Trước khi phiên tòa phúc thẩm xét xử Dương Chí Dũng và đồng phạm diễn ra, PV đã có dịp trao đổi với người thân của cựu Chủ tịch Vinalines. Gia đình ông Dũng cho biết, dịp sau Tết Nguyên đán vừa qua, họ được cơ quan tố tụng tạo điều kiện, cho phép gặp Dương Chí Dũng tại trại B14, Bộ Công an. Cuộc gặp diễn ra khá xúc động, tinh thần ông Dũng phấn khởi, ổn định hơn sau đó.
Trực tiếp: Xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm
Cựu Chủ tịch mừng tủi vì được gặp mẹ
Người thân của Dương Chí Dũng cho biết, đến thời điểm hiện tại, gia đình vẫn giấu, không dám cho ông Dương Khắc T. (bố đẻ Dương Chí Dũng) biết những thông tin về việc Dũng bị bắt và bị tòa sơ thẩm tuyên án tử hình. Được biết, ông T. tuổi đã cao, sức khỏe yếu. “ông nội em lúc nhớ, lúc quên. Thỉnh thoảng có hỏi bố Dũng và chú Trọng đi đâu, nhưng gia đình cứ phải lảng đi việc khác, sợ ông biết sự thật sẽ không chịu được. Còn bà nội thì khóc nhiều lắm, bà rất thương bố và chú Trọng”, một người con của Dương Chí Dũng chia sẻ với PV.
Theo LS. Trần Đình Triển, một trong ba luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng, sau phiên tòa sơ thẩm, ông Dũng đã làm đơn đề nghị được cho gặp mẹ, vợ, con và đã được tòa, trại giam chấp thuận. Sau dịp Tết Giáp Ngọ vừa qua, gia đình Dương Chí Dũng đã vào thăm nuôi ông này tại trại B14.
Người thân của cựu Chủ tịch Vinalines cho biết, cuộc gặp diễn ra khá xúc động. Hôm đó, mẹ Dương Chí Dũng đã khóc nhiều, còn ông Dũng cố kìm chế, động viên mẹ, vợ, con hãy giữ gìn sức khỏe. Qua cuộc nói chuyện, mọi người trong gia đình nhận thấy, tinh thần ông Dũng khá ổn định, vững vàng trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra. Cựu Chủ tịch Vinalines còn thường xuyên tập dưỡng sinh để giữ gìn sức khỏe. Ông Dũng cũng dặn dò vợ: “Gia đình đã vào hoàn cảnh như vậy rồi, hãy chăm sóc bố mẹ cho trọn vẹn”. ông Dũng nói, trong những ngày vừa qua, đặc biệt là “đón tết” trong nhà giam, ông nghĩ rất nhiều về bố mẹ, vợ con, các em.
Bà Phạm Thị Mai Phương (vợ Dương Chí Dũng) từng cho PV biết, trong những ngày diễn ra phiên tòa xét xử sơ thẩm chồng mình, cũng như tại phiên xét xử sơ thẩm Dương Tự Trọng và đồng phạm, ông Dũng đã tranh thủ hỏi thăm sức khỏe bố mẹ, các con, các cháu ngoại thông qua vợ. Ông Dũng cũng quan tâm, hỏi han về chàng rể thứ hai, bởi sau khi ông bị bắt, cô con gái thứ hai của vợ chồng ông mới đi lấy chồng nên ông không biết mặt con rể. Tại buổi thăm nuôi của gia đình ông Dũng trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, chàng rể thứ hai cũng có mặt trong cuộc gặp gỡ này nên ông Dũng tỏ ra rất vui mừng.
“Bố em lúc nào chả thế! Bố luôn quan tâm đến mọi người. Trước đây, gia đình chỉ được gửi quà vào cho bố, nhưng lần này, cơ quan chức năng tạo điều kiện để gia đình em được gặp bố, tâm lý ai cũng thấy thoải mái. Cuộc gặp diễn ra khoảng một tiếng. Mỗi người, bố hỏi thăm vài điều. Khi gặp bà nội, bố thực sự xúc động. Khi biết tâm lý bố ổn định, trông chắc người hơn, đầu tóc gọn gàng thì cả nhà cũng yên tâm”, con rể của Dương Chí Dũng chia sẻ.
Nguồn tin này cũng cho biết thêm, vì muốn bà Phương đỡ buồn và ổn định tâm lý nên thời gian gần đây, vợ chồng cô con gái thứ hai đã dọn đến ở cùng mẹ tại căn nhà trong ngõ 26, đường Nguyên Hồng, quận Đống Đa, Hà Nội. Thỉnh thoảng, hai vợ chồng cô đưa bà Phương đi mua sắm, về quê chơi, đi dạo... để tâm lý bà được thoải mái. Vào ngày nghỉ, vợ chồng cô con gái lớn cũng thường xuyên cho các cháu từ dưới Hải Phòng lên Hà Nội thăm bà Phương, để động viên bà. Tại thời điểm này, tâm lý của bà Phương cũng rất ổn định, bà không còn “sụt cân trông thấy” như ngày ông Dũng mới xảy ra chuyện.
Vợ bị cáo Dũng đọc thơ tặng chồng
Cũng theo lời người thân của Dương Chí Dũng và lời của luật sư thì bà Phương đang cố gắng làm tất cả những gì có thể để giúp chồng mình. Bà tin tưởng rằng, tội trạng của chồng mình như thế nào thì sẽ được tòa làm rõ tại phiên xét xử phúc thẩm. Tại buổi thăm chồng trong trại giam, bà Phương đã xúc động đọc thơ tặng Dương Chí Dũng. Nghe bà đọc xong, rất nhiều người không cầm được nước mắt.
Được biết, vợ Dương Chí Dũng đã nộp cho cơ quan chức năng những giấy tờ chứng minh căn hộ ở tòa nhà Pacific (căn hộ Dương Chí Dũng mua tặng người phụ nữ có con riêng với mình) là tiền bà Phương đã phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi để đưa cho Dũng.
LS. Trần Đình Triển cho biết, qua các buổi làm việc với thân chủ, ông Dũng thừa nhận trách nhiệm của mình ở hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Còn mức độ đến đâu thì tòa sẽ xem xét, đánh giá. Riêng đối với tội tham ô tài sản và bị xử tử hình, ông Dũng cho rằng mình bị oan.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Dũng cũng nói: “Tôi không tham ô mà nói tôi tham ô thì tôi không nhận. Kể cả có bị đánh chết trong tù, tôi cũng không nhận. Đó là danh dự của tôi, của gia đình tôi. Tòa kết án tử hình, tôi phải chịu nhưng vợ tôi, gia đình tôi sẽ phải kêu oan suốt đời”.