Mỗi lần nghe câu hỏi ngây thơ của đứa con gái 8 tuổi “không tay, không chân”, lòng chị Trịnh Ngọc Thủy (tổ 67, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái) lại tan nát, nước mắt cứ thế trào ra. Chị không biết giải thích như thế nào để một đứa bé mới 8 tuổi đầu hiểu và chấp nhận với số phận, vì thế nỗi đau lại càng đắng nghẹn trong lòng chị.
Chị tâm sự, mỗi lần nhìn con, chị lại ao ước, nếu có phép màu nào đó để chị đổi được hình hài của mình cho con thì hạnh phúc biết chừng nào. Hình như con bé cũng hiểu được sự khiếm khuyết về hình thể của mình, nên nó rất nhạy cảm. Chị Thủy kể, mỗi khi ra đường, thấy ai tò mò nhìn mình hay xì xào bàn tán, bé Linh Chi rất buồn. Nhìn con mà lòng người mẹ như tan nát. Chị chỉ biết ôm con thật chặt, vỗ về để cho bé nguôi ngoai.
Bé Linh Chi rất ngoan. Ngay từ lúc còn nhỏ, bé đã cố gắng tự làm những việc cá nhân để bố mẹ khỏi lo lắng. Bé cố gắng dùng mẩu tay ngắn ngủn của mình để bê nước uống, tự xúc cơm để ăn… Với những đứa trẻ bình thường bằng tuổi bé, cũng khó khăn lắm mới làm được những việc như thế, thì với bé, những việc này lại trở nên khó gấp nhiều lần.
Để có thể ôm được cốc nước, bát cơm cũng là cả sự khổ luyện của bé và mẹ. Có những lúc, đôi tay ngắn ngủn của bé mỏi rã, đồ vật cứ thế rơi ra, không theo sự điều khiển. Nhưng rồi được sự khích lệ và kiên nhẫn của mẹ, dần dần bé cũng tự làm được những việc của cá nhân.
“Linh Chi chịu khó lắm, chỉ khi nào việc gì quá khó cháu mới nhờ bố mẹ. Chẳng hạn như phải gãi lưng, cháu cũng tìm cách để di lưng vào bàn, ghế cho khỏi ngứa. Còn việc ăn uống, cháu cũng tự mình làm. Chúng tôi cũng cố gắng động viên và dạy bé tự lập, để sau này lớn lên, bé sẽ không phải làm phiền nhiều người”, chị Thủy tâm sự.
Linh Chi luôn cố gắng tự làm mọi việc của cá nhân.
Khi lên 7 tuổi, nhìn các bạn đến trường, Linh Chi cũng nói với mẹ cho bé được đi học. Mới đầu gia đình chị cũng rất lo lắng, vì nghĩ rằng với đôi tay như thế, làm sao con có thể đi học được. Nhưng nhìn sự khát khao được đến trường của con, chị “liều” xin cho con vào học lớp một ở trường tiểu học Nguyễn Thái Học. Ban đầu nhà trường cũng ngần ngại, nhưng vì sự thiết tha của gia đình, nhất là sự quyết tâm của bé, nhà trường đã nhận cháu vào học.
Những ngày đầu cầm bút đối với Linh Chi là một cực hình. Bé “quắp” bút trong cánh tay bé nhỏ, đầu nghiêng vẹo sang một bên để học viết từng nét chữ. Ngày này qua ngày khác, từng nét chữ xiêu vẹo, đổ nghiêng, cánh tay bé phồng rộp, hai mắt đau nhức vì phải nghiêng theo cánh tay và phải nhìn quá sát với trang giấy, nhưng Linh Chi vẫn không nản. Cuối cùng, những nét chữ cũng đã bắt đầu “nghe theo” điều khiển của cô bé, dần ngay ngắn và thẳng hàng.
“Mỗi lần thấy con tì bút để viết từng nét chữ, mặt mũi nhăn nhó vì đau đớn tôi thương con lắm. Khi con viết được rồi thì tôi lại bắt đầu lo lắng, vì bé rất thích viết, thích vẽ, nhưng mỗi lần như thế, không có cách nào khác, hai mắt của bé gần như áp sát với trang giấy, tôi lại sợ cho đôi mắt của con. Tôi chỉ mong sau này có điều kiện có thể có dụng cụ nào đó nối dài hơn cánh tay của con, để bảo vệ cho đôi mắt của con”, chị Thủy thở dài.
Hiện nay, để Linh Chi được đến trường, gia đình chị phải thuê người đưa đón bé và chăm sóc cháu ở trường. Hoàn cảnh gia đình chị Thủy cũng gặp nhiều khó khăn. Đứa con thứ hai của vợ chồng chị năm nay 6 tuổi cũng bị ảnh hưởng của chất độc da cam từ ông nội, một đại tá quân đội nhiều năm chiến đấu ở chiến trường miền Nam và Khe Sanh (Quảng Trị). Tuy bé có đầy đủ hình hài, nhưng mắc chứng bệnh dị ứng máu, đau ốm liên miên. Chồng chị Thủy cũng bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha, sức khỏe cũng giảm sút vì chứng bệnh dị ứng máu.
“Buổi sáng chúng tôi đưa cháu đến trường, sau đó nhờ một bác chăm sóc cháu trong thời gian cháu ở trường. Vì ở trường không có khu vệ sinh cho người khuyết tật, nên cháu không thể tự đi được. Chuyện ăn uống ở trường của cháu cũng vậy. So với các bạn cùng lứa, cháu ăn uống chậm hơn nên cũng ảnh hưởng đến giờ ăn, ngủ của các cháu khác. Nhiều lúc cháu ăn chậm còn bị các bạn trêu chọc, làm cháu rất tủi thân. Vì thế để cháu được đến lớp, gia đình tôi phải vất vả rất nhiều, phải thuê người để chăm sóc cháu ở trường, cốt một phần để cháu không làm phiền cô giáo và các bạn trong lớp”.
Ông nội và Linh Chi khi còn nhỏ
Năm nay Linh Chi học hết lớp một, nhưng có lẽ sang năm chị vẫn xin cho con ở lại lớp một, phần vì để con nắm chắc hơn kiến thức đã học, nhưng chủ yếu vẫn là để cháu học cùng với đứa em năm nay cũng vào lớp một. Em cháu sẽ chăm sóc chị trong việc sinh hoạt ở trường, để gia đình chị không phải thuê người, đỡ phần nào khó khăn. “Một, hai tháng tới tôi cũng nghỉ việc, tìm kiếm công việc khác phù hợp hơn để có thời gian đưa đón, chăm sóc con nhiều hơn. Nhưng như thế tôi cũng không biết lo cho các con thế nào khi công việc không ổn định”.
Chị Thủy tâm sự, dù khó khăn đến mấy, chị cũng chịu được và sẽ cố gắng vượt qua. Nhưng có một nỗi buồn mà nhiều lần chị tự nhủ là sẽ cố vượt qua nhưng chưa lần nào chị vượt qua được. Đó là sự kỳ thị của mọi người xung quanh.
Mỗi khi bé ra đường, mọi người lại xì xào bàn tán. Ở trường, nhiều ánh mắt của các bạn nhìn chằm chằm vào cháu, thậm chí có bạn còn không chơi với cháu và gọi cháu là “đồ cụt tay, cụt chân”. Những lời nói, hành động như thế như ngàn mũi dao cứa vào tâm can người mẹ. Thương mình một, chị lại thương con mười, chị động viên con mà nước mắt cứ lăn dài trên má, mặn chát.
“Là người mẹ, ai cũng mong ước có những đứa con lành lặn, khỏe mạnh. Nhưng gia đình tôi không may mắn. Tôi không mong mọi người thương hại, chỉ mong họ hiểu được nỗi khổ của mẹ con tôi để thông cảm. Nhiều lúc tôi muốn cho con đi chơi ra ngoài để cho con khỏi cảm giác tù túng, để con được hòa nhập với cộng đồng. Nhưng mỗi lần như vậy, nhiều người không thông cảm, nhìn chúng tôi dò xét, thậm chí có người còn ác miệng nói những câu làm tổn thương cho mẹ con tôi", mẹ Linh Chi ngậm ngùi.
Ở trường, nhiều cô giáo thông cảm và hết lòng thương yêu bé nhưng cũng có nhiều cô giáo trẻ chưa thông cảm, họ sợ khi phải tiếp xúc với Linh Chi “không chân, không tay” và cho rằng nếu nhìn cháu nhiều, họ sẽ sinh ra những đứa con tàn tật như bé. Chị Thủy chỉ mong con mình mãi mãi không biết chuyện này bởi sợ rằng, nếu Chi biết chuyện sẽ buồn và mất lòng tin vào cuộc sống.
Nỗi lo lắng của chị Thủy bấy lâu nay như được xoa dịu bởi niềm vui như trở lại với cô bé Linh Chi. Mấy hôm nay, được tin chàng trai “không tay, không chân” Nick Vujicic đến Việt Nam, Linh Chi như khác hẳn. Cô bé vui vẻ, hoạt bát hẳn lên, luôn miệng hát líu lo.
“Cháu không bỏ qua chương trình nào giới thiệu về Nick Vujicic trên TV. Cháu cố gắng làm những việc mà ngày thường có khi cháu còn nhờ bố mẹ hỗ trợ. Cháu nhảy nhót, bắt chước các hành động của Nick làm cả nhà thực sự vui. Cháu bảo mẹ cố gắng mua được vé để cho cháu được gặp chú Nick bằng xương bằng thịt, để học tập theo chú Nick. Nhìn con vui, tôi mừng rơi nước mắt, chỉ mong những phút giây như thế này kéo dài mãi”, chị Thủy cho biết.
“Tôi rất mong con gái tôi và những cháu bé bị khuyết tật có cơ hội được gặp “thần tượng” của mình. Đó là nguồn động viên rất lớn để cháu vượt qua khó khăn trong cuộc sống”, chị tâm sự.