“Anh không hát, chỉ đóng thế thôi!”
Lấy phải người chồng “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành” chị Nguyễn Tâm (Ba Đình, HN) không chỉ cảm thấy ngột ngạt mà còn nhiều phen mất mặt vì chồng.
Hai vợ chồng trẻ, chưa có con, thu nhập khá nên cũng có của ăn của để. Nhưng trái với tính phóng khoáng của những chàng trai trẻ, chồng chị lúc nào cũng tìm cách thắt chặt hầu bao. Từ những khoản chi tiêu lặt vặt trong gia đình đến quà cáp, cưới xin anh đều tính toán chi li sao cho chi phí ít nhất.
Chị bảo, chồng biết tính toán, chi tiêu tiết kiệm cho gia đình chị rất mừng, nhưng sự chi li quá mức của anh nhiều lúc khiến chị xấu hổ.
Chị Tâm kể: “Ngồi uống cốc trà đá với bạn mà anh cũng “share”. Hồi sinh viên còn chấp nhận được chứ giờ đi làm rồi đáng bao nhiêu đâu. Tôi nói thì anh bảo đó là thói quen từ hồi sinh viên rồi. Ngán nhất là mấy vụ tụ tập ăn uống, hát karaoke cùng bạn bè. Lần nào anh cũng tìm cớ thoái thác để khỏi trả tiền.
Có lần tôi với anh đi hát karaoke cùng đồng nghiệp trong công ty tôi. Tổng thiệt hại chia ra mỗi người là 100 nghìn. Thế nhưng anh nhất quyết chỉ đóng 100 nghìn cho cả hai vợ chồng. Anh bảo anh chỉ đi tháp tùng vợ, không hát bài nào, cũng không ăn không uống nên chỉ đóng suất của vợ. Tôi nghe mà chỉ muốn độn thổ”.
Cũng vì cái thói keo kiệt của chồng mà bạn bè, hàng xóm dần xa lánh hai vợ chồng chị.
“Sinh nhật hay lễ tết gì muốn mời bạn bè đến chung vui anh cũng cản, anh lấy lý do là nhà chật. Bạn bè mời đi ăn uống, tiệc tùng là anh tìm cách từ chối hết. Anh bảo, ra hàng thì kiểu gì cũng phải share, mà người ta mời thì ắt có ngày mình phải mời lại, như thế tốn kém. Đi làm về là chỉ ru rú ở nhà thôi”, chị Tâm nói.
Hồi yêu nhau, chị Tâm cũng đã ngờ ngợ về cái tính “kẹo kéo” của chồng, nhưng thấy anh hiền lành, chịu khó, lại chân thành nên chị đồng ý cưới. Giờ sống chung, phát hiện cái tính ấy, chị chỉ còn biết khóc dở mếu dở.
“Giờ nghĩ lại mới thấy cái tính keo kiệt của chồng đã bộc lộ từ thời yêu nhau. Trốn được cái vé xe bus 3 nghìn hay mặc cả được món nào rẻ là anh cũng đem khoe với tôi như một chiến tích. Đi ăn mà gặp bạn tôi là anh tìm lý do đòi đi quán khác, chắc anh sợ phải trả cho cả hội”, chị Tâm ngán ngẩm nghĩ lại.
Nhiều khi đi mua sắm hay đi đâu với chồng, chị thấy muối mặt vì tính ki bo của chồng. (Ảnh minh họa).
Mua đồ thanh lý để tặng mẹ vợ
“Hơn 5 năm yêu rồi cưới, tôi chưa biết đến bông hoa, tấm thiệp là gì”, chị Thu Lan (Phố Chùa Láng, Đống Đa) bắt đầu câu chuyện kể về chồng mình như thế.
Vợ chồng chị tuy không thuộc dạng giàu có, nhưng kinh tế ổn định và có thể sống tươm tất như bao gia đình khác. Vậy mà chồng hạn chế từ chuyện ăn uống, sinh hoạt của vợ con đến quà cáp cho người thân, bạn bè. Nhiều khi đi mua sắm hay đi đâu với chồng, chị thấy muối mặt vì tính ki bo của chồng.
“Lễ tết anh không có quà cho vợ con thì thôi. Nhưng cái lễ để trả hiếu với bố mẹ anh cũng không cho tôi làm tròn. Năm có một ngày Tết về thăm bố mẹ vợ mà anh cũng chỉ mang được một giỏ quà có hộp mứt nho nhỏ, hộp chè, hộp bánh và chai rượu loại rẻ tiền. Lần nào tôi cũng phải dấm dúi mừng tuổi cho hai cụ để hai cụ đỡ tủi thân”, chị nói.
Biết con rể có tính keo kiệt nên bố mẹ chị rất hiếm khi ra thành phố thăm con. Mẹ chị bảo sợ ra chơi con rể lại nghĩ ngợi. Đến khi chị sinh con đầu lòng, mẹ ra chăm sóc chị được một tháng, chồng tỏ ra hào phóng, còn mua cả quần áo để tặng mẹ. Thế nhưng tất cả đều nằm trong sự tính toán để giảm chi phí của chồng.
“Khi mẹ về anh thốt ra một câu khiến tôi buốt lòng “Thế là thoát nợ”. Có lẽ anh nghĩ tôi đầy tháng rồi, tự làm mọi việc được nên không cần mẹ chăm sóc nữa. Mẹ ở lại thêm gánh nặng. Đến bộ quần áo anh mua tặng mẹ, hỏi ra mới biết anh mua đồ thanh lý giá rẻ", chị xót xa.