Một nhóm gái ế biểu tình cầu xin cha mẹ đừng hỏi chuyện chồng con dịp Tết tại Thượng Hải ngày 4.2
Ngày 4.2, nhiều người qua đường ở Thượng Hải bất ngờ chứng kiến một nhóm các cô gái trẻ cầm những tấm biển trắng, chữ đỏ nổi bật, thổ lộ tâm tư và nguyện vọng tha thiết của họ. Những tấm biển viết: "Cha mẹ ơi, xin đừng ép buộc con chuyện hôn sự khi con trở về nhà vào dịp Tết. Hạnh phúc riêng của cuộc đời con, con muốn tự mình chịu trách nhiệm".
Trong ảnh là nhóm gái ế Trung Quốc biểu tình trên một con phố đông người qua lại ở Thượng Hải ngày 4.2 để gây sự chú ý từ dư luận nhằm bày tỏ nguyện vọng mong cha mẹ đừng gây áp lực kết hôn vào dịp Tết đến xuân về.
\
Các cô gái biểu tình trên xe điện ngầm, thu hút sự chú ý.
Trong ảnh, các gái ế Trung Quốc biểu tình tại nhà ga.
Nhiều người đi đường hiếu kỳ dừng lại chụp ảnh, quay phim nhóm "gái ế" biểu
tình cầu xin cha mẹ đừng gây áp lực chuyện chồng con dịp Tết.
Trên thực tế, vào mỗi dịp tết đến xuân về, áp lực kết hôn lại đè nặng lên các trai, gái ế Trung Quốc khi cha mẹ và người thân của họ nhân dịp tết âm lịch thường tìm cách mai mối, sắp xếp các vụ xem mặt cho con cái và thúc ép họ sớm kết hôn. Các bậc phụ huynh ở Trung Quốc luôn muốn con cái họ sẽ yên bề gia thất khi còn trẻ, nên việc có cô con gái kết hôn muộn là một nỗi xấu hổ đối với nhiều gia đình.
"Không giống ở phương Tây, nơi mỗi cá nhân đều rất độc lập, và chuyện yêu đương của họ không có chỗ cho sự can thiệp của cha mẹ. Người Trung Quốc luôn quan tâm tới gia đình, và các bậc phụ huynh muốn được thấy con cái họ sớm ổn định", Hu Xingdou, một nhà kinh tế học, đồng thời là chuyên gia bình luận xã hội tại Viện Kỹ thuật Bắc Kinh bình luận.
Các bậc cha mẹ Trung Quốc dự một hội chợ mai mối thường được tổ chức vào mùa xuân nhằm ghép duyên cho các trai, gái ế với mong muốn giúp con cái mình sớm tìm được ý trung nhân.
Áp lực chuyện hôn nhân khiến nhiều trai, gái ế mệt mỏi, chán nản. Thậm chí, trước sự phàn nàn liên tục của của cha mẹ về chuyện hôn nhân, đặc biệt là trong dịp Tết đến xuân về, nhiều gái ế ở Trung Quốc phải tìm cách đối phó bằng việc bỏ ra cả đống tiền để thuê "bạn trai giả" về quê ăn Tết.
Anh Meng Guangyong, 29 tuổi, một thanh niên độc thân Trung Quốc, quê ở Quý Châu đang kinh doanh dịch vụ cho thuê bạn trai ở Bắc Kinh, thông qua các website mua sắm trực tuyến cho hay: "Với thanh niên Trung Quốc, Tết âm lịch, vừa là dịp khiến họ mong ngóng về nhà vừa lo sợ sẽ phải đối mặt với gánh nặng độc thân".
Theo Meng, dịch vụ cho thuê người yêu đang nở rộ và trở thành cứu cánh cho người độc thân Trung Quốc trong dịp tết sắp tới.
Năm ngoái, theo số liệu từ một số nhà cung cấp dịch vụ này, các cô gái có thể phải trả lên đến 30 NDT/giờ (khoảng 5 USD/giờ) để thuê một chàng trai cùng đi mua sắm và 50 NDT (8 USD) cho một nụ hôn. Ước tính, tổng cộng, các cô gái phải trả khoảng 2.000 NDT (321 USD) để thuê "bạn trai" cả ngày. Nếu muốn được "bạn trai" tháp tùng về nhà dịp tết, đi thăm họ hàng và thậm chí, viếng mộ tổ tiên, cái giá mà gái ế phải trả còn cao hơn rất nhiều.
Tết đến là dịp các công ty cho thuê người yêu ở Trung Quốc hái ra tiền. Ảnh minh họa.
Hiện người Trung Quốc dùng cụm từ "gái ế" để mỉa mai, giễu cợt những cô gái đã đến tuổi lấy chồng mà vẫn còn độc thân, thường ở khoảng 27 tuổi đến 30 tuổi. Càng ngày, "những cô gái ế" càng trở thành một chủ đề vừa hài hước vừa đáng báo động được báo chí, phim ảnh, các chương trình truyền hình thực tế khai thác. Theo một khảo sát năm 2010, hơn 90% nam giới nước này cho rằng, các cô gái hoặc phải kết hôn trước 27 tuổi hoặc phải đối mặt với nguy cơ sống độc thân suốt đời.
Annie Xu, 30 tuổi, một nữ phóng viên của một trong những tờ báo lớn ở Trung Quốc, không chỉ có học thức mà còn sở hữu vẻ ngoài hoàn hảo với vóc dáng thanh mảnh, mái tóc dài chấm vai, cặp mắt to và làn da trắng mịn song vẫn còn độc thân dù có rất nhiều chàng trai theo đuổi cô. Tuy nhiên, Annie Xu nhận thấy cô ngày càng dành nhiều thời gian cho công việc hơn thay vì hẹn hò hoặc tìm hiểu những chàng trai nhạt nhẽo được cha mẹ, người thân mai mối. Khi được hỏi rằng chuyện gì sẽ xảy ra nếu vẫn độc thân vào năm 50 tuổi, Xu chia sẻ: "Tôi nghĩ mọi chuyện sẽ ổn thôi. Điều tôi sợ nhất là phải kết hôn với một người đàn ông không hợp ý mình". Dù vậy, Xu vẫn nhấn mạnh, nếu tìm thấy một nửa như ý, cô vẫn sẵn sàng lập gia đình".
Xu hướng phụ nữ độc thân trong xã hội Trung Quốc đang ngày một tăng cao. Theo một ước tính, năm 1982, chỉ 5% phụ nữ Trung Quốc ở thành thị trong độ tuổi từ 25 tới 29 sống tình trạng độc thân. Tới năm 1995, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi. Tỷ lệ độc thân ở những người có học vấn luôn cao nhất. Theo nghiên cứu khác vào năm 2005, gần 7% phụ nữ 45 tuổi có bằng đại học ở Thượng Hải sống độc thân.