Không kể về nguyên nhân khiến mình phải mặc áo số, ăn cơm tù, Nguyễn Văn Dân, SN 1985 ở xã Văn Yên, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) luôn nhắc tới vợ với thái độ hằn học. Anh ta bảo, biết chắc thế nào vợ cũng đi lấy chồng và lúc này là “cơ hội cho nó”.
Lấy vợ cho “phải phép”
Dáng người nhỏ bé, khuôn mặt xương xương lấm tấm tàn nhang, trông Dân chẳng có vẻ con nhà cơ bắp, vậy mà xuất thân của anh ta lại là nông dân thứ thiệt. Có điều, tuy con nhà nông nhưng chưa một lần anh ta phải lội ruộng, đơn giản chỉ vì Dân là con út.
Học xong lớp 9, Dân ở nhà, lông bông rồi trở thành thợ sơn bả ma tít, cái nghề tuy độc hại vì hiếm người dám theo nhưng hái ra tiền khi phong trào làm nhà gỗ, sàn gỗ phát triển. Ít tuổi đã rủng rỉnh tiền, kinh tế gia đình lại không phải lo, Dân đổ vào rượu chè, gái gú. Theo lời Dân thì tán gái dễ lắm, muốn gái theo lại càng dễ, đôi khi chẳng cần nhiều lời, miễn là chịu chơi, chịu chi. Mới ngoài đôi mươi nhưng Dân không nhớ nổi đã trải qua bao mối tình, quan hệ xác thịt với bao nhiêu cô gái.
Thuộc diện thích lăng nhăng, vậy mà Dân gật đầu, thuận theo gia đình cưới Lê Thị Xuân, một cô gái nhan sắc bình thường, kém anh ta 2 tuổi ở cùng xã về làm vợ. Hỏi Dân có yêu Xuân không, anh ta cười bảo: “Chưa khi nào yêu, thấy hay thì cưới” và là “lấy cho có chỗ đi về, theo ý bố mẹ”.
Không yêu nên cuộc sống vợ chồng của Dân vô cùng lạnh nhạt. Nhưng rồi, họ cũng có với nhau một đứa con chung. Bé gái ra đời khiến Xuân đỡ cảm thấy cô độc khi sống giữa gia đình chồng, với nhiều đêm chỉ có một mình trên chiếc giường đôi. Tuy nhiên, Xuân càng sống khép mình với thân phận người vợ bao nhiêu thì Dân càng cảm thấy tẻ nhạt bấy nhiêu. Không ít lần, chỉ vì chán vợ mà Dân đối xử cục cằn, thô lỗ với cả hai mẹ con Xuân. Trong một lần không chịu nổi sự xúc phạm của chồng, Xuân ôm con bỏ về nhà ngoại.
Bất ngờ trước phản ứng của cô vợ vẫn quen nhẫn nhịn, Dân đành xuống nước, đến nhà mẹ vợ bảo Xuân bế con về nhưng cô không chịu. Cô tuyên bố chịu đựng chồng trong gần 2 năm như thế là quá đủ rồi. Lời tuyên bố bỏ chồng của Xuân như gáo nước lạnh dội vào lòng tự trọng vốn chỉ quen dùng tiền biến đàn bà thành trò tiêu khiển khiến anh ta nung nấu ý định giết vợ để rửa nhục.
Đêm 27/6/2011, Dân đến nhà mẹ vợ, ngồi rình ở vườn sắn tới khi thấy trong nhà tắt đèn đi ngủ mới nhẹ nhàng đi vào. Biết gia đình vợ không khoá trái cửa, Dân soi đèn pin cắt một đoạn dây điện rồi dập cầu dao điện, sau đó rón rén đi vào. Do thông thạo vị trí nên anh ta dễ dàng tìm thấy chiếc giường vợ con mình nằm, thòng dây điện vào cổ chị Xuân. Bị thắt cổ bất ngờ song chị Xuân vẫn kịp kêu lên: “Mẹ ơi có người giết con” rồi đưa tay với lên. Sờ đầu kẻ đang thắt cổ mình, Xuân nhận ra chồng mình liền cất tiếng van xin: “Đừng giết em, để em còn nuôi con”. Vừa lúc đó, bà Nguyễn Thị Đạc, mẹ vợ Dân thức dậy, bật công tắc điện, không thấy đèn sáng liền đi về phía giường chị Xuân tìm đèn pin. Tuy nhiên, khi bà Đạc tình cờ bấm đèn pin vào trúng mặt Dân liền bị anh ta giật lấy, đập mấy cái vào mặt. Bất ngờ và sợ hãi, bà Đạc chạy ra cửa hô: “Làng xóm ơi có cướp”. Tiếng mẹ vợ kêu cứu đã khiến Dân choàng tỉnh. Anh ta buông tay đang giữ chặt sợi dây điện ở cổ vợ, đuổi theo bà Đạc, vung dao đâm liên tiếp về phía người đàn bà này. Khi bà Đạc đổ gục xuống hiên nhà, vẫn bị Dân đâm tiếp một nhát dao nữa vào lưng. Ném con dao xuống ao, Dân bỏ chạy vào nhà anh Dương, một người họ hàng của gia đình Dân ẩn nấp cho tới khi bị bắt.
Vợ và mẹ vợ may mắn thoát chết còn Dân bị kết án 15 năm tù về tội giết người. Những ngày trong tù, anh ta luôn miệng kêu hận vợ bởi cho rằng tại vợ giận dỗi bỏ về khiến anh ta nổi nóng mới hành động hồ đồ như vậy. Dân chỉ “thương con gái nhỏ thiệt thòi nên lần nào được gọi điện về nhà cũng xin bố mẹ thi thoảng tới thăm cháu”.
Chỉ thương con gái thiệt thòi
Hỏi Dân có hối hận không khi dùng dây điện siết cổ vợ, anh ta dửng dưng: “Chỉ vì mấy chuyện nhỏ nhặt thế mà nó dám bỏ đi, mấy lần đến bảo về nhà còn làm cao nên em mới ức”. Hỏi tại sao lại cay nghiệt với vợ thế, cô ấy có biết chồng ra ngoài bồ bịch không, Dân im lặng rồi khẽ khàng: “Chắc nó không biết”.
Làm thợ phun sơn kiếm bộn tiền nhưng Dân không mang đồng nào về cho vợ mà ném vào các cuộc chinh phục gái trẻ. Dân bảo đàn ông là phải biết chinh phục còn vợ là cái bến đợi để mình tắm táp, rửa chân lúc quay về. Bộ mặt tỉnh bơ, gã chồng hèn hạ còn cho rằng, chỉ anh ta mới có quyền nói bỏ chứ vợ không được phép nói bỏ chồng.
Thói gia trưởng, sống không cần biết đến ai đã khiến anh ta vào ra phòng kỷ luật tới mấy lần. Vừa vào trại, Dân đã đánh lộn với một phạm nhân cùng buồng, vào buồng kỷ luật ra chưa được vài ngày lại vi phạm tiếp. Ngay dịp Tết vừa rồi, Dân phải đón năm mới trong buồng kỷ luật, cũng vì tội đánh nhau.
Từ ngày vào trại giam, người lên thăm anh ta thường xuyên nhất là mẹ. Bố giận thằng con không biết sống phải trái nên chẳng vào thăm. Dân cũng lờ luôn. Anh ta bảo chỉ thương con gái thiệt thòi và đứa con lại khiến Dân nhớ đến vợ. Anh ta lại dành những lời lẽ cay nghiệt, hận thù khi nói rằng nguyên nhân đẩy mình vào tù chính là vợ.
“Em vào tù thế này nó mừng lắm. Đây là cơ hội để nó lấy chồng mà”, Dân nói, ánh mắt hằn học. Hỏi Dân vợ không vào thăm nhưng đã gửi đơn ly hôn chưa, anh ta lắc: “Chưa nhưng thế nào cũng gửi”.
Dùng dây điện định giết vợ, đâm mẹ vợ suýt chết thế mà khi vào tù lại đổ lỗi tại vợ. Không hiểu người đàn ông này nghĩ gì khi chính mình là người có lỗi… 15 năm tù mới đi được đoạn đường 2 năm, không hiểu còn hơn chục năm cải tạo nữa, anh ta có nhận ra sai lầm của mình để sửa chữa hay vẫn khư khư ôm nỗi hận vô lý này để đổ lỗi cho người khác?