Flappy Bird bị 'Khai tử' là một nỗi nhục!

Một lần nữa, sản phẩm trí tuệ của một người Việt Nam lại phải chịu đầu hàng trước sức ép từ sự quan tâm thái quá của đám đông.

Sáng 9/2/2014, mở mạng internet ra, nhiều người chợt giật mình với thông tin chủ nhân của trò chơi Flappy Bird đang gây bão tuyên bố sẽ gỡ bỏ trò chơi nổi tiếng này.

Xin lỗi các bạn đang chơi Flappy Bird, 22 giờ nữa, tôi sẽ gỡ Flappy Bird xuống. Tôi không thể chịu nổi nữa”.

Một thông tin giật gân, một quyết định bất ngờ, có cả chút tiếc nuối và ngẫm lại thấy cũng ngậm ngùi. Một lần nữa, đám đông lại là người chiến thắng.

Mới chỉ cách đó vài ngày, từ dòng tin trên một tờ báo, độc giả Việt Nam bắt đầu biết đến một sản phẩm game nổi tiếng trên kho lưu trữ ứng dụng trực tuyến của gã khổng lồ công nghệ Apple (App Store). Trò chơi này chạm cột mốc cao nhất với hơn 50.000.000 lượt tải về trên Appstore, 500.000 đánh giá từ người chơi.

Đây được xem là một “mốc son” cho làng công nghệ Việt vốn lạc hậu so với thế giới.

Suốt trong ngày 9/2/1014, giới truyền thông công nghệ quốc tế và trong nước sục sạo tìm câu hỏi “Vì sao Hà Đông lại gỡ bỏ trò chơi đang cực kỳ thành công này?”.

Câu trả lời của chàng trai này cực kỳ đơn giản: “Quyết định này không có liên quan gì đến các vấn đề pháp lý. Chỉ có điều tôi không thể giữ nó được nữa”.

Và với bản tính nghi ngờ, nhiều người thắc mắc có phải Hà Đông sẽ bán trò chơi để thu bộn tiền, chàng trai này nói: “Tôi cũng sẽ không bán Flappy Bird đâu, xin đừng hỏi thế”.

Và anh khẳng định đơn giản: “Tôi vẫn sẽ tiếp tục làm game”.

Lý giải cho thông tin bất ngờ này, một tài năng công nghệ thông tin khác là ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc ePi Technologies chia sẻ: Dân làm công nghệ có cuộc sống đơn giản và khá khép kín, họ chỉ quan tâm đến công việc và niềm đam mê của họ mà thôi. Mọi người hãy để Đông được yên.

Chúng ta hãy cùng nhìn lại xem dư luận đã “quan tâm” thế nào để đến nỗi một sản phẩm trí tuệ mang tính toàn cầu lại có thể chết yểu chỉ trong vài ngày ở Việt Nam?

Lên Google gõ tìm kiếm chỉ trong 0,19 giây đã có 366 triệu kết quả.

Ngày đầu tiên, khoảng ngày 5/2, truyền thông Việt Nam gồm cả các tờ báo, trang tin, facebook, blog bắt đầu đưa thông tin thông báo sự kiện một chàng trai Việt làm nên kỳ tích. Những tin này đa số được dịch từ các báo nước ngoài.

Chỉ sau đó một ngày là một loạt các title giật đùng đùng kiểu như:

- Sự thực vụ 'giết anh vì chơi game Flappy Bird'

- Hàng xóm bất ngờ trước sự nổi tiếng của "cha đẻ" game Flappy Bird

- Nghi án Flappy bird... đạo game

- Flappy Birds hấp dẫn thật hay chỉ là chiêu trò

- Tranh cãi quanh doanh thu tiền tỉ của Flappy Bird

- Flappy Bird sẽ bị Nintendo kiện đòi 6 tỉ USD tiền bản quyền

Trí tuệ, ý tưởng sáng tạo thường là của cá nhân hơn là của "đám đông", "tập thể".

Đang tận hưởng nỗi sung sướng từ việc sản phẩm trí tuệ của mình lên ngôi, Nguyễn Hà Đông đối mặt với đủ loại áp lực từ đám đông: Cáo buộc Đông chôm chỉa ý tưởng, vi phạm bản quyền, dùng thủ thuật đẩy vị trí xếp hạng…

Và không chỉ đám đông, cơ quan Thuế cũng “nực cười” đến mức hùa theo dư luận nhảy bổ vào tuyên bố sẽ “rốt ráo vào cuộc để kiểm soát nguồn thu nhập, tránh thất thu thuế.” Mặc dù doanh thu của trò chơi 1 tỷ đồng mỗi ngày chỉ mới dùng lại ở mức độ… “tin đồn”.

Và đương nhiên, trước sức ép khổng lồ như vậy, một dân công nghệ quen cuộc sống đơn giản như Hà Đông đã không chịu nổi và buông tay “Tôi không thể chịu nổi nữa”.

Như vậy là chỉ chưa đầy 4 ngày, kể từ 5/2 đến 9/2, sự quan tâm của đám đông đã giết chết một sản phẩm đang gây sốt trên toàn thế giới.

Thực tế là trò chơi này đã được tung lên từ tháng 5/2013 và cứ thế lặng lẽ chu du khắp thế giới, đạt được cột mốc không tưởng và leo lên vị trí đầu bảng với doanh thu khổng lồ.

Vậy mà khi được người Việt Nam biết đến chưa đầy 4 ngày, cha đẻ của nó đã phải xin “tự chết”. Điều này có đau đớn quá không, khi sản phẩm này là trí tuệ của người Việt, được xây dựng trên chính trên quê hương của nó?

Một lần nữa, sự quan tâm thái quá của đám đông đã giết chết một sản phẩm trí tuệ và tệ hơn có thể sẽ dập tắt đam mê của một tài năng.

Còn ai dám lao động?

Còn ai dám thành công?

Chi bằng, ngồi yên cho lành!

Hoặc lên mạng làm “anh hùng bàn phím” tha hồ phán xét ai thì phán!

Nếu muốn những người có trí tuệ lao động cống hiến cho cuộc sống thì hãy để họ yên, sống với niềm đam mê của họ. Chúng ta sẽ được hưởng lợi từ niềm đam mê đó. Còn nếu muốn thể hiện sự quan tâm, tốt nhất, bạn hãy bỏ tiền ra mua sản phẩm.

Còn tôi, tối nay tôi cũng sẽ thử vắt tay lên trán ngẫm xem: Có nên sống theo trí tuệ, hay sống theo dư luận cho… lành!