Rất nhiều nhà đầu tư đều lạc quan tin tưởng giá vàng tiếp tục tăng cao và rất có thể phá vỡ ngưỡng 2.000 USD/oz. Tuy nhiên với những yếu tố hỗ trợ cho giá vàng tăng ngày càng không rõ ràng thì một số người lại quan ngại rằng giá vàng có thể “nổ bong bóng” trong năm nay và khó có thể phá ngưỡng 1.920,7 USD/oz năm 2011.
Xu hướng đi ngang và đi xuống
Theo tuyên bố mới nhất của Goldman Sachs tốc độ tăng trưởng chậm chạp của kinh tế Mỹ năm 2012 có thể vẫn là động lực hỗ trợ cho giá vàng. Dự báo mục tiêu giá vàng trong 3, 6 và 12 tháng lần lượt là 1.785, 1.840, 1.940 USD/oz. Tuy nhiên Goldman Sachs thừa nhận những dữ liệu kinh tế Mỹ tiếp tục mạnh lên đưa đến nguy cơ ngày càng cao đối với dự báo giá vàng của họ và khuyến cáo không nên đầu tư dài hạn.
Còn theo theo báo cáo của CPM Group, giá vàng sẽ duy trì ở mức cao trong năm nay nhưng không vượt lên được mức đỉnh của năm 2011. Giá vàng sẽ duy trì trên mức 1.500 USD/ounce trong năm nay và trên 1.400USD/ounce trong các năm sắp tới. Đây là dự báo quan trọng trong báo cáo mới nhất của CPM Group – “Gold Yearbook 2012”, báo cáo phân tích thường niên về các yếu tố cung và cầu thúc đẩy thị trường vàng. CPM Group là tổ chức nghiên cứu hàng hóa cơ bản độc lập đồng thời là Công ty đầu tư. Các dự báo thường niên của tổ chức này thường được thị trường vàng hết sức chú trọng.
Nếu như nhận định của CPM Group là chính xác thì đây sẽ là sự kết thúc cho một thập kỷ đi lên của giá vàng. Phải nói thêm rằng dự báo của CPM Group không phải không có cơ sở bởi trong năm 2011 tổ chức này đã dự báo chính xác biến động giá vàng, thậm chí cả sự kiện giá vàng chạm mức đỉnh cao danh nghĩa 1.920,7 USD/oz trong ngày giao dịch hồi tháng 8/2011. Vào thời điểm đó, các dự báo được đưa ra đều kỳ vọng giá vàng tiếp tục tăng cao hơn nữa.
Xu hướng giá vàng đi ngang và đi xuống đang có khả năng hiện hữu, mặc dù nhu cầu đầu tư vẫn ở mức cao. Theo số liệu thống kê, năm 2011, các ngân hàng trung ương tiếp tục mua ròng vàng, bổ sung thêm 12,7 triệu oz vào kho dự trữ, nhưng vẫn thấp hơn 2,6 triệu oz so với năm 2010. Những biểu hiện về một thị trường tăng trưởng già cỗi cũng bắt đầu xuất hiện, với tổng lượng mua ròng trong năm 2011 của các nhà đầu tư tư nhân là 34,3 triệu ounce, giảm 5,8% so với lượng nắm giữ của năm 2010.
Trên thực tế những yếu tố nâng đỡ cho giá vàng trong thời gian vừa qua như: Sự suy yếu của USD, giá dầu thô, khủng hoảng của các nền kinh tế lớn… đều đang được cải thiện và và trở lực cho giá vàng tăng.
Cây đũa thần ?
Điều dễ nhận thấy trong những năm gần đây là sự “không thành công như mong đợi” trong các chính sách liên quan đến việc quản lý thị trường vàng. Cơ quan quản lý mong muốn kiểm soát thị trường vàng tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng. Với Nghị định 24 lần này có vẻ như “Cây đũa thần” đang nằm trong tay NHNN bởi nguồn cung- cầu hoàn toàn do NHNN chủ động và điều phối nhưng liệu cây đũa đó có chạm đúng chỗ và đúng lúc?
Không phải không có giải pháp để chế ngự thị trường vàng, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư. Thậm chí có những giải pháp rất đơn giản như chuyên gia cao cấp Hiệp hội kinh doanh vàng VN Trần Quốc Quýnh từng đề xuất là nên khống chế biên độ giữa giá mua và giá bán với một tỉ lệ thích hợp để tránh cảnh giá vàng bị các DN làm giá khi thị trường có biến động mạnh.
Ngày 25/5/2012, Nghị định 24 chính thức có hiệu lực thi hành. Nghị định dù rất nhiều quy định nhưng chung quy lại điều mà người dân mong muốn cũng chỉ là làm sao thuận lợi cho hoạt động đầu tư mua bán vàng và chấm dứt tình trạng bị “làm giá” như thời gian vừa qua. Nhưng một quy định mang tính kỹ thuật dù rất đơn giản như đề xuất của ông Quýnh liệu có xuất hiện trong Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định quản lý kinh doanh vàng sắp tới để chấm dứt tình trạng giá vàng trong nước cao hơn thế giới 2- 3 triệu đồng/lượng cũng như biên độ giữa giá mua và giá bán chênh lệch xấp xỉ 1 triệu đồng/lượng như trước đây?