừng tăng tiến sát mốc 37 triệu đồng/lượng dù thị trường không mấy sôi động.
Ông Nguyễn Công Tường, Phó Phòng Kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), cho biết giá vàng trong nước "chạy" nhanh hơn giá thế giới dù lực mua trên thị trường không tăng mạnh. Đến cuối ngày, lượng giao dịch của SJC vào khoảng gần 1.500 lượng - mức khá thấp so với những ngày thị trường biến động mạnh. “Đầu ngày, giá vàng tăng mạnh kích thích lực bán ra chốt lời nhưng sau đó giá vàng tiếp tục tăng khiến một số nhà đầu tư mua trở lại. Dù vậy, thị trường vàng không còn sôi động như trước” - ông Tường nhìn nhận.
Còn theo Giám đốc kinh doanh Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) Nguyễn Ngọc Trọng, tổng lượng vàng giao dịch của PNJ qua hệ thống bán lẻ chỉ khoảng 300 lượng. Chênh lệch mua vào - bán ra là 100.000 đồng/lượng cũng phản ánh mức độ kém sôi động của thị trường, bất chấp giá vàng tăng mạnh. Mức độ quan tâm của người dân với vàng đã giảm nhiều so với trước, nhất là khi giá vàng duy trì mức ổn định trong thời gian dài. “Giá vàng thế giới đang tăng nhưng đà tăng có duy trì, có bứt phá tiếp vẫn là câu hỏi lớn, trong khi giới phân tích dự báo xu hướng chung của vàng là giảm. Vì vậy, dù vàng có phiên tăng giá đột biến chưa thể kích thích lực mua trên thị trường” - ông Trọng nhận xét.
Có sự chi phối?
Nhận định về giá thế giới, ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), cho rằng yếu tố tác động mạnh khiến giá vàng thế giới hồi phục những ngày qua chính là việc Mỹ nâng trần nợ công lên 17.300 tỉ USD. Quốc hội Mỹ bất ngờ cho phép nâng trần nợ công và quyết định này không vấp phải sự phản ứng nào. Trần nợ công của Mỹ được nâng lên đồng nghĩa với cung tiền sẽ tăng mạnh, chỉ số USD vì thế giảm sâu tác động trực tiếp lên giá vàng. “Giá vàng đã bứt phá từ ngưỡng 1.250 USD/ounce, lên trên 1.324 USD/ounce nhưng yếu tố quan trọng nhất làm giảm giá là trần nợ công của Mỹ, nay đã bộc lộ hết. Hiện vàng chỉ còn yếu tố giảm nên thời điểm này rất nhạy cảm và nhà đầu tư cần thận trọng nếu muốn lướt sóng” - ông Hải nói.
Theo các DN vàng, giá vàng trong nước phiên 17/2 diễn biến khá bất thường. Dù lực mua không tăng mạnh nhưng giá vàng liên tục đi lên. Trong phiên, có những lúc giá vàng tăng giảm thất thường, khó đoán định. Đại diện một DN vàng nhận xét thực tế thị trường vàng vẫn có một nhóm chi phối được phần nào giá vàng, chỉ cần họ có động thái mua vào lập tức tạo tâm lý giá tăng và ngược lại. “Buổi sáng, khi giá vàng từ 36,11 triệu đồng/lượng tăng lên 36,5 triệu đồng/lượng là theo giá thế giới. Đến phiên chiều khi giá thế giới giảm mà trong nước vẫn leo lên 36,78 triệu đồng/lượng là bất thường bởi lượng giao dịch không hề tăng đột biến” - vị này dẫn chứng.
Chờ giá tăng thêm
Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng 2 triệu đồng/lượng. Những người xếp hàng mua vàng trong ngày Thần tài (10 tháng giêng) thời điểm này nếu bán ra đã có lời hơn 1 triệu đồng/lượng, tuy nhiên thị trường lại rất vắng người bán. Nhiều người có vàng kỳ vọng giá sẽ còn tăng nên chưa muốn bán ra. Bởi dù giá vàng tăng mạnh nhưng nếu so với mức “đỉnh” trong năm 2013, những người mua vàng thời điểm đó vẫn lỗ gần chục triệu đồng/lượng.