Người sử dụng nó có thể “tẩu hỏa nhập ma” vì những lời bình luận.
Việc sử dụng facebook như thế nào và tác hại của facebook ra sao, các bác sĩ tâm thần cho rằng có thể gây rối loạn tâm thần như người nghiện game. Về vấn đề này, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - GĐ Trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội VN - chuyên gia tư vấn các vấn đề xã hội, đã có cuộc trao đổi với báo Infonet.
PGS Trịnh Hòa Bình
Thưa ông, facebook là một công cụ giải trí của nhiều người nhưng hiện nay việc sa đà, mất quá nhiều thời gian cho facebook trở nên đáng báo động. Xin ông cho biết facebook là liều thuốc an thần hay thuốc độc?
PGS Trịnh Hòa Bình: Facebook hay mạng xã hội nói chung đều có cái hay nhưng cái dở cũng không kém. Ở góc độ xã hội học, tác động của mạng xã hội đối với đời sống con người rất lớn. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của mạng xã hội. Nhờ đó con người có thể thực hiện giao kết gián tiếp với nhiều người khác bất chấp không gian, thời gian, giai cấp, thành phần, địa vị xã hội, thu nhập. Giao tiếp đó vượt qua nhiều rào cản, giao kết đó nó tức thời và đồng loạt có xu hướng cộng hưởng tâm trạng, thái độ.
Tuy nhiên, có bất cập nhất là ở thái độ của nhiều người, khi họ thấy cô đơn ngoài xã hội và họ muốn tìm kiếm sự chia sẻ của mọi người ở mạng xã hội, lúc này facebook trở thành nơi nâng giấc đỡ đần cho họ. Ý kiến của cộng đồng cư dân mạng có tác động với họ rất lớn, nhất là đối với người bị đứt gãy, bế tắc trong cuộc sống. Đặc biệt với những người trong cấu trúc nhân cách có sự bất ổn thì người ta càng tìm đến sự chia sẻ. Trong trường hợp này mạng xã hội có thể nâng đỡ hoặc vùi dập thêm.
Người ta mong chờ sự lăng xê, chia sẻ thì có thể nhận được sự lên án, phản ứng của cư dân mạng. Lúc ấy người ta càng bế tắc hơn. Nơi đó người ta cảm thấy vừa là cơ hội được chia sẻ cuối cùng vừa là nơi có thể bị ném đá khủng khiếp, dẫn đến các hành vi như tự sát, uống thuốc ngủ. Lúc ấy facebook chẳng khác nào là thuốc độc.
Khi nhân cách bị thiếu hụt hoặc thiếu độ vững vàng thì việc tìm đến mạng xã hội là lợi bất cập hai, họ sẽ thấy sự phản tác dụng của mạng xã hội dành cho mình. Đặc biệt trong môi trường được giáo dục cẩu thả thì con người ta dễ bị xao động, dễ ném đá hội đồng.
Nhất là sự chia sẻ, lên án, “đánh” hội đồng thường diễn ra tức thời và đồng loạt. Điều ấy cũng làm cho con người ta bị ảnh hưởng, bị “tẩu hỏa nhập ma” trong mớ bòng bong trên cuộc sống ảo.
Ngược lại, nếu gia nhập làng xã hội mạng với tư thế ung dung, bình thản thì mạng xã hội lại là nơi đem lại niềm vui nhất định.
Với những người “nhân cách thiếu hụt” họ sẽ rơi vào vòng xoáy của cuộc sống ảo. Vậy theo ông hiện tượng đó có phải là một phản ứng nghiền facebook hiện nay khi họ vào facebook vừa là để chia sẻ cũng vừa để ném đá ai đó?
PGS Trịnh Hòa Bình: Thực ra những sự vật hiện tượng trong đời sống xã hội dẫn đến gây nghiện facebook, có tác hại đến con người chưa rõ ràng, nhưng ai lệ thuộc quá nhiều mạng xã hội chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe như mắt và phản xạ kém nhanh nhạy.
Trong tình trạng thể trạng kém, nội dung gặt hái từ facebook có thể thăng hoa làm người ta không dứt được, có thể gây nghiện. Có người ngày nào cũng vùi mình vào đó. Nó không chỉ xảy ra ở giới trẻ mà cả ở những người đã đi làm, người có tuổi. Và đúng là họ cũng có tâm lý vào xem xã hội ảo sống như thế nào.
Người ta hay vào mạng và trở thành nhu cầu tồn tại thì lúc ấy có thể xem như họ đã bị nghiện. Mọi người cần nhớ facebook là cuộc sống ảo nhưng cũng rất thực nên họ dễ bị thất vọng bởi những gì đang diễn ra trên facebook.
Nhiều người từng thừa nhận họ bị nghiền facebook và cai nó bằng cách gỡ các cài đặt ứng dụng. Tuy nhiên vì nhớ nên họ lại tìm cách khác để vào. Vậy theo ông, để “cai nghiện” facebook có khó không?
PGS TS Trịnh Hòa Bình: Liệu pháp tâm lý làm giảm số lần vào facebook đó chính là mọi người cần tăng liều giao tiếp trực tiếp. Để khắc phục tình trạng đuỗn, đờ, lẩm cẩm, phản ứng kém nhanh nhạy do đắm chìm trong mạng xã hội, chúng ta cần tăng cường giao tiếp thực tế, làm việc trực tiếp với nhau, đặc biệt là tăng cường giao lưu bạn bè bên ngoài, hoạt động thể dục thể thao.
Còn khi họ muốn tách ra khỏi facebook mà lại “nhốt” họ trong căn phòng u ám chỉ có phương tiện bầu bạn là mạng xã hội thì không thể nào tách họ ra khỏi được thế giới ảo. Họ không thể cai nghiện được và càng ngày càng lún sâu vào nó. Biện pháp gỡ cài đặt hay bất kể các biện pháp nào chỉ là tạm thời vì họ đã nghiện và có nhớ tới nó là sẽ làm mọi cách để đỡ nhớ.