Và mới đây, sau khi vừa “bóc” xong 11 cuốn lịch trong trại giam, về hội ngộ với vợ con được ít ngày, tưởng gã sẽ tu tỉnh làm ăn, nào ngờ gã lại “ngựa quen đường cũ” để rồi “ôm” tiếp bản án 10 năm tù vì tội buôn ma túy.
Gã tên Nguyễn Khắc Trung (SN 1970), ở Khối 3 – Thị trấn Kim Sơn – Quế Phong – Nghệ An.
“Tù là nhà, lệnh tha là nghỉ phép”!
Hết lớp 9, Trung bỏ học. Nhà tám anh chị em, gã lêu lổng từ khi chưa vỡ tiếng. Phố núi buồn hiu, gã tụ tập cùng đám bạn choai choai thỉnh thoảng gây gổ, đánh lộn vài trận cho nó có “không khí”, cho đời bớt “nhạt”. Cha mẹ gã, dăm bữa nửa tháng lại phải muối mặt lên đồn công an bảo lãnh. Quá mỏi mệt với đứa con ngỗ ngược, họ tống gã lên chiếc xe tải của người bà con. Những tưởng, nghề phụ xe sẽ giúp gã thôi chơi bời, đàn đúm với đám bạn du thử du thực, cách ly gã với “thế giới hư hỏng”. Không ngờ, đó cũng là bước ngoặt lớn trong cuộc đời của gã, cuộc đời của kẻ có thói quen xem “tù là nhà, lệnh tha là nghỉ phép”.
Bị cáo Nguyễn Khắc Trung (áo phông đen, hàng đầu thứ 3 từ phải sang), trong phiên tòa xét xử lưu động của TAND huyện Quế Phong (Nghệ An), ngày 19/6/2012
Phụ xe được một thời gian, gã cặp kè và chung sống cảnh “già nhân ngãi, non vợ chồng” với một phụ nữ quê mãi tận trong Nam. Nghe nói, vợ gã cũng là “gái giang hồ”. Kết quả của cuộc hôn nhân “se vội” ấy, một đứa con gái chào đời vào năm 1993. Gã làm cha, làm chủ gia đình khi còn đang ở cái tuổi “dở người lớn, dở trẻ con”. Bí bách, túng quẫn, gã lừa “ôm” của ông chủ xe gần trăm triệu tiền hàng.
Năm 1996, gã bị bắt. Tòa tuyên gã 11 năm tù vì tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Gã đi tù lần thứ nhất. Vợ con gã sống lay lắt, lần hồi ở cái xó rừng hiu hắt. Được một thời gian, vợ gã cũng từ giã nơi sơn lam chướng khí rồi cắp con bỏ nhà đi biệt tích. Gã “mồ côi vợ” khi vừa tròn 26 tuổi.
Kể từ khi nhập trại, hòa mình vào “thế giới áo kẻ sọc”, gã cũng tỏ ra là kẻ biết ăn năn hối cải, chẳng thế mà gã đã được đặc xá vào ngày 2/9/2000. Về lại thị trấn Kim Sơn, việc đầu tiên gã làm là “sắm” cho mình một cô vợ mới. Hà Thị Lưu (SN 1970), vợ gã, người dân tộc Thái ở xã Châu Kim, một trong những điểm nóng về tình trạng buôn bán ma túy của miền tây xứ Nghệ.
Rồi tiếp đến, gã “sắm” thêm chiếc xe máy cà tàng để chạy xe ôm. Phố huyện vẫn hiu buồn. Khách hàng thưa vắng, lèo tèo, thu nhập chả đủ cho gã hút thuốc lào vặt. Gã sốt ruột tính kế làm giàu.
Oái oăm thay, bỏ qua ngàn vạn “con đường sáng” để hoàn lương, hướng thiện, gã chọn cách làm giàu bất chính từ việc buôn “hàng trắng”. Địa bàn hoạt động của gã chính là quê vợ. Bởi, gã lý giải, “người ta chả chú ý gì đến một thằng đàn ông “đi thăm bố vợ” như mình!”, với lại “bạn bè đồng trang lứa đều đã thành đạt, giàu có cả rồi, còn mình chỉ hai bàn tay trắng”. Thua trời một vạn, không bằng thua bạn một li, gã quyết tâm “phải giàu bằng mọi giá!”.
Và, gã bị bắt khi chưa… kịp giàu, chưa kịp “bằng bạn, bằng bè”. Lần hầu tòa thứ hai này, gã lĩnh án 30 tháng tù. Lúc đó, vào khoảng đầu năm 2002, vợ gã vừa mới sinh con, gã là lao động chính nên được hoãn thi hành án. Nghĩ rằng, mình sắp “đi vắng lâu ngày”, cần phải kiếm một số tiền giúp vợ con “làm vốn”, gã tiếp tục xách ma túy đi bán với số lượng lớn hơn. Tiền đâu chả thấy, chỉ thấy gã “kiếm” thêm cho mình bản án 8 năm 6 tháng tù. Cộng với cái án còn đương “nợ”, gã “ôm” trọn 11 cuốn lịch vào trại giam để “bóc” dần. Gã đi tù lần hai.
Mẹ ruột Nguyễn Khắc Trung vừa khóc vừa đấm ngực mình khi gặp bị cáo bước ra khỏi phòng xử án.
Bao giờ cho tỉnh cơn mê?
Lần này, vợ gã, người đàn bà không bị bấn loạn với nhan sắc, không son phấn, không tóc xanh tóc đỏ, không cạo gió hơ cồn như “cô vợ miền Nam” trước kia đã nghĩ đến cái nghĩa vợ chồng mà không bỏ rơi gã. Thỉnh thoảng, chị vẫn lặn lội đưa con vào thăm hỏi, động viên gã hoàn lương.
Và quả thật, trong suốt gần 10 năm gã “nằm” trại, chị lặng lẽ ôm con chờ đợi. Cuối năm 2011, gã được ra tù. Vợ chồng sum họp, gã làm thuê lặt vặt. Phụ hồ, rửa xe, cửu vạn…, ai thuê gì gã làm nấy. Vợ gã mừng rơi nước mắt, ngỡ chồng mình hồi tâm chuyển ý, chí thú làm ăn. Chị đâu biết rằng, trong cái đầu mê mụ của ông chồng ngoại tứ tuần kia, vẫn không thôi ấp ủ giấc mộng “thoát nghèo”, giấc mộng “đế vương”. Và, giấc mộng đó nó cứ bám riết, đeo đẳng, thôi thúc gã.
Nghiệt ngã ở chỗ, gã vẫn chọn “con đường ma túy”. Bởi gã nghĩ, con đường đó là con đường ngắn nhất đưa gã đến sự giàu sang. Ngày 26/2/2012, tức là mới tròn 90 ngày mãn hạn tù, “con vừa quen mặt, vợ vừa bén hơi”, gã lại bị bắt. Hôm đó, gã mượn xe máy của mẹ nói là đi xây nhà cho người bạn, rồi lặng lẽ nhằm hướng bản Hữu Văn (Châu Kim, Quế Phong, Nghệ An). Đến đó, gã gửi xe ở đầu bản và tiếp tục đi bộ vào rừng. Sau khi bỏ ra 4.200.000 VNĐ mua một gói heroin của người đàn ông bên nách núi, trên đường quay ngược trở ra, gã bị lực lượng công an huyện Quế Phong và Ban công an xã Châu Kim bắt giữ.
Ngày 19/6/2012, phiên tòa xét xử lưu động của TAND huyện Quế Phong (Nghệ An) diễn ra tại hội trường UBND xã Châu Kim, quê vợ gã. Hàng trăm người dân chen chúc để xem mặt “cái thằng Trung “nghiện đi tù” mồm ngang mũi dọc thế nào!”. Mẹ gã, bà Lê Thị Nguyệt, dù năm nay tuổi gần 90 cũng nhờ con cháu dắt dìu, lặn lội đến từ sáng sớm. Khi nghe từ chính miệng đứa con mình dứt ruột đẻ ra tường trình lại toàn bộ hành vi phạm tội trước tòa, bà khóc lặng, hai bàn tay khẳng khiu tự đấm vào ngực mình thùm thụp. Có lẽ, bà đang tự trách mình vì đã không răn dạy được “thằng con trời đánh”.
Nhìn khuôn mặt già nua đớn đau ấy, người ta có muốn trách bà là mẹ mà quá yêu chiều, buông lỏng giáo dục để con mình đi reo rắc “cái chết trắng” cho thiên hạ thì cũng không đành đoạn. Đôi khi, cuộc sống vẫn cứ ép uổng chúng ta phải tê dại đau đớn với những chiều xúc cảm khó diễn tả kiểu như thế này…
Còn gã, quần áo vẫn bảnh bao, đầu tóc gọn gàng. Trong lúc mẹ và vợ vật vã sụt sùi, gã vẫn lẳng lặng, trơ lì như gỗ đá khi nghe tòa tuyên án. Gã đón nhận bản án 10 năm tù (nâng tổng số án mà đời hắn phải gánh qua 4 lần vịn vành móng ngựa lên đến… 32 năm tù) với một sắc thái bình thản đến lạ lùng. Phải đến tận lúc được gặp mẹ ít phút trước khi bị áp giải lên chiếc xe bít bùng, gã mới chợt rưng rưng. Có lẽ, nhìn cảnh người mẹ gần đất xa trời phải chịn tựa người thân mà khóc, gã cầm lòng không đặng. Dù sao, thẳm sâu trong con người gã, kẻ đã có một cuộc sống lệch lạc, bất thành nhân từ tấm bé, mà khi đối mặt với đấng sinh thành vẫn nhỏ ra được vài giọt lệ, thì âu cũng là chuyện đáng mừng.