Lớp luyện thi đại học của cô giáo chuyển giới Quỳnh Trâm mở từ tháng 10/2012 với 78 học sinh theo học. Sau khi biết điểm thi đại học, tất cả học sinh của lớp đều từ 14 điểm, cao nhất đạt 19,5 điểm.
Cô Trâm cho biết: “Còn hai em vẫn chưa liên hệ được nên không biết điểm số ra sao, nhưng có thể khẳng định 95% sẽ đậu đại học vì những trường các em thi hầu hết lấy điểm bằng điểm sàn, điểm thi đều bằng và cao hơn điểm chuẩn của ngành năm ngoái”.
Chỉ mong đậu tốt nghiệp là mãn nguyện
Những năm trước, khi còn luyện thi ở Bình Phước, thành phần học sinh của lớp cô Trâm hầu hết đều học lực trên trung bình. Năm đầu tiên mở lớp luyện thi miễn phí để “trả ơn đời” tại TP.HCM, cô Trâm chỉ nhận học sinh có học lực yếu, điểm trung bình dưới 5 và có gia cảnh khó khăn.
Vì thế, hầu hết những học sinh đến học lớp luyện thi cô giáo chuyển giới tâm sự với cô rằng chỉ mong đậu tốt nghiệp là quá đủ. Như em Lê Hồ Đoan Trinh (THPT Lê Thị Hồng Gấm), trước khi đến lớp luyện thi, học lực chỉ dưới trung bình. Trinh từng không tha thiết nhiều với học tập vì mất nhiều kiến thức căn bản, nỗi lo rớt tốt nghiệp luôn thường trực.
“Từ khi được bạn giới thiệu vô lớp cô Trâm, được cô dạy lại kiến thức căn bản, tạo động lực học tập nên học lực khá hẳn. Em từng nghĩ chỉ đậu tốt nghiệp là mừng nhưng bây giờ em còn đậu cả hai trường”, Đoan Trinh vui mừng cho biết. Trinh thi vào hai trường ĐH Sài Gòn và CĐ Tài chính – Hải quan.
Cô giáo Quỳnh Trâm hướng dẫn học trò của mình các bước làm hồ sơ nhập học.
Dười sự kèm cặp của cô Trâm, không chỉ đậu tốt nghiệp mà Trinh còn đậu cả trường đại học, cao đẳng.
Hoàng Đoàn Sơn Hải (Q.10, TP.HCM) năm ngoái thi đại học chỉ được 8 điểm. Sau một thời gian học cao đẳng không phù hợp, Hải quyết định thi lại. Đến với lớp luyện thi từ tháng 4, sau ba tháng ôn luyện Hải thi được 14 điểm. Theo Hải số điểm đó đủ giúp bạn đậu vào khoa Công nghệ thông tin, ĐH Công nghệ Sài Gòn vì điểm chuẩn năm ngoái chỉ lấy 13 điểm.
Trong số những học sinh đậu đại học, trường hợp của Nguyễn Tuấn Hào (Q.4, TP.HCM) khiến cô Trâm vui mừng nhất. Trong lớp, Hào là học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất. Bố làm bốc vác nhưng đã nghỉ vì mất sức lao động, mẹ bán nước vỉa hè gần chợ Bình Điền (H.Bình Chành). Hào học yếu, nhiều lần đi họp phụ huynh thầy cô đều cảnh báo sẽ rớt tốt nghiệp. Mẹ Hào từng nghĩ sẽ cho con nghỉ học phụ gia đình.
“Em nghĩ mình cố gắng cũng sẽ đậu tốt nghiệp. Em không đi học thêm thầy cô trong lớp vì cách dạy vẫn vậy, và em khá nản trong việc học. Trước khi học lớp cô Trâm, nằm mơ em cũng không nghĩ mình sẽ đậu đại học”, Hào phân trần. Cuối cùng Hào đậu đại học thật, điểm thi 16,5 cả hai khối A và D có lẽ sẽ giúp Hào trở thành sinh viên ĐH Công nghệ Sài Gòn.
Hào chia sẻ: “Em thi Kế toán và Quản trị kinh doanh nhưng chọn Quản trị vì thấy mình hợp với kinh doanh hơn. Ba mẹ, thầy cô khi biết tin em đậu thì vui lắm, gọi điện chúc mừng em”. Ngay sau khi biết tin đậu, Hào liên làm hồ sơ xin đi làm nhân viên tiếp thị với mức lương 1,5 triệu/tháng để có thêm tiền trang trải học phí sắp tới.
Hết lòng vì học trò
Vừa biết điểm thi đạt 19,5 đủ đậu vào trường ĐH Mở TP.HCM, bạn Lê Thị Hoài Mỹ (Bình Phước) liền nhắn tin ngay cho cô giáo của mình: “Cô ơi, em thật sự cám ơn cô nhiều lắm, nhờ cô mà em mới được như vậy. Em rất biết ơn cô”. Và rất nhiều tin nhắn cảm ơn của học trò được cô Trâm lưu lại trong điện thoại, không muốn xóa.
Nhiều học trò biết ơn cô không chỉ vì đậu đại học mà trên hết là sự hết lòng đối với học trò của cô. Không lấy tiền học phí với bạn có hoàn cảnh khó khăn, kèm căp kĩ cho từng bạn, tư vấn chọn trường, trước ngày thi cô Trâm lại mua hồ sơ dự thi về làm và nộp cho cả lớp. Đến ngày thi, cô đều dậy từ 4h để gọi cho từng bạn dậy vì sợ ngủ quên rồi đến trường thi động viên học trò mình. Thi xong, cô tập hợp cả lớp lại giải đề, rồi coi điểm thi, mua hồ sơ làm thủ tập nhập học cho cả lớp.
“Từ khi đi dạy đến giờ chưa khi nào cô thấy vui mừng, mãn nguyện với thành tích như ngày hôm nay. Nhiều em chỉ cần đậu tốt nghiệp là đủ nên khi đậu rồi có tâm lý nghỉ ngơi, không ôn thi đại học tiếp, khiến cô phải khuyên nhủ nhiều để các em ôn luyện tiếp. Nếu dạy học sinh bình thường mà đậu đại học thì đã nhàn hơn rất nhiều rồi”, cô Trâm chia sẻ.
Vấn đề khó nhất khi dạy học sinh yếu theo cô Trâm không phải năm ở học lực mà là động lực học tập. Những học sinh học yếu rất dễ tự ti, chỉ cần một thất bại nhỏ sẽ khiến các em đánh mất nghị lực, dễ buông xuôi. Vì thế, phương pháp giảng dạy của cô Trâm là không đặt áp lực cho học trò của mình.
“Khi tiếp nhận một học sinh, cô không bắt các em phải giỏi bằng bạn này, được điểm cao mà chỉ cần trên điểm trung bình là đủ. Quan trọng là các em thực sự thấy thoải mái để vượt qua chính mình”, cô Trâm cho biết.
Thời gian sắp tới, dù chưa biết sẽ có mở lớp tiếp không do bận tập trung làm liveshow ca nhạc nhưng cô Trâm cho biết, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm dạy học, ôn luyện cho học sinh yếu của mình cho mọi người qua mail ngoclanletran@yahoo.com.
Thí sinh theo dõi điểm thi các môn trong Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 tại diemthi.xahoi.com.vn và xahoi.com.vn.