Em bé đầu tiên nhờ mang thai hộ sắp chào đời

Sau 1 năm thực hiện Nghị định số 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đến nay cả nước thu nhận gần 100 hồ sơ đăng ký.

Sau 1 năm thực hiện Nghị định số 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đến nay cả nước thu nhận gần 100 hồ sơ đăng ký thực hiện kỹ thuật này. Dự kiến, em bé đầu tiên sẽ chào đời trong tháng 1/2016 nhờ việc mang thai hộ tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.

Kỹ thuật viên thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Ảnh: TL

Tỷ lệ thành công đạt 50%

Lấy chồng đã nhiều năm nhưng chị T.T.K (SN 1987, quê tại tỉnh Khánh Hòa) vẫn chưa mang thai. Đi khám, chị được bác sĩ thông báo bị khiếm khuyết ở hệ sinh dục, bao gồm tử cung nhi hóa (tử cung không phát triển), không có cổ tử cung, không có kinh nguyệt. Tháng 1/2015, tin vui đến với vợ chồng chị K cũng như nhiều gia đình hiếm muộn khác khi Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. May mắn, chị K đã “nhờ” được người chị họ hàng sinh năm 1982 mang thai hộ mình. Chị đã tới Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) để thực hiện kỹ thuật. Tháng 9/2015, bác sĩ thông báo tin vui, trường hợp của chị là một trong những ca mang thai hộ đầu tiên của bệnh viện đã có tim thai.

Chị K là một trong số 19 ca thực hiện mang thai hộ thành công, trong tổng số hơn 30 hồ sơ từ các cặp vợ chồng hiếm muộn đủ điều kiện mang thai hộ tại Trung tâm Hiếm muộn (Bệnh viện Từ Dũ). Còn tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia (đặt tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương), trong năm 2015, trong số gần 70 hồ sơ nộp, đã duyệt 60 hồ sơ và thực hiện gần 50 ca mang thai hộ thành công. Tỷ lệ thành công trong thực hiện kỹ thuật này đã đạt được 50%. Theo BS Hồ Sĩ Hùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, ca mang thai hộ lớn nhất cũng đã 35 tuần tuổi. Dự kiến, em bé sẽ chào đời trong tháng 1/2016.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin, theo quy định, những cặp vợ chồng chưa có con chung, người vợ không thể mang thai, sinh nở do các bệnh lý (tim, thận, gan, phổi) và bệnh lý sản phụ khoa, như: Không có tử cung, phải cắt bỏ tử cung, sẩy thai nhiều lần không rõ nguyên nhân, làm thụ tinh ống nghiệm nhiều lần, nhưng chuyển phôi thất bại… có quyền được nhờ mang thai hộ tại ba cơ sở y tế là: Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM).

Phát sinh nhiều vấn đề

Tuy nhiên, tại Hội thảo khoa học đánh giá bước đầu thực hiện Nghị định của Chính phủ về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vừa được Bộ Y tế tổ chức cuối tuần qua, GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, kỹ thuật lấy trứng, lấy noãn rất khó khăn, thậm chí có những trường hợp phải lấy qua đường thành bụng. Trong quá trình thực hiện, có rất nhiều rủi ro, thậm chí nguy cơ tử vong, gây biến cố nặng đối với người phụ nữ.

GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết thêm, thực tế có nhiều trường hợp trong khi sinh nở vì thủ thuật sản khoa mà đứa con bị liệt, tàn tật vì lý do nào đó người vợ không thể mang thai được nữa lại không được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Hay với phụ nữ mang thai lần đầu, không may mắn bị tai biến, bắt buộc phải cắt tử cung để cứu sống mẹ. Người phụ nữ này sau cắt tử cung, noãn vẫn bình thường, người chồng tinh trùng vẫn bình thường, nếu họ được phép nhờ mang thai hộ, khi có nhu cầu sinh thêm đứa con nữa thì chắc chắn sẽ nhân đạo hơn.

Bên cạnh đó, thủ tục để hoàn thành một hồ sơ được phép mang thai hộ hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn về mặt pháp lý mà ngành Y tế không thể can thiệp. Ví dụ như phải hoàn thành hồ sơ, giấy tờ chứng minh mối quan hệ họ hàng giữa người nhờ mang thai và người mang thai hộ, rồi hợp đồng pháp lý… Chỉ khi những hồ sơ này được duyệt đầy đủ về pháp lý, Hội đồng chuyên môn và Hội đồng khoa học kỹ thuật của bệnh viện sẽ kiểm tra, tiến hành các xét nghiệm, chẩn đoán để xác định cặp vợ chồng hiếm muộn có trong nhóm được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ hay không.

Sau khi đầy đủ hồ sơ pháp lý và chẩn đoán y khoa trong phạm vi được thực hiện kỹ thuật này, các bác sĩ sẽ gặp gỡ, tư vấn cho cả hai bên nhờ mang thai và mang thai hộ. Khi hai bên đã thông suốt, đồng ý, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện kỹ thuật thụ tinh.

Khó xảy ra khả năng mang thai hộ vì mục đích thương mại

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, với những quy định hết sức chặt chẽ, khả năng mang thai hộ vì mục đích thương mại rất khó xảy ra. Tuy nhiên, cũng không loại trừ tình huống người mang thai hộ không muốn trao lại đứa trẻ hoặc vợ chồng nhờ mang thai hộ từ chối nhận con. Trong trường hợp này, có thể phải nhờ đến tòa án can thiệp.

Theo giới chuyên môn, về kỹ thuật, bào thai mang hộ là sự kết hợp giữa trứng và tinh trùng của vợ chồng được mang trong tử cung của một người khác nhờ vào kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Đứa bé sinh ra mang gene di truyền của bố mẹ chứ không phải của người mang thai hộ.