Không khí tang thương vẫn bao trùm ngôi nhà nhỏ nằm ở khu phố 7 phường La Khê, quận Hà Đông, kể từ khi chị Nguyễn Thị Thu Phong ra đi đột ngột. Nỗi đau càng đè nặng tâm trí người ở lại khi nguyên nhân sự việc còn chưa được làm sáng tỏ.
Với thái độ vô cùng bức xúc, ông Nguyễn Văn Nhất (bố chồng nạn nhân) khẳng định không ký vào biên bản tử vong được cán bộ trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội lập tại phòng khám. Gia đình nạn nhân chỉ biết về biên bản này vào sáng 15/7, khi lực lượng pháp y Quân đội trưng cầu. “Một bác sỹ cầm vali hỏi tên tôi rồi tự điền vào tờ khai. Thấy dòng chữ Biên bản tử vong, tôi vội vã chạy vào phòng điều trị thì thấy thi thể con dâu đã lạnh buốt, chắc chắn đã chết từ rất lâu…” - người đàn ông cố giấu ánh mắt đỏ hoe kể lại sự việc. Thời điểm tiếp xúc với nạn nhân, ông Nhất đi cùng con gái út.
Quá bất ngờ và phẫn nộ trước sự việc, em chồng nạn nhân đã gào thét, tra hỏi lý do nhưng không ai trả lời. Đặc biệt, gia đình nạn nhân còn cho rằng, một số y tá mặc áo blouse màu hồng đã vào phòng điều trị thu dọn các lọ thuốc, bình dịch đã sử dụng. “Chúng tôi yêu cầu 2 nữ y tá giữ nguyên hiện trường, không tháo các bình dịch để chờ cơ quan chức năng đến giải quyết nhưng lúc này vẫn có một y tá khác đang cất giấu thuốc ở góc phòng. Sau đó khá lâu, Phó Giám đốc phòng khám xuất hiện nhưng không trả lời bất cứ điều gì mà chỉ đi lại nhiều vòng ở khu vực điều trị” - đại diện gia đình nạn nhân cho biết.
Chiều 17/7, PV Báo đã trao đổi với y sỹ Nguyễn Đăng Cương - cán bộ trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội được điều động đến phòng khám. Theo nhật ký công tác được ghi lại thì khoảng 21h32 ngày 14/7, phòng khám Maria báo tin có bệnh nhân bị dị ứng, cần được cấp cứu. Khi vào phòng khám, phát hiện bệnh nhân đã chết, y sỹ Cương và cộng sự đi cùng đã cố gắng hô hấp nhưng không có kết quả. Lúc này, chị Nguyễn Thị Thu Phong đang được truyền chai dung dịch muối 0,9% (đã hết 1/3), cạnh đó là bình dung dịch đường 5% đã truyền hết một nửa.
“Theo trách nhiệm, tôi gọi các bên liên quan đến lập biên bản nhưng đại diện gia đình và các bác sỹ trực ca người Việt Nam nhất quyết không ký. Tôi phải yêu cầu mới có một nam bác sỹ người Trung Quốc ký vào mục đại diện gia đình hoặc cơ quan nhưng không ghi rõ họ tên, rồi vội vã bỏ đi” - y sỹ Cương cho biết. Cũng theo xác nhận của cán bộ trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội thì một số y tá, giúp việc đã cố gắng dọn dẹp phòng khám, trong khi các bác sỹ nước ngoài đã mau chóng rời khỏi hiện trường. Sau đó, việc báo tin lên các cơ quan chức năng cũng do phía gia đình nạn nhân thực hiện.
Hiện Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an quận Đống Đa đang tiếp tục điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc, xác định trách nhiệm cá nhân liên quan.
Nghi ngờ phòng khám Maria vẫn hoạt động? Theo phản ánh của nhiều người dân, ngày 17/7, phòng khám Maria vẫn mở cửa, có dấu hiệu hoạt động chui dù đã bị tạm đình chỉ. Trước thông tin trên, chiều cùng ngày, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với lực lượng công an đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại phòng khám này. Qua kiểm tra, phòng khám vẫn mở cửa chính, trong phòng khám có 2 nhân viên lễ tân đang làm trực điện thoại tại bàn tư vấn, khoảng hơn 10 nhân viên khác và một bác sĩ của phòng khám cũng có mặt nhưng không phát hiện hoạt động khám chữa bệnh. Bác sĩ có mặt là ông Nguyễn Quang Cừ, phụ trách phòng khám ngoại của phòng khám Maria lý giải việc ông đến phòng khám là để tư vấn cho những bệnh nhân đang điều trị chuyển sang cơ sở y tế khác cho phù hợp. “Không hiểu tại sao...” Như đã đưa tin, Sở Y tế xác nhận không hề cấp phép cho bác sĩ nào người Trung Quốc khám chữa bệnh tại phòng khám Maria, nhưng mới đây cơ quan điều tra lại phát hiện tại phòng khám này có tất cả 6 bác sĩ người Trung Quốc làm việc. Ngày 17/7, bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội (ảnh) đã trả lời phỏng vấn về vấn đề này. - PV: Sau vụ bệnh nhân tử vong tại phòng khám Maria vừa qua, Sở có ý định đóng cửa hẳn phòng khám này? - Bà Lưu Thị Liên: Vụ tử vong của chị Nguyễn Thị Thu Phong xảy ra tại phòng khám Maria chiều 14/7, chúng tôi rất lấy làm tiếc vì đây là phòng khám tư nhân đã được Sở Y tế cấp phép. Trước mắt, chúng tôi đã tạm đình chỉ phòng khám để cơ quan điều tra làm việc, khi có kết luận cuối cùng của cơ quan điều tra, tùy theo mức sai phạm của phòng khám Sở Y tế mới đưa ra quyết định đối với phòng khám này. - Sở Y tế cấp phép cho bao nhiêu bác sĩ người Trung Quốc làm việc ở phòng khám Maria? - Với phòng khám Maria, cho tới giờ này, Sở Y tế vẫn chưa cấp phép cho bất cứ bác sĩ người Trung Quốc nào hành nghề khám chữa bệnh mà chỉ cấp phép cho 2 người giúp việc là người Trung Quốc. 2 bác sĩ người Trung Quốc được cấp phép này có trình độ cao đẳng, không phải người trực tiếp tham gia điều trị mà chỉ làm giúp việc bác sĩ như vào sổ sách, thay băng, tiêm, đo huyết áp… - Nhưng theo cơ quan điều tra, có tất cả 4 bác sĩ người Trung Quốc hoạt động khám chữa bệnh tại phòng khám Maria? - Chúng tôi cũng rất ngạc nhiên khi nhận được thông tin này, không hiểu 4 bác sĩ người Trung Quốc đó ở đâu ra và làm việc ở đây bao lâu rồi vì sự thật là chúng tôi không cấp phép cho bác sĩ nào. Năm nào Sở Y tế cũng có kế hoạch phân công các đơn vị chức năng kiểm tra định kỳ các phòng khám trên địa bàn nhưng chưa có báo cáo nào về việc này. Hiện chúng tôi vẫn đang chờ cơ quan điều tra kết luận cụ thể, nếu có như thế thì sẽ không cho phòng khám tiếp tục hoạt động. - Tại sao ngành y tế kiểm tra thường xuyên, liên tục mà lại không phát hiện vi phạm nghiêm trọng như vậy? - Đây là vấn đề Sở Y tế đang quan tâm. Trước mắt, chúng tôi chỉ có cách tăng cường kiểm tra đột xuất, tương lai sẽ có biện pháp khác để nâng cao hiệu quả hoạt động thanh kiểm tra. |