Giá vàng giảm nhẹ, chênh lệch vẫn cao

Mở cửa giao dịch tuần mới 5/8, giá vàng SJC được các doanh nghiệp vàng điều chỉnh giảm nhẹ, giao dịch quanh mức 37,8 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, giá vàng SJC vẫn cao hơn giá vàng thế giới quy đổi trên 4 triệu đồng/lượng. Mở cửa thị trường vàng trong nước sáng nay 5/8, giá vàng SJC tại Hà Nội và TPHCM được Tập đoàn VBĐQ DOJI niêm yết giao dịch ở mức 37,6 triệu đồng/lượng (mua vào) - 37,8 triệu đồng/lượng (bán ra) đối với giao dịch bán lẻ và 37,61 triệu đồng/lượng - 37,79 triệu đồng/lượng đối với giao dịch bán buôn.

So với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá vàng SJC được Tập đoàn DOJI điều chỉnh giảm nhẹ mỗi chiều 50.000 đồng/lượng.

Cũng trong sáng nay, giá vàng SJC tại Hà Nội được Công ty CP Đầu tư Vàng Phú Quỹ niêm yết ở mức 37,67 triệu đồng/lượng - 37,82 triệu đồng/lượng, tăng 20.000 đồng/lượng chiều mua vào nhưng giảm 30.000 đồng/lượng chiều bán ra.

Còn theo niêm yết của Công ty VBĐQ Sài Gòn, giá vàng SJC tại TPHCM hiện giao dịch ở mức 37,5 triệu đồng/lượng - 37,8 triệu đồng/lượng, giảm mỗi chiều 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch cuối tuần trước.

Với các mức giảm nhẹ trên, giá vàng miếng trong nước đang cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 4,25 triệu đồng/lượng. Trên thế giới, giá vàng giao ngay tại châu Á qua niêm yết của Kitco.com đang có biên độ tăng nhẹ, lên mức 1.313,9 USD/ounce.

Trong nửa tháng trở lại đây, giá vàng trong nước thường có sự biến thiên theo xu hướng chung của thế giới. Để tăng cung cho thị trường, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu 2 phiên với tổng khối lượng chào bán 52.000 lượng vàng. Như vậy, tính từ ngày 28/3 tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 49 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.323.400 lượng, trên tổng số 1.426.000 lượng chào thầu.

Giá vàng vừa có tuần giảm đầu tiên trong 1 tháng qua do tình hình kinh tế Mỹ có dấu hiệu phục hồi, đồng USD tăng giá mạnh. Kết thúc tuần, giá vàng giao dịch kỳ hạn tháng 12 giảm 0,9% so với tuần trước, chốt ở mức 1.310,5 USD/ounce. Trong phiên, giá vàng có lúc giảm mạnh hơn 2,2%, xuống 1.282,4 USD/ounce, thấp nhất 3 tuần.

Các quỹ đầu cơ tiếp tục bán tháo vàng. Quỹ tín thác vàng lớn nhất SPDR Gold Trust vừa bán ra 7,5 tấn vàng trong 2 phiên liên tiếp. Tính từ đầu năm tới nay, quỹ này bán tổng cộng 420 tấn vàng, riêng trong tháng 7 bán ra 41 tấn vàng.

Ngoài ra, quốc gia có lượng nhập khẩu vàng lớn nhất châu Á là Ấn Độ mới thông báo các chính sách siết chặt nhập khẩu vàng, khiến lượng vàng nhập khẩu vào nước này giảm mạnh. Đây cũng là một yếu tố khiến giá vàng thế giới sụt giảm.

Nhận định về diễn biến tuần này, chỉ có 6/21 chuyên gia được Kitco khảo sát tin giá vàng sẽ đảo chiều đi lên. Trong khi đó có tới 11 người nhận định ngược lại và 4 chuyên gia cho rằng vàng đứng giá.

Trên đồ thị kỹ thuật, dường như giá vàng đang mắc kẹt trong ngưỡng cản 1.320 USD/ounce, gần mức giá trung bình 50 ngày. Mark Arbeter, trưởng bộ phận phân tích kỹ thuật tại quỹ S&P Capital IQ nhận định, giá vàng có thể còn sụt thêm trước khi có thể phục hồi lên 1.450 USD/ounce, nhờ trạng thái hợp đồng vàng tương lai của các nhà đầu cơ và tâm lý bán tháo mạnh quá mức.

Việc dữ liệu việc làm thấp hơn dự báo, trong khi không có nhiều tuyên bố nhắc đến khả năng giảm quy mô chương trình kích thích kinh tế của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến một số nhà phân tích cho rằng, có thể cơ quan này sẽ không thu hẹp quy mô QE3 vào tháng 9. Trước đó, khả năng Fed thu hẹp chương trình mua trái phiếu vào tháng 9 được nhiều chuyên gia nhắc tới sau khi Chủ tịch Fed Bernanke công bố cách thức cơ quan này quyết định giảm quy mô QE3.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, tuần này sẽ không có nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng tại Mỹ, nhưng trên phạm vi toàn thế giới, Ngân hàng trung ương Australia sẽ nhóm họp và có khả năng hạ lãi suất. Ngân hàng trung ương Nhật cũng nhóm họp nhưng nhiều khả năng không thay đổi chính sách tiền tệ. Trong khi đó, Trung Quốc sẽ công bố các dữ liệu về sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, xuất khẩu và lạm phát.